Hiểu đúng để sử dụng hiệu quả SGK Hoạt động trải nghiệm

GD&TĐ - Chuyên gia chia sẻ nguyên tắc sử dụng sách giáo khoa (SGK) Hoạt động trải nghiệm...

Một hoạt động trải nghiệm thực hành pha chế nước rửa tay sát khuẩn của học sinh Trường THCS Võ Văn Ký, Nha Trang. Ảnh: ITN
Một hoạt động trải nghiệm thực hành pha chế nước rửa tay sát khuẩn của học sinh Trường THCS Võ Văn Ký, Nha Trang. Ảnh: ITN

TS Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường ĐHSP Hà Nội 2, chia sẻ nguyên tắc sử dụng sách giáo khoa (SGK) Hoạt động trải nghiệm (HĐTN), quy trình sử dụng SGK, cũng như các lưu ý, hướng dẫn để giảm bớt phần nào khó khăn cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Khai thác tối ưu nguồn thông tin

Sử dụng nhiều bộ SGK như tài liệu tham khảo là xu hướng tất yếu để giáo viên, học sinh đạt hiệu quả cao trong quá trình dạy và học. Việc xác định nguyên tắc sử dụng SGK, quy trình sử dụng SGK như các lưu ý và hướng dẫn để giảm bớt phần nào khó khăn cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, vận dụng quy trình thiết kế kế hoạch tổ chức Hoạt động trải nghiệm sẽ tác động tích cực đến quá trình cải thiện chất lượng dạy học ở trường phổ thông.

- Yêu cầu của Chương trình GDPT là bảo đảm phát triển phẩm chất, năng lực người học. Vậy theo TS, cần lưu ý điều gì khi sử dụng SGK tiếp cận theo phát triển năng lực?

- Trong giai đoạn hiện nay, giáo viên sử dụng SGK gắn với các nhiệm vụ thiết kế kế hoạch bài dạy, trong quá trình giảng dạy. Học sinh sử dụng SGK vào mục đích học tập, chuẩn bị bài mới, học trên lớp, tự học và ôn bài ở nhà, làm phương tiện hỗ trợ kiểm tra, đánh giá.

Việc sử dụng SGK hiện có hai xu hướng: Tiếp cận theo nội dung và phát triển năng lực. Nếu theo hướng tiếp cận nội dung thì việc sử dụng sẽ thiên về khai thác những kiến thức đã có trong kênh chữ và kênh hình để giáo viên truyền đạt, nêu câu hỏi dạng tái hiện kiến thức. Học sinh thì dựa vào thông tin trong SGK để trả lời theo kiểu đọc lại một câu, đoạn trong SGK, mặt khác sẽ học thuộc những thông tin được viết trong SGK.

Nếu tiếp cận theo hướng phát triển năng lực người học, trước hết phải phát triển năng lực sử dụng SGK của người dạy. Tức người dạy phải biết khai thác tối ưu các nguồn thông tin có trong SGK. Đặc biệt là giáo viên phải hình dung được “cơ chế” sư phạm của mỗi bài được thể hiện trong nội dung và hình thức SGK. Trên cơ sở định hướng của giáo viên thì học sinh mới có thể khai thác SGK hiệu quả nhất, nghĩa là dùng SGK như một điểm tựa về kiến thức và định hướng hoạt động học tập.

TS Nguyễn Thị Việt Nga.

TS Nguyễn Thị Việt Nga.

Sử dụng phù hợp theo từng đối tượng

- Với chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, có giáo viên còn lúng túng trong sử dụng nguồn tài nguyên từ các bộ SGK nói chung, SGK HĐTN, hướng nghiệp nói riêng để thiết kế kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy. Ngoài ra, không ít phụ huynh, học sinh gặp khó khăn trong tiếp cận để học tập. Vậy sử dụng SGK của các đối tượng cần theo nguyên tắc, biện pháp như thế nào?

- Sử dụng SGK nói chung, SGK HĐTN, hướng nghiệp nói riêng cần bảo đảm các nguyên tắc: Bám sát Chương trình GDPT 2018; khai thác tổng hợp và hiệu quả các cấu trúc nội dung SGK; phát triển một số phẩm chất và năng lực theo đặc trưng HĐTN; sử dụng, bảo quản tốt SGK, tránh lãng phí cho gia đình, xã hội. Với giáo viên, sử dụng SGK HĐTN theo quy trình 4 bước.

Bước 1: Xây dựng kế hoạch giáo dục sơ bộ của năm học/học kỳ. Dựa vào chương trình GDPT môn học/Hoạt động giáo dục, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học cho HĐTN, hướng nghiệp trong năm học/học kỳ.

Bước 2: Xây dựng kế hoạch giáo dục chi tiết. Dựa vào bộ SGK chính được lựa chọn hoặc tham khảo từ nhiều bộ SGK khác nhau, giáo viên xây dựng kế hoạch tổ chức HĐTN chi tiết theo học kỳ/tháng/tuần.

Bước 3: Thiết kế kế hoạch bài dạy cho từng chủ đề. Sau khi thiết kế chi tiết nội dung của các HĐTN, giáo viên sẽ có bản kế hoạch tổ chức HĐTN của một chủ đề. Giáo viên cần đánh giá bản kế hoạch nhằm chỉnh sửa lại cho tốt hơn.

Bước 4: Hướng dẫn học sinh sử dụng SGK. Giáo viên hỗ trợ trò sử dụng SGK để hoàn thành các nhiệm vụ học tập và phối hợp, hướng dẫn cha mẹ học sinh sử dụng SGK.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Với học sinh, quy trình sử dụng SGK cũng theo 4 bước:

Bước 1: Sử dụng SGK hỗ trợ hoạt động tự học. Các hoạt động tự học của học sinh bao gồm: Nghiên cứu trước bài học, tham khảo ý kiến của cha mẹ, giáo viên về bài học, hoàn thành nhiệm vụ về nhà.

Bước 2: Sử dụng SGK hỗ trợ HĐTN cá nhân dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Các hoạt động của học sinh thực hiện trên lớp đều được hướng dẫn qua SGK. Vì vậy, học sinh phải có kỹ năng đọc và nghiên cứu SGK, sử dụng tất cả nguồn thông tin như kênh chữ, kênh hình trong SGK để thực hiện hoạt động.

Bước 3: Sử dụng SGK hỗ trợ hoạt động hợp tác, làm việc nhóm.

Bước 4: Tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng. Học sinh sử dụng các hướng dẫn đánh giá trong SGK để tự đánh giá mức độ hoạt động của mình và bạn trong nhóm, lớp.

Bên cạnh giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh cũng cần sử dụng nhằm phối hợp với nhà trường trong quá trình giáo dục trẻ. Đặc biệt HĐTN, hướng nghiệp, muốn thành công phải có sự phối hợp với gia đình và xã hội. Tiến trình sử dụng SGK của cha mẹ học sinh có thể thực hiện theo các bước:

Bước 1: Nghiên cứu tổng thể nội dung SGK. Cha mẹ đọc và nghiên cứu SGK mà nhà trường lựa chọn để nắm được kế hoạch học tập của các con, qua đó hỗ trợ khi cần thiết.

Bước 2: Hướng dẫn và hỗ trợ học sinh sử dụng và bảo quản SGK. Cha mẹ học sinh có thể phối hợp với giáo viên hướng dẫn và hỗ trợ để học sinh biết cách sử dụng và bảo quản SGK và nguồn học liệu bổ trợ khác.

Bước 3: Hỗ trợ học sinh hoàn thành các HĐTN. Cha mẹ có thể sử dụng SGK để giúp đỡ trẻ các HĐTN khi cần thiết.

Bước 4: Tham gia đánh giá kết quả HĐTN của học sinh. Ngoài giáo viên trực tiếp hướng dẫn HĐTN, thành phần tham gia đánh giá còn có giáo viên bộ môn, cha mẹ học sinh, tổ chức xã hội hỗ trợ HĐTN, bạn bè… Vì vậy, cha mẹ học sinh phải sử dụng SGK để tìm hiểu và thực hiện việc đánh giá kết quả hoạt động của học sinh.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở trung học phổ thông giúp mỗi cá nhân phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung. Ảnh minh họa: ITN

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở trung học phổ thông giúp mỗi cá nhân phù hợp với chuẩn mực đạo đức chung. Ảnh minh họa: ITN

Thiết kế kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

- Giáo viên nếu muốn dựa vào nhiều bộ sách để thiết kế kế hoạch tổ chức HĐTN thì cần lưu ý điều gì?

- Nếu sử dụng nhiều bộ SGK, việc thiết kế kế hoạch tổ chức HĐTN, hướng nghiệp dựa trên chương trình và nhiều bộ sách được tiến hành theo các bước: Lựa chọn chủ đề, xác định mục tiêu chủ đề; Xác định, đặt tên các hoạt động trong chủ đề; Thiết kế hoạt động; Đánh giá kết quả hoạt động; Hoàn thiện kế hoạch tổ chức hoạt động.

Lựa chọn chủ đề là việc cần làm đầu tiên. Dựa trên mạch nội dung trong chương trình HĐTN, hướng nghiệp và các chủ đề có trong SGK của bộ sách khác nhau, giáo viên có thể chọn một chủ đề dành cho tháng hoặc tuần kết hợp được nội dung của các bộ sách. Sau khi lựa chọn được chủ đề, giáo viên tiến hành đặt tên. Tên chủ đề đã được gợi ý trong các bộ SGK. Giáo viên có thể đặt theo tên của 1 chủ đề trong sách đã tham khảo hoặc tùy thuộc vào khả năng, điều kiện cụ thể của từng lớp để lựa chọn tên khác cho chủ đề.

Sau khi lựa chọn, đặt tên cho chủ đề, người thiết kế tiến hành xác định mục tiêu đối với học sinh. Các mục tiêu của chủ đề cần rõ ràng, cụ thể, phù hợp; phản ánh được mức độ cao thấp của yêu cầu cần đạt về tri thức, kỹ năng, thái độ, định hướng giá trị.

Khi xác định mục tiêu cần trả lời các câu hỏi: Chủ đề này có thể hình thành cho học sinh những kiến thức ở mức độ nào? Những kỹ năng nào có thể được hình thành ở học sinh và mức độ đạt được sau khi tham gia các hoạt động của chủ đề? Những thái độ, giá trị nào có thể được hình thành hay thay đổi ở học sinh sau khi kết thúc chủ đề?

Ở bước xác định, đặt tên các hoạt động trong chủ đề, giáo viên cần căn cứ vào mục tiêu đã xác định, điều kiện hoàn cảnh cụ thể của lớp, nhà trường và khả năng của học sinh để xác định hoạt động. Điều này giúp học sinh được đắm mình vào trải nghiệm liên quan đến nhận thức, cảm xúc, hành vi. Căn cứ vào chủ đề theo tháng hay chủ đề theo tuần, giáo viên lựa chọn, xây dựng hoạt động phù hợp về số lượng, thời gian. Đặt tên cho các hoạt động cần rõ ràng, ngắn gọn, chính xác, tạo ấn tượng cho học sinh, phù hợp với chủ đề.

Với bước thiết kế các hoạt động cần phải xác định: Có bao nhiêu hoạt động phải thực hiện? Mục tiêu cần đạt được của mỗi hoạt động? Hoạt động cần chuẩn bị những gì? Nội dung của mỗi hoạt động? Cách thức tiến hành và thời gian thực hiện như thế nào? Công việc cụ thể cho các tổ, nhóm, cá nhân?

Đến hoạt động đánh giá kết quả, giáo viên cần xác định: Đánh giá kết quả hoạt động của học sinh mang tính động viên, khích lệ, xác định sự tiến bộ, có lộ trình rèn luyện cho người học. Đối tượng tham gia đánh giá: Bản thân học sinh, đánh giá đồng đẳng (bạn bè trong nhóm) giáo viên, phụ huynh học sinh và giáo viên khác cùng tham gia đánh giá.

Cuối cùng là hoàn thiện kế hoạch tổ chức hoạt động. Giáo viên rà soát, kiểm tra lại nội dung, trình tự, thời gian thực hiện cho từng hoạt động, xem xét tính hợp lý, khả năng thực hiện và kết quả cần đạt được. Nếu phát hiện sai sót, bất hợp lý ở khâu, bước, nội dung, hoạt động nào thì kịp thời điều chỉnh. Cuối cùng, hoàn thiện bản thiết kế kế hoạch tổ chức hoạt động và cụ thể hóa bản thiết kế đó bằng văn bản.

- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS, THPT) là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Hoạt động này được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học; theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường. Bốn loại hình hoạt động chủ yếu của Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề, Hoạt động câu lạc bộ.

Các hoạt động với sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: Giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên môn học, cán bộ tư vấn tâm lý học đường, cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, cán bộ quản lý nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ