Hiểu lịch sử địa phương để thêm yêu giang sơn gấm vóc

GD&TĐ - Đổi mới giáo dục là nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu trong bối cảnh hiện nay. Trường THPT Phan Đình Giót (tỉnh Điện Biên) đã thực hiện sứ mệnh đó bằng những việc làm thiết thực và cụ thể.

Chương trình ngoại khoá ”Phan Đình Giót sáng mãi tên anh”.
Chương trình ngoại khoá ”Phan Đình Giót sáng mãi tên anh”.

Mục tiêu đổi mới được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ và phát huy tiềm năng tốt của mỗi học sinh”. Để chuẩn bị tốt cho công cuộc đổi mới toàn diện đó, trường THPT Phan Đình Giót, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã có những kế hoạch cụ thể để dần từng bước tiếp cận hiệu quả và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng là nơi khi xưa từng diễn ra trận đánh “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đập tan âm mưu xâm chiếm nước ta của thực dân Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi khẳng định đường lối chỉ đạo đúng đắn của Đảng, khẳng định sức mạnh của nhân dân, đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Chiến dịch ấy đã khép lại bằng chiến thắng vinh quang nhờ tài năng chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bằng chính máu xương của cả một dân tộc anh hùng. Đã có 32 cá nhân xuất sắc được công nhận “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” sau chiến dịch vang dội này.

Thầy giáo Phí Văn Sốp - Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Giót cho biết: “Nhà trường ý thức được vai trò quan trọng của công tác bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức chính trị cho thế hệ trẻ, tăng cường giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng nói chung và học sinh dân tộc thiểu số nói riêng. Trường THPT Phan Đình Giót tự hào khi được mang tên người anh hùng đã hi sinh thân mình để lấp lỗ châu mai trong trận đầu tiên, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Để giáo dục truyền thống, lòng tự hào, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã có nhiều hình thức để giúp cán bộ giáo viên, học sinh có cơ hội, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng lòng tự hào, có ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhà trường đã tổ chức để các em học sinh được tự tìm hiểu về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Phan Đình Giót qua sách báo, intenet để có những nhận thức ban đầu. Cho các khối lớp tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tham gia các hoạt động trải nghiệm tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng; tham quan nơi Anh hùng Phan Đình Giót hi sinh.

Sau khi tiến hành các hoạt động trải nghiệm đó, học sinh viết bài thu hoạch để thể hiện những nhận thức, tình cảm của cá nhân về chiến dịch Điện Biên Phủ, về Anh hùng LLVTND Phan Đình Giót.

Cùng với đó, nhà trường phát động viết truyện, vẽ tranh, thiết kế quà lưu niệm bằng chính những sự kiện, câu nói, hình ảnh về Anh hùng LLVTND Phan Đình Giót. Thiết kế, tổ chức chương trình nghệ thuật để học sinh được thể hiện bằng hoạt cảnh về cuộc đời, sự hi sinh anh dũng của AHLLVTND Phan Đình Giót…

Giáo viên và học sinh trong hoạt động trải nghiệm thực tế tại Đồi A1.

Giáo viên và học sinh trong hoạt động trải nghiệm thực tế tại Đồi A1.

Theo cô Nguyễn Thị Hà – Phó Bí thư Đoàn trường: “Các hoạt động trên có ý nghĩa thực tiễn hết sức to lớn, giúp học sinh hiểu biết về lịch sử hình thành và phát triển, những truyền thống tốt đẹp của quê hương Điện Biên nói chung, ý thức về trách nhiệm và bổn phận của mình để góp sức xây dựng nhà trường nói riêng.

Qua các hoạt động, các em không chỉ nâng cao nhận thức mà còn được hình thành, rèn luyện nhiều kĩ năng sống cần thiết, quan trọng như kĩ năng tự học, giao tiếp và hợp tác, kĩ năng thể hiện sự tự tin, kĩ năng trình bày vấn đề, khả năng tiếp cận với Khoa học kĩ thuật, .... Hơn nữa, việc tổ chức công tác ngoại khóa lịch sử sẽ làm cho học sinh say mê, hứng thú học tập bộ môn và nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học sinh phổ thông - các em đang độ tuổi bước sang ngưỡng cửa của thanh niên, còn nặng tình cảm, quen nhận biết từ gần đến xa, từ hẹp đến rộng, từ cụ thể đến trừu tượng.”

Nhà văn Ê-ren-bua từng nói “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu quê hương tạo nên lòng yêu Tổ quốc”. Bởi vậy, vai trò của giáo dục truyền thống là vô cùng quan trọng. Muốn nâng cao hiệu quả dạy học, đặc biệt là giáo dục lịch sử, các nhà trường cần phải đổi mới việc giảng dạy Lịch sử địa phương từ khâu nhận thức, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Các thầy cô là những người kiến tạo, thiết kế các hoạt động để học sinh được phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng cá nhân. Với môn Lịch sử, truyền dạy cho học sinh tình yêu các giá trị truyền thống chính là bồi dưỡng nên những tâm hồn biết yêu quê hương, gấm vóc, nỗ lực không ngừng để thể hiện trân trọng sự hi sinh của các thế hệ cha anh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.