Hiệu quả từ hướng nghiệp: Tôn trọng mong muốn và năng lực

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh không lắng nghe mong muốn, sở thích hoặc căn cứ vào năng lực của con...

Chị Hoàng Thị Lệ Thủy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng con gái tham gia Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Ngô Chuyên
Chị Hoàng Thị Lệ Thủy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng con gái tham gia Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Ngô Chuyên

Trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho con, nhiều phụ huynh không lắng nghe mong muốn, sở thích hoặc căn cứ vào năng lực của con mà chỉ tư vấn theo nguyện vọng cá nhân. Điều này khiến nhiều em trượt hoặc đỗ vào trường không mong muốn, dẫn đến thiếu hứng thú, chán nản trong học tập.

Tôn trọng năng lực

Từ khi con học lớp 11, chị Hoàng Thị Lệ Thủy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã định hướng ngành học ưa thích dựa theo tổ hợp dự định xét tuyển đại học, cao đẳng. Bước sang lớp 12, dựa trên năng lực của con, chị gợi ý thêm một số ngành học là sở thích, đam mê để tự cân nhắc lựa chọn.

Cùng đó, chị hướng dẫn con sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên để loại dần. “Ví dụ con học khối C, tôi gợi ý các ngành như: Sư phạm, Luật, Báo chí… và hướng dẫn con vào website nhà trường để tra cứu thông tin, chương trình đào tạo, cơ hội việc làm, học phí… xem có phù hợp năng lực cá nhân, điều kiện kinh tế gia đình hay không. Tôi cũng cho con đi tham quan các trường đại học để được nghe thầy cô tư vấn, tìm hiểu thêm ngành nghề dự định xét tuyển”, chị Thủy cho biết.

Con gái chị Thủy mong muốn theo học ngành Luật, Báo chí và Quản trị nhân lực. Để hỗ trợ con đưa ra quyết định cuối cùng, chị tự nghiên cứu khung đào tạo các ngành đồng thời căn cứ vào năng lực của con để đưa ra lời khuyên hợp lý.

Chị Thủy chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng lắng nghe và tôn trọng sở thích, mong muốn của con bởi mỗi người có năng khiếu khác nhau. Tôi làm việc thiên về kỹ thuật, con lại học về xã hội nhưng không thể ép theo ngành của mình. Mặt khác, nghề nghiệp sẽ đi theo suốt đời, vì vậy gia đình luôn tôn trọng sở thích, mong muốn của con. Đặc biệt không áp đặt sở thích của bố mẹ vào con”.

Tương tự, từ khi vào lớp 10, gia đình chị Nguyễn Lan Anh (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) đã khuyến khích con thử sức ở nhiều môn học khác nhau để tìm ra thế mạnh, từ đó tập trung vào tổ hợp xét tuyển. Lên lớp 11, gia đình lại cùng con tham khảo ngành/nghề được xây dựng nền tảng từ các môn học này.

“Suốt những năm học THPT, tôi khuyên con chủ động tìm hiểu thông tin ngành/trường đại học từ các anh chị khóa trên, thầy cô; tham gia buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp và trao đổi lại với bố mẹ về lĩnh vực con quan tâm. Đến năm lớp 12, con đưa ra những sở thích về ngành học cũng như trường đại học mong muốn để cùng gia đình tìm hiểu.

Sau đó, chúng tôi thảo luận với con dựa trên năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình. Tôi cũng trao đổi với giáo viên để có thêm thông tin trước khi định hướng. Tôi nhận thấy con cởi mở và thoải mái chia sẻ mong muốn, ước mơ với bố mẹ để cùng chọn nghề nghiệp phù hợp”, chị Lan Anh kể.

Nhiều phụ huynh cùng con đến gian hàng các trường đại học để nghe tư vấn. Ảnh: Ngô Chuyên

Nhiều phụ huynh cùng con đến gian hàng các trường đại học để nghe tư vấn. Ảnh: Ngô Chuyên

Không chọn theo bản năng

Nhiều bậc phụ huynh do thiếu kiến thức, chuyên môn trong việc định hướng nghề nghiệp dẫn đến đưa ra tư vấn cho trẻ theo trào lưu, nghề “hot” hoặc sở thích cá nhân mà không quan tâm đến năng lực, đam mê và nhu cầu thị trường. Sau thời gian học, trẻ có tâm lý chán nản, không hứng thú học tập, dẫn tới kết quả không tốt, thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Theo TS Vũ Việt Anh - Tổng Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội), chọn sai ngành nghề khiến học sinh không thể phát huy tối đa năng lực và đam mê, gây lãng phí cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy, phụ huynh cần hiểu rõ, khuyến khích trẻ chia sẻ về sở thích, ước mơ và mong muốn trong tương lai cũng như nhận thức rõ ưu, nhược điểm của bản thân.

Phụ huynh cũng nên tìm hiểu thị trường lao động, nghiên cứu xu hướng nghề nghiệp và tham khảo thông tin tuyển dụng để xem xét yêu cầu cho các vị trí việc làm mong muốn, giúp sĩ tử định hướng mục tiêu học tập. Mặt khác, cho trẻ trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp, từ đó hình dung rõ hơn về công việc, đưa ra lựa chọn chính xác hơn.

“Luôn đồng hành, hỗ trợ, làm chỗ dựa tinh thần cho trẻ, trao đổi với người thân, bạn bè có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, hướng nghiệp và thị trường lao động. Như vậy, phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong định hướng nghề nghiệp, giúp các em lựa chọn con đường phù hợp, phát huy tối đa tiềm năng và hướng đến thành công trong tương lai”, TS Vũ Việt Anh nhấn mạnh.

Cần lắng nghe, tôn trọng mong muốn, sở thích nghề nghiệp của trẻ để phát triển năng lực sở trường và tìm kiếm cơ hội việc làm phát triển bản thân sau khi tốt nghiệp cũng là lưu ý của GS.TS Trần Minh Tú - giảng viên cao cấp, Khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Ông Tú cảnh tỉnh, nhiều phụ huynh còn suy nghĩ để có tương lai tốt đẹp, thì nhất thiết phải vào đại học. Họ không căn cứ trên năng lực, mong muốn nguyện vọng để định hướng. Vì vậy, sau thời gian vào đại học nhiều em không hứng thú, không theo kịp chương trình dẫn đến áp lực, chán nản trong học tập, kiến thức không vững, khó tốt nghiệp hoặc không xin được việc. Chưa kể, nhiều em học đến năm thứ ba vẫn quyết định bỏ để theo đuổi ngành học khác.

Từ thực tế đó, ông Tú cho rằng, phụ huynh không nên đặt nặng việc vào đại học, cao đẳng hay học nghề mà cần cùng trẻ đưa ra lựa chọn phù hợp để sau khi tốt nghiệp có thể phát triển đam mê. Khi được làm công việc yêu thích, trẻ sẽ vượt qua khó khăn, áp lực trong công việc, hơn thế là có thể phát triển nghề nghiệp.

“Với kinh nghiệm nhiều năm làm chủ nhiệm và giảng dạy, tôi nhận thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người học mất định hướng, mông lung với ngành đang học là không chọn đúng trường, ngành, nguyện vọng, sở thích. Nhiều em lựa chọn ngành theo xu thế đám đông, mong muốn của gia đình… dẫn đến mất hứng thú trong học tập”. - GS.TS Trần Minh Tú - Giảng viên cao cấp, Khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.