Phong tục ở nhà sàn khiến các gia đình ít khi bố trí góc học tập cho các em. Mặt khác, sự thiếu quan tâm của nhiều bố mẹ khiến việc học của trẻ còn hạn chế.
“Vạn sự khởi đầu nan”
Hưởng ứng phong trào “Giúp bạn đến trường - Cùng hướng tới tương lai”, Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 (Mường Lát, Thanh Hóa) phát động đợt quyên góp xây dựng góc học tập vì bạn nghèo, giúp học sinh khó khăn có góc học tập đúng nghĩa.
Thầy Bùi Xuân Thảo - Phó Hiệu trưởng - cho biết, tiếp nối ý tưởng đồng hành xây dựng chương trình, nhà trường đã lập kế hoạch xây dựng mô hình “Góc học tập vì bạn nghèo năm học 2022 - 2023”. Để triển khai, trường phối hợp với Đoàn Thanh niên xã, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh tổ chức tuyên truyền, vận động đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường cùng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ… trên địa bàn góp kinh phí mua sắm trang thiết bị góc học tập.
Với tinh thần “tương thân tương ái, của ít lòng nhiều”, Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 đã nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị, cá nhân chung tay giúp đỡ, đồng hành với học sinh nghèo. “Sau 1 tháng thực hiện kế hoạch, trường được hỗ trợ mua sắm 13 bộ “góc học tập” trao tặng học sinh với trị giá 1,2 triệu đồng/bộ. Mô hình không chỉ rèn luyện ý thức, giữ gìn góc học tập ngăn nắp, mà còn động viên học sinh vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập”, thầy Thảo chia sẻ.
Thầy Thảo cũng cho biết, bước đầu của mô hình “Góc học tập vì bạn nghèo” đạt được ở mức khiêm tốn, song nhà trường hy vọng sẽ nhân rộng thêm để rèn học sinh tính ngăn nắp, bảo quản sách vở, đồ dùng học tập và đặc biệt nâng cao ý thức học tập tại nhà vào mỗi buổi tối.
Học sinh Trường Tiểu học Quang Chiểu 2, xã Quang Chiểu (Mường Lát, Thanh Hóa) nhận đèn học và góc học tập do nhà trường phát động quyên góp. |
Rèn ý thức học tập cho trò
Nhận được bộ góc học tập, em Hà Thị Dự, lớp 4A, Trường Tiểu học Quang Chiểu 2, nhà ở bản Pùng, xã Quang Chiểu đầy phấn khởi và chia sẻ: “Con thích góc học tập mới vì có đủ các ngăn đựng sách vở, đồ dùng học tập, đèn sáng. Con chưa bao giờ có góc học tập đẹp và đầy đủ đồ dùng như vậy. Con cảm ơn các thầy, cô giáo và các cô chú đã giúp đỡ để con có được góc học tập của riêng mình”.
Em Vi Thị Thiện Như, lớp 5, nhà ở bản Hạm, xã Quang Chiểu cũng thích thú khi có góc học tập mới và hồ hởi chia sẻ: “Gia đình ở nhà sàn (tục của người Thái – PV) nên từ trước đến nay con chưa từng có góc học tập. Vì vậy, góc học tập mới sẽ là động lực giúp con chăm học hơn vào các buổi tối, đồng thời phấn đấu học tốt để tiếp tục được học lên lớp 6. Con sẽ cố gắng giữ gìn, bảo quản góc học tập sạch, đẹp và kéo dài thời gian sử dụng...”.
Anh Vi Văn Quân, phụ huynh em Thiện Như, tâm sự: “Khi nhà trường mời đến họp bàn xây dựng mô hình “góc học tập”, kêu gọi quyên góp kinh phí… cho các cháu, chúng tôi rất mừng và nhất trí cao. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng không vì thế gia đình để con cái thất học, hạn chế điều kiện học tập tốt. Từ hôm có góc học tập, con tôi thay đổi ý thức trong việc học tập rõ rệt, cứ 7 giờ 30 phút cháu lại tự giác bật đèn, ngồi học, ôn bài. Nhìn con chịu khó học, bậc làm cha mẹ thấy vui và yên tâm…”.
Thầy Bùi Xuân Thảo cho rằng, để duy trì và phát huy mô hình thì cha mẹ học sinh phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc tạo điều kiện, đầu tư cơ sở vật chất tốt nhất để các con đạt được những thành tích cao trong học tập.
Phụ huynh cũng cần giúp đỡ việc chọn không gian góc học tập phù hợp, thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, đồng thời mua sắm những đồ dùng mà con yêu thích để trang trí. Bên cạnh đó, phụ huynh phải luôn nhắc nhở con dọn dẹp, lau chùi góc học tập thường xuyên, trao đổi để các con có ý thức và hiểu góc học tập rất quan trọng, giúp cho việc học tập đạt hiệu quả.
Cũng theo thầy Thảo, nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm phối hợp cùng phụ huynh quản lí thời gian học tập của các em. Cùng đó, tổ chức đi thăm, trao đổi trực tiếp với gia đình khi cần thiết. Thầy cô cũng phải liên hệ thường xuyên với Hội cha mẹ học sinh để tích cực hóa các hoạt động giáo dục ở trường và nhà đạt hiệu quả cao nhất.
Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Trưởng (phụ trách) phòng GD&ĐT huyện Mường Lát - cho biết: Mô hình “Góc học tập vì bạn nghèo” của Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 được triển khai thí điểm cho 13 học sinh tại 13 gia đình vào trung tuần tháng Tư vừa qua.
“Mục đích của mô hình nhằm tăng cường sự đồng hành giữa nhà trường với gia đình, giáo viên với học sinh. Theo đó, giáo viên và đại diện chi hội phụ huynh sẽ kiểm tra nền nếp học tập của học sinh. Đồng thời, đôn đốc việc học tập, rèn luyện thói quen ngồi học đúng giờ, giữ gìn góc học tập ngăn nắp cho các con ngay từ khi ở cấp tiểu học.
Mặc dù mới triển khai mô hình, nhưng hầu hết phụ huynh phấn khởi, đồng thuận cao khi thấy con em ngày càng tự giác trong học tập. Cùng đó, mô hình cũng tạo sự gắn kết giữa nhà trường với gia đình, để thường xuyên trao đổi thông tin về việc học của con em ở mọi lúc mọi nơi”, bà Thúy chia sẻ.
Giáo viên phải làm sao để hình thành cho phụ huynh thói quen tìm hiểu tình hình học tập của con em bằng cách liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với giáo viên chủ nhiệm. Có như vậy, phụ huynh mới thấy được thầy, cô quan tâm sâu sắc đến học trò, từ đó yên tâm tin tưởng giao con cho nhà trường dạy dỗ, thầy Thảo bày tỏ.