Hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế ở Tả Lèng

GD&TĐ - Thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa đói, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường (Lai Châu) phấn đấu đến cuối năm có hơn 60 hộ dân thoát nghèo.

Ngày mùa trên Tả Lèng.
Ngày mùa trên Tả Lèng.

Giảm nghèo bền vững

Tả Lèng là xã vùng cao của huyện Tam Đường. Toàn xã có 882 hộ, với 4.612 khẩu và 3 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Mông chiếm đa số. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xã Tả Lèng đã triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ để xóa đói, giảm nghèo. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền xã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Qua đó, đề ra nhiều giải pháp thiết thực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đến nay, đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay, thu nhập đầu người tăng qua từng năm.

Được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, gia đình ông Phàn Chin Phúc, bản San Tra Mán, xã Tả Lèng chuyên đầu tư phát triển chăn nuôi ngựa và nuôi bò sinh sản. Nhờ có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, đàn gia súc của gia đình ông luôn phát triển tốt, giúp cho gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Bên cạnh được hỗ trợ vay vốn phát triển chăn nuôi, gia đình ông còn được hỗ trợ 70% giá giống ngô theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Nhờ trồng 2 vụ/1 năm; mỗi vụ cho thu hoạch từ 70 - 80 bao ngô bắp, ông có nguồn thức ăn chăn nuôi ổn định.

Ông Phàn Chin Phúc chia sẻ: “Trước đây gia đình cũng khó khăn lắm. Khi được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng chính sách, gia đình mình đã đầu tư vào chăn nuôi. Cho đến nay, mình đã có thu nhập ổn định, có điều kiện để xây nhà, nuôi con đi học đầy đủ”.

Từ khó khăn đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ có kinh tế khá giả. Gần đây, gia đình ông Phàn Chin Phúc được công nhận là hộ sản xuất phát triển kinh tế giỏi cấp huyện.

Ông Phàn Chin Phúc làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc.

Ông Phàn Chin Phúc làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc.

Thấy nhiều hộ chăn nuôi ngựa thuận lợi đầu ra và cho thu nhập ổn định nên gia đình chị Giàng Thị Gia (bản Pho Lao Chải) cũng sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng chính xã hội huyện về áp dụng.

Chị Gia cho biết, năm 2020, được hỗ trợ vay 50 triệu đồng thông qua Hội nông dân xã và gia đình đối ứng thêm mua được một đôi ngựa sinh sản về chăn nuôi. Sau gần 1 năm chăm sóc, chị Gia bán ngựa được gần 80 triệu đồng.

Đầu năm 2021, gia đình chị tiếp tục mua 2 con ngựa về nuôi. Qua chăm sóc và phòng bệnh theo định kỳ, đến nay, ngựa đã sinh sản thêm một con. Với giá cả trên thị trường như hiện nay, 3 con ngựa của gia đình chị cũng bán được gần 100 triệu đồng.

Chị Giàng Thị Gia chia sẻ: “Được hỗ trợ vay vốn về chăn nuôi, hỗ trợ giống ngô đã giúp cho gia đình có cuộc sống tốt hơn, không lo thiếu ăn. Tôi cũng mong muốn nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ vay vốn để mở rộng mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế cho gia đình".

Ông Nguyễn Chí Hội - Chủ tịch UBND xã Tả Lèng cho biết: “Để giúp cho nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, hàng năm xã luôn phối kết hợp với các ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, nhân dân vay vốn phát triển kinh tế. Trong đó, ưu tiên cho các hộ có dự án vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, dư nợ ngân hàng chính sách của các hộ dân trên địa bàn xã gần 301 tỷ đồng”.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Bên cạnh hỗ trợ người dân vay vốn để phát triển kinh tế, xã Tả Lèng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho người dân.

Toàn xã đã tổ chức triển khai thực hiện gieo trồng trên 839ha cây lương thực có hạt, tăng gần 70ha so với kế hoạch giao. Xã đã duy trì và chăm sóc, thu hoạch diện tích trên 10 ha chè hiện có. Đồng thời, chỉ đạo chăm sóc cây ăn quả với tổng diện tích 24ha. Gần 9ha trong số đó đang cho thu hoạch, năng suất ước đạt trên 54 tạ/ha.

Bên cạnh đó, xã tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc. Tổng đàn gia súc hiện có 3.653 con, gia cầm 7.100, tăng 567 con so với cùng kỳ năm 2021.

Năm nay, xã Tả Lèng còn phối hợp với Công ty Nafood trồng 1,3ha chanh leo cho 13 hộ. Diện tích trồng chủ yếu trên đất ruộng một vụ. Đồng thời, phối hợp với công ty Quế Lâm gieo trồng 5ha giống lúa Tẻ râu. Sau khi thu hoạch, cả 2 mô hình trên sẽ được công ty bao tiêu sản phẩm theo giá đã cam kết.

Anh Giàng A Nủ, công chức Địa chính – Nông nghiệp xã Tả Lèng cho biết: “Trước khi triển khai, xã đến tuyên truyền cho bà con về hiệu quả của cây chanh leo. Tuy nhiên, là năm đầu tiên triển khai trồng nên một số gia đình chưa mạnh dạn chuyển đổi diện tích”.

Người dân ở Tả Lèng đã thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế.

Người dân ở Tả Lèng đã thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế.

Gia đình anh Vàng A Dua ở bản Pho Sin Chải đã chuyển một thửa ruộng không đủ nước cấy lúa sang trồng trên 100 cây chanh leo. Diện tích chanh leo hiện sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Dua cho biết: “Là năm đầu tiên nên gia đình cũng đăng ký trồng ít. Nếu cây phát triển tốt, đem lại hiệu quả thì gia đình tiếp tục trồng”.

Ngay từ đầu năm, UBND xã Tả Lèng đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo. Qua điều tra, rà soát, xã phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ có 62 hộ thoát nghèo.

“Chúng tôi đã giao cho các đồng chí phụ trách bản tổ chức họp bản để người dân đăng ký tự nguyện thoát nghèo. Sau đó, tổng hợp danh sách đề nghị xã xem xét có chính sách, chương trình, dự án sẽ ưu tiên bố trí vốn cho những hộ tự nguyện đăng ký. Đồng thời, hỗ trợ dạy nghề, tạo mọi điều kiện để những hộ này vươn lên phát triển kinh tế” – ông Nguyễn Chí Hội chia sẻ.

Theo ông Hội, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình gieo trồng, chăm sóc cây trồng đảm bảo đúng cơ cấu giống và diện tích theo chỉ tiêu kế hoạch giao.

Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Tăng cường phòng chống dịch bệnh kịp thời, ổn định phát triển đàn gia súc. Thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân thu gom rơm rạ dự trữ đủ nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong vụ đông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.