Hiệu quả từ hướng nghiệp: Bắt 'trend' giới trẻ

GD&TĐ - Để đảm bảo công tác hướng nghiệp cho học sinh, nhà trường, giáo viên tăng cường giải pháp tư vấn chuyên sâu thông qua trải nghiệm, thực tế.

Tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 tại Trường Đại học Xây dựng miền Tây. Ảnh: NTCC
Tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 tại Trường Đại học Xây dựng miền Tây. Ảnh: NTCC

Được “mắt thấy tai nghe”, học sinh tiếp cận, am hiểu nghề nghiệp tường tận hơn.

Nỗ lực tư vấn, hướng nghiệp

Thời lượng của giờ hướng nghiệp trong chương trình phổ thông hiện nay không nhiều. Do đó, ở nhiều trường học, thầy cô tổ chức hình thức hỗ trợ học sinh như tư vấn theo nhóm dựa trên năng lực học tập, điều kiện kinh tế... Qua đó cung cấp cho học sinh thông tin tuyển sinh, lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng.

Chương trình tuyên truyền, hướng nghiệp tuyển sinh quân sự vào các học viện, trường trong quân đội năm 2024 vừa được tổ chức tại Trường THPT An Khánh (TP Cần Thơ) thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh tham gia. Hoạt động này do nhà trường phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ và Học viện Khoa học Quân sự tổ chức.

Tại buổi tuyên truyền, giáo viên, học sinh Trường THPT An Khánh được cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự quận và Học viện Khoa học Quân sự giới thiệu về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, khái quát các học viện, trường quân đội; thông tin tuyển sinh những năm gần đây, số lượng thí sinh trúng tuyển của địa phương vào các học viện, trường trong quân đội; chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh vào học viện, trường trong quân đội năm 2024, tổ hợp môn xét tuyển; thời gian thực hiện đăng ký, sơ tuyển, khám sức khỏe, xét tuyển…

Chia sẻ về chương trình, Nguyễn Đức Tiến - học sinh lớp 12, Trường THPT An Khánh cho biết: “Em và các bạn được cán bộ quân sự giải đáp những thắc mắc rất rõ ràng. Qua buổi tuyên truyền, chúng em nắm được thông tin tuyển sinh của học viện và trường trong quân đội năm 2024, từ đó có định hướng trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai”.

Năm học 2023 - 2024 là năm cuối cùng học sinh khối 12 học theo Chương trình GDPT 2006. Bối cảnh này không chỉ đặt ra nhiều áp lực cho các em trong công tác thi cử mà cả việc lựa chọn ngành, nghề. Đứng trước ngưỡng cửa quan trọng cuộc đời, chuyện lựa chọn nghề nghiệp như thế nào cho phù hợp là trăn trở lớn nhất của nhiều học sinh.

Để hỗ trợ học sinh, ngay từ đầu năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức thành lập tổ tư vấn, hướng nghiệp. Tại trường THPT, thầy cô còn tự tìm tòi, tìm hiểu kỹ những thông tin tuyển sinh để tư vấn cho học trò. Các chương trình tư vấn hướng nghiệp đã cung cấp cho học sinh thông tin bổ ích, cần thiết để định vị bản thân, từ đó xác định được ngành, lĩnh vực, cơ sở đào tạo phù hợp…

Trao đổi tại chương trình tư vấn, hướng nghiệp do sở GD&ĐT tổ chức, ông Trịnh Văn Ngoãn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết: Tỉnh có hơn 60% học sinh trúng tuyển vào các trường đại học ở nguyện vọng 1, bình quân mỗi em hơn 2 nguyện vọng, điều này thể hiện chất lượng các đợt tư vấn.

Tiếp nối thành công đó, năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT đồng hành cùng các đơn vị tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, tâm lý và đào tạo của trường đại học uy tín trong nước.

Chương trình tuyên truyền, hướng nghiệp tuyển sinh quân sự tổ chức tại Trường THPT An Khánh (TP Cần Thơ). Ảnh: NTCC

Chương trình tuyên truyền, hướng nghiệp tuyển sinh quân sự tổ chức tại Trường THPT An Khánh (TP Cần Thơ). Ảnh: NTCC

Tăng cường trải nghiệm, thực tế

Theo chia sẻ của các thầy, cô giáo, hướng nghiệp kiểu truyền thống nặng về lý thuyết giờ đây không còn “hợp thời”, bởi học trò ngày nay muốn được “mục sở thị” về môi trường học tập sẽ trải nghiệm sau này. Các chuyến tham quan thực tế tạo cơ hội để học sinh được gặp gỡ sinh viên, chuyên gia giáo dục tại trường đại học… được xem là hình thức hướng nghiệp mới mà trường THPT đang nỗ lực thực hiện.

Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh Phân hiệu tại Vĩnh Long tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh năm 2024 do Sở GD&ĐT Vĩnh Long tổ chức tại 16 điểm tư vấn với hơn 10 nghìn học sinh lớp 12 đến từ hơn 40 trường THPT trên địa bàn. T

heo đại diện Ban tuyển sinh nhà trường, tại các buổi tư vấn, học sinh quan tâm đến nhiều ngành nghề, đặc biệt là cơ hội việc làm sau khi ra trường. Ban tư vấn đã giải đáp rất nhiều câu hỏi, thắc mắc, băn khoăn của các em về chương trình đào tạo, phương thức xét tuyển, cơ hội việc làm, hoạt động rèn luyện, trải nghiệm, chính sách về học phí, học bổng… Qua đó, học sinh thêm hiểu và có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn về ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường bản thân.

Thầy, trò lớp 12 Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) cũng vừa có chuyến thăm, trải nghiệm tại Trường Đại học Trà Vinh. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm thực tế và có cái nhìn tổng quan về nội dung học tập của một số ngành nghề tại các trường đại học trước quyết định lựa chọn.

Học sinh tham gia các hoạt động học tập, trải nghiệm có cơ hội tiếp cận kiến thức thực tế một cách chủ động, tích cực, sáng tạo nhằm phát triển các kỹ năng trong việc giải quyết tình huống thực tiễn…

Lê Như Ngọc - học sinh lớp 12 hào hứng chia sẻ: “Trong chuyến học tập, trải nghiệm, hướng nghiệp tại Trường ĐH Trà Vinh, em có cơ hội giao lưu, học hỏi thông qua hoạt động chào đón của sinh viên tại trường, tham quan các khu vực trong khuôn viên trường, khoa, lớp học. Chúng em đã có bước đầu tìm hiểu về ngành đào tạo, cơ sở vật chất, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, để từ đó định hướng cho việc chọn ngành, nghề phù hợp”.

ThS Nguyễn Đồng Khởi - đại diện Ban tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Trà Vinh cho biết: Từ hoạt động trải nghiệm thực tế môi trường học tập và rèn luyện tại các trường đại học, cao đẳng; học sinh định hướng nghề nghiệp thực tế, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trong chọn ngành, trường sau khi tốt nghiệp THPT.

Cuối năm 2023 và đầu năm 2024, trường đã đón hàng nghìn học sinh lớp 12 và thầy, cô giáo khắp các tỉnh, thành đến tham quan, trải nghiệm. Thông qua đó, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, hoạt động trải nghiệm tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, có thêm trải nghiệm và tham quan các hoạt động sinh hoạt, học tập, nghiên cứu, góp phần định hướng chọn trường, ngành và chọn nghề.

Học sinh lớp 12 trải nghiệm hướng nghiệp tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long. Ảnh: NTCC

Học sinh lớp 12 trải nghiệm hướng nghiệp tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long. Ảnh: NTCC

Hướng nghiệp đúng, trúng

Theo chia sẻ của cán bộ, giáo viên, cần phải lưu ý tổ chức hình thức hướng nghiệp phù hợp, thực tế, đáp ứng được mong muốn của người học. Mục tiêu cuối cùng là hướng học sinh hiểu và chọn được ngành nghề phù hợp sở trường, điều kiện bản thân và gia đình…

Theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, để chương trình đi vào chiều sâu, mang lại thông tin hữu ích cho học sinh, ngoài buổi tư vấn, hướng nghiệp do sở GD&ĐT tổ chức, các trường, trung tâm trong tỉnh tư vấn tuyển sinh riêng thông qua nội dung hướng nghiệp, trải nghiệm và giờ sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt tập thể, tham quan thực tế.

Trao đổi về công tác tư vấn, hướng nghiệp, ThS Đinh Quốc Cường - Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp (Trường Đại học Tiền Giang) trao đổi: Nhà trường khởi động chương trình tư vấn tuyển sinh ở một số tỉnh, thành Tây Nam Bộ. Ngành, nghề, chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh… được hội đồng tuyển sinh các trường sớm thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.

Theo ông Cường, trước xu thế chung của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thị trường lao động hiện nay được sàng lọc khắc nghiệt, câu chuyện tìm kiếm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngoài yếu tố chuyên môn còn phụ thuộc nhiều vào các kỹ năng, như: Thuyết trình, giao tiếp, giải quyết vấn đề... Những năm qua, nhà trường đã phối hợp với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để nỗ lực đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhờ đó, tỷ lệ sinh viên khi ra trường có việc làm trong năm đầu tiên đạt trên 90%.

Đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đã đón tiếp hàng nghìn thầy cô, học sinh lớp 12 từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận. Nhà trường giải đáp các nội dung phương thức xét tuyển, chương trình đào tạo và cơ hội việc làm, những điểm mới của công tác tuyển sinh năm 2024...

PGS.TS Cao Hùng Phi - Hiệu trưởng nhà trường gửi đến học sinh lớp 12 những lưu ý trong việc lựa chọn ngành nghề theo sở thích bản thân, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình và quan trọng hơn hết sau khi tốt nghiệp các em sẽ tìm được việc làm, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh tại Trường Đại học Tiền Giang, em Nguyễn Hoàng Phương - học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) chia sẻ: “Trước đó, em khá băn khoăn không biết nên chọn ngành nào. Khi được thầy cô tư vấn, em tự tin hơn vì hiểu ra một ngành có thể làm được nhiều nghề và biết thứ tự các bước để định vị bản thân. Em sẽ cố gắng học để có thể thi đỗ vào ngành mình thích, xét tuyển bằng hai phương thức là điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm trung bình học tập”.

“Lựa chọn nghề nghiệp là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Còn hơn 3 tháng nữa học sinh lớp 12 sẽ chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp là cơ hội thiết thực để thầy cô giải đáp những băn khoăn trong quy chế tuyển sinh, thắc mắc về ngành nghề, cơ hội việc làm, giúp các em có định hướng trong việc lựa chọn...”. - PGS.TS Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ