Trong máu con người ngoài các thành phần cơ bản như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu... mà người ta thường hay nói đến còn có các thành phần vi lượng khác như đồng (Cu), sắt (Fe), kẽm (Zn), calci (Ca), natri (Na), chlore (Cl)... Vậy, một người không uống chút bia, rượu nào thì trong máu của họ có cồn hay không?
Một số đặc tính lý hóa của cồn
Thành phần chính có trong bia rượu là cồn. Về danh pháp hóa học thì cồn có tên gọi là ethanol. Công thức hóa học của ethanol là C2H5OH.
Nói chung, các loại thức uống có cồn đều là sản phẩm của một quá trình lên men từ tinh bột (glucide/carbohydrate) với các loại nấm men. Cồn (từ đây sẽ gọi là ethanol) là một chất lỏng trong suốt, không màu, có mùi đặc trưng và vị cay.
Đây là một loại chất lỏng rất dễ bay hơi trong điều kiện nhiệt độ thông thường. Ethanol có tỷ trọng d = 0,789 g/mL, nhiệt độ sôi là 78,5ºC và nhiệt độ nóng chảy là 114,1ºC.
Các nghiên cứu cho thấy, sau khi ethanol được đưa vào đường tiêu hóa, dạ dày sẽ hấp thu khoảng 20%, còn lại 80% được hấp thu chủ yếu tại ruột non. Sau khi được hấp thu, ethanol tập trung về tĩnh mạch cửa và đến gan. Như vậy, gan là bộ phận “chịu trận” nhiều nhất.
Các nhà chuyên môn so sánh gan như là một nhà máy xử lý hóa chất. Tại gan, có đến 90% lượng ethanol được bào tương của tế bào gan chuyển hóa thành dạng acetaldehyte vô hại. Phần ethanol còn lại được tống ra khỏi cơ thể nguyên dạng qua hơi thở, mồ hôi và nước tiểu.
Một lượng nhỏ ethanol đưa vào cơ thể tạo cảm giác sảng khoái, hưng phấn. Nhưng khi vượt quá ngưỡng với một lượng lớn hơn sẽ gây ra trạng thái ức chế, mất thăng bằng, mất kiểm soát hành vi. Ethanol có khả năng gây độc cho nhiều cơ quan như gan, dạ dày, ruột, thực quản, tụy tạng và hệ thần kinh trung ương...
Lực lượng CSGT kiểm tra đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. |
Sự hấp thu và chuyển hóa cồn trong cơ thể
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, người được cho là vi phạm khi có nồng độ cồn trong máu vượt quá 80mg/100ml (17mmol/L) máu hoặc vượt quá 0,40mg/L khí thở.
Hàm lượng ethanol (cồn) xác định được trong cơ thể là đưa từ ngoài vào. Không có một quá trình sinh hóa nào diễn ra trong cơ thể tạo ra ethanol. Lượng bia rượu đưa từ ngoài vào cơ thể qua đường tiêu hóa càng nhiều thì hàm lượng ethanol trong máu càng cao.
Tuy nhiên việc hấp thu ethanol từ thức uống có cồn còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như sử dụng lúc bụng đói thì cơ thể hấp thu nhanh và nhiều, sử dụng lúc bụng no - nghĩa là trong khi dạ dày ruột còn có nhiều thức ăn gây “cản trở” thì hấp thu chậm hơn và ít hơn.
Thời gian sử dụng càng kéo dài thì lượng ethanol đi vào máu cũng nhiều hơn cho dù bụng no hay bụng đói. Rượu 20 độ được xác định là thức uống có ethanol được hấp thu nhanh nhất.
Để loại trừ hết ethanol ra khỏi cơ thể hay để trong hơi thở và trong máu không còn ethanol thì cơ thể cần có một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian này là bao lâu? Rất khó có câu trả lời chính xác, vì phụ thuộc vào lượng ethanol đã đưa vào cơ thể, đặc điểm sinh học và khả năng chuyển hóa của cơ thể đó.
- Đơn vị cồn hay đơn vị ethanol: Một đơn vị ethanol tương đương với 2/3 lon bia loại 330mL, nồng độ 5% hay 30mL rượu mạnh, nồng độ 40% hoặc 100mL rượu vang, nồng độ 13,5%.
Đối với người khỏe mạnh, bình thường, “nhà máy hóa chất” gan và các “đơn vị” liên quan khác cần có 2 – 3 giờ để tiếp thu, chuyển hóa và thải trừ hết 1 đơn vị ethanol. Tuy nhiên, ở những người mà chức năng gan thận suy yếu hoặc cơ thể chuyển hóa kém thì khoảng thời gian trên có thể kéo dài hơn nhiều.
Do đó, những người sau một cuộc chạm ly hoành tráng, nghĩa là đã đưa vào cơ thể nhiều đơn vị ethanol, muốn hơi thở hết mùi cồn và xét nghiệm máu âm tính với ethanol sẽ cần khá nhiều thời gian để cơ thể trở về trạng thái bình thường. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên, khi cuộc vui diễn ra ngày hôm trước mà hôm sau có người vẫn bị “phạt đền” khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông trên đường.
Tác động của ethanol theo hàm lượng trong máu
Ảnh minh họa/INT |
Người bình thường, nghĩa là không uống bia rượu nếu không sử dụng các loại thức ăn, cây trái lên men, thuốc trị bệnh có dung môi là rượu thì không tìm thấy độ cồn trong hơi thở và xét nghiệm máu cũng không tìm thấy ethanol.
Những người sử dụng thức uống có ethanol, nghiên cứu tại nhiều nước cho thấy các thay đổi về ngoại hình và hành vi tùy thuộc vào lượng ethanol đã hấp thu vào trong máu và đang lưu chuyển. Nếu:
- Nồng độ ethanol là 10,9 - 21,7 mmol/L: Đỏ mặt, buồn nôn và nôn, giảm sự nhạy bén, phản ứng và phản xạ chậm.
- Nồng độ ethanol >21,7mmol/L: Nôn mửa nhiều, đi đứng loạng choạng, nói líu lưỡi, thị giác rối loạn, hạ đường huyết. Biểu hiện ức chế thần kinh trung ương, phản ứng chậm chạp, giảm phản xạ, ý thức lú lẫn hoặc mất ý thức, suy hô hấp.
- Nồng độ >86,8mmol/L: Có các biểu hiện nặng hơn và có thể dẫn đến tử vong.
Tóm lại, bia rượu - ethanol là một trong những phát minh của loài người. Nó mang lại cho con người sự đầy đủ hơn về niềm vui và hạnh phúc. Thật khó hình dung những cuộc gặp gỡ, chia tay, giỗ chạp, cưới hỏi, tiệc tùng mà không có bia rượu.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều tốt đẹp mà nó mang lại cho cuộc sống thì việc sử dụng quá nhiều và không tuân thủ theo những quy định của luật pháp cũng mang lại những hậu quả khó lường.