Hiểu đúng về chỉ số SPO2 của bệnh nhân Covid-19

GD&TĐ - SPO2 là viết tắt của cụm từ Saturation of peripheral oxygen - độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Nó là một trong những chỉ số giúp cảnh báo sớm bệnh nhân mắc Covid-19 có dấu hiệu chuyển nặng.

Máy đo SPO2 mini rất kém nhạy. Ảnh minh họa
Máy đo SPO2 mini rất kém nhạy. Ảnh minh họa

Nếu chỉ số SPO2 thấp hơn 92%, bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp, nhập viện và theo dõi sát diễn tiến tình trạng suy hô hấp.

Mới đây, một bác sĩ tại TPHCM đã đăng tải thông tin về việc cứu sống thành công bệnh nhân khi chỉ số SPO2 xuống 1%. Cụ thể, khi một cụ bà 70 tuổi trong khu phong toả rơi vào nguy kịch, bác sĩ này đã hướng dẫn con trai bệnh nhân ép ngực để tăng thông khí. Nhờ phương pháp này, SPO2 của người bệnh dần lên 10% và cuối cùng là 99%.

Tuy nhiên, bài chia sẻ đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, bài viết không có cơ sở khoa học. Bởi, không thể có chuyện SPO2 xuống 1%. Thậm chí, nhiều người cho rằng, rất có thể do máy đo sai, hoặc bác sĩ này nhìn... ngược máy.

Sau khi nhận được nhiều ý kiến, bác sĩ này đã tiếp tục chia sẻ rằng, thời điểm đó, bệnh nhân mê man, hơi thở yếu nên tụt oxy đến mức cạn kiệt.

“Nếu thấy xuống còn 0%, ngưng tim ngưng thở thì có lẽ tôi sẽ về ngay. Nhưng vì bệnh nhân còn thở, còn sống nên phải làm gì đó. Chuyện oxymeter chỉ 1% chỉ là một chi tiết mà tôi thấy được và con của bệnh nhân cũng thấy.

Hỏi tôi có thấy nhầm không thì tôi trả lời không nhầm. Oxymeter là vật để theo dõi, đánh giá hiệu quả của oxy liệu pháp mà, không có nó thì biết hiệu quả ra sao?”, bác sĩ này cho biết.

Bác sĩ này cũng khẳng định, ép ngực theo nhịp thở chính là giải pháp giúp bệnh nhân.

Chia sẻ về SPO2, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ - Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), giải thích: “SPO2 là viết tắt của cụm từ Saturation of peripheral oxygen - độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi là một trong những chỉ số giúp cảnh báo sớm bệnh nhân mắc Covid-19 có dấu hiệu chuyển nặng”.

Chuyên gia này lưu ý, chỉ số SpO2 là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Thiết bị này là cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, không phải là dấu hiệu để nhận biết người mắc Covid-19.

“Theo khuyến cáo, SPO2 là một chỉ số quan trọng. Nếu chỉ số SPO2 thấp hơn 92% bệnh nhân cần được hỗ trợ hô hấp, nhập viện và theo dõi sát diễn tiến tình trạng suy hô hấp.

Trong trường hợp bệnh nhân có chỉ số SPO2 lớn hơn 92% nhưng có các biểu hiện suy hô hấp như khó thở nhiều, người lớn thở nhanh hơn 30 lần/phút, thở co kéo các cơ hô hấp phụ nhiều, vẫn cần được nhập viện để theo dõi và điều trị”, bác sĩ Vũ cho biết.

Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) khẳng định, ông không tin vào việc có thể cứu sống bệnh nhân khi chỉ số SPO2 xuống 1%.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng - Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, anh đã có 15 năm kinh nghiệm làm hồi sức cấp cứu và thường xuyên sử dụng máy SPO2. Máy đo SPO2 mini rất kém nhạy. Do đo độ bão hòa oxy qua mao mạch đầu ngón tay, nên máy chỉ đo chính xác ở người bình thường.

Với người bệnh, đặc biệt là suy hô hấp, khi độ bão hòa oxy máu dưới 80%, bệnh nhân sẽ rối loạn ý thức, tụt huyết áp và ngừng thở. Khi đó, máy đo này sẽ nhiễu và hầu như không đo được.

“Do đó sẽ không có con số 1%. Máy siêu nhạy trong bệnh viện cũng không đo được. Và người bệnh đã chết rồi, độ bão hòa oxy trong máu cũng còn vài phần trăm, nhưng phải đo bằng cách khác. Nhồi ngực để... giúp thở, tôi cũng nghe thấy lần đầu”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Theo bác sĩ này, một người bệnh tổn thương phổi, suy hô hấp đến tụt oxy máu, nghĩa là lá phổi không đảm đương khả năng trao đổi khí. “Trước một thông tin, hãy luôn luôn tỉnh táo”, bác sĩ Hùng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ti vi trong suốt.

8 phát minh ấn tượng nhất

GD&TĐ - Time giới thiệu một số sản phẩm mang tiện ích sáng tạo nhất về quá trình chuyển đổi sang kỷ nguyên công nghệ tiêu dùng...