Tự chọn… có điều kiện
Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đã tổ chức họp phụ huynh khối lớp 10 vừa trúng tuyển để giới thiệu về Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như cung cấp thông tin, tư vấn lựa chọn tổ hợp môn. Chị Nguyễn Thanh Hải (phường Thạch Thang, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cùng con trai đọc rất kỹ các nhóm tổ hợp môn và cụm chuyên đề nhưng vẫn chưa quyết định sẽ chọn tổ hợp nào.
“Chọn theo học tổ hợp nào vẫn có từ 1 - 2 môn không phải là sở trường của con. Trước đó, chúng tôi vẫn nghĩ học sinh được đăng ký nguyện vọng theo các môn học yêu thích hoặc phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này. Nhưng đây là lựa chọn trên “thực đơn” được lên sẵn nên rất khó vì được môn này lại mất môn kia”, chị Hải cho biết.
Sau khi con tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, chị Nguyễn Thị Hạnh (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cùng con là Cát Tường tìm hiểu các môn tự chọn. Dự định của Cát Tường là chọn môn Vật lý, Hóa học ở nhóm các môn Khoa học tự nhiên vì em không có thế mạnh về môn Sinh học. Tường cũng muốn chọn môn Tin học và Địa lý.
Tuy nhiên, khi đối chiếu với phương án tổ hợp môn của Trường THPT Hoàng Hoa Thám nơi em trúng tuyển chỉ có nhóm 1B gồm nhiều môn trùng hợp với nguyện vọng nhưng lại có môn Sinh học. “Đây là lựa chọn tối ưu nhất vì học sinh lựa chọn trên cơ sở các phương án xây dựng sẵn”, chị Hạnh cho hay.
Em Trần Thị Thanh Hằng, con gái anh Trần Hải Sơn (trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) dự định sẽ theo khối kinh tế. “Các con còn nhỏ, định hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng, cũng có thể trong vài năm tới sẽ không còn hứng thú nữa” – anh Sơn băn khoăn và chia sẻ: “Chúng tôi hỏi nhà trường nếu lớp 11 hoặc 12, học sinh có nguyện vọng thay đổi định hướng nghề nghiệp thì những môn không theo học ở các lớp dưới sẽ được bổ sung như thế nào nhưng vẫn chưa nhận được thông tin tư vấn”.
Nghiên cứu kỹ phương án tuyển sinh lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Trãi trước khi cho con đăng ký nguyện vọng, chị Nguyễn Trần Phương Thảo (trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) nhận xét: “Ngoài các môn học bắt buộc, nhà trường có 2 nhóm lớp thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên có cụm môn lựa chọn là Lý – Hóa – Sinh, thuận lợi cho học sinh chọn xu hướng tuyển sinh đại học theo tổ hợp môn khối A và B. Nếu học sinh thay đổi nguyện vọng lựa chọn ngành, trường trong tương lai vẫn có cơ hội nếu không trái ban”.
Trường THPT Lê Hồng Phong phân tích kỹ những thông tin liên quan đến môn học và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. |
Tư vấn kỹ
Để trò nắm bắt điểm mới của Chương trình GDPT 2018, thấy được thế mạnh bộ môn cùng những ưu điểm của bản thân nhằm lựa chọn tổ hợp đáp ứng nguyện vọng và tương lai nghề nghiệp sau này, Trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng) và THPT Lê Hồng Phong (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) đã tổ chức gặp mặt, tư vấn cho học sinh và phụ huynh.
Tại buổi tư vấn, phụ huynh và học sinh được trường giới thiệu về chương trình mới; cách chọn tổ hợp môn; các ngành nghề tương lai; phương thức tuyển sinh đại học; thông tin về các bộ sách giáo khoa lớp 10; thủ tục, quy trình nộp hồ sơ.
Tại chương trình tư vấn đầu cấp và định hướng đầu ra, thầy Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn - chia sẻ với hàng nghìn học sinh và phụ huynh của nhà trường về mục đích của giáo dục, định hướng của nhà trường. Theo đó, mục tiêu quan trọng mà nhà trường đặt ra nhiều năm nay là đào tạo học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực. Vì thế, học sinh của Trần Nguyên Hãn không chỉ học về kiến thức văn hóa, mà còn được chú trọng phát triển phẩm chất đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống. Đó cũng là mục tiêu mà Chương trình GDPT năm 2018 hướng tới.
Lãnh đạo Trường THPT Trần Nguyên Hãn cũng đưa ra những thông tin về xu hướng xét tuyển đại học và định hướng chuẩn đầu ra năm 2025 để phụ huynh, học sinh có định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Cũng cách làm như Trường THPT Trần Nguyên Hãn, Trường THPT Lê Hồng Phong cung cấp cho phụ huynh và học sinh một số thông tin về phương thức tuyển sinh, khối thi, ngành nghề để các bậc phụ huynh học sinh và học sinh tìm hiểu. Đặc biệt, trong buổi tư vấn cho học sinh lớp 10 vào ngày 12/7, thầy Đinh Hồng Tiệp - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong - đã phân tích kỹ lưỡng những môn học bắt buộc, tự chọn và các tổ hợp môn để cha mẹ cũng như các em nghiên cứu kỹ trước khi lựa chọn tổ hợp môn trong phiếu đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 năm học 2022 - 2023.
Cụ thể, nhà trường xây dựng phương án lựa chọn tổ hợp theo định hướng nghề nghiệp và xếp lớp cho học sinh khối 10 bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Nhà trường cũng lưu ý, học sinh lựa chọn tổ hợp nào thì 3 năm học sẽ học các môn học của tổ hợp đã chọn. Dựa trên nguyện vọng của học sinh, nhà trường sẽ xếp lớp phù hợp.
Thầy Đinh Hồng Tiệp cho hay: Mục đích của buổi tư vấn và định hướng nghề là giúp phụ huynh và học sinh hiểu rõ các môn lựa chọn và bắt buộc để hiểu đúng và chọn đúng. Học sinh đã chọn tổ hợp môn rất khó thay đổi, vì thế phải nghiên cứu kỹ, đảm bảo tính ổn định. Khi các em có phiếu đăng ký chọn môn học nhà trường mới chủ động về đội ngũ và cơ sở vật chất.
Phụ huynh tìm hiểu thông tin về phương án tuyển sinh lớp 10 và tổ hợp môn. |
Dự phòng giáo viên
“Nhà trường căn cứ vào dữ liệu tổ hợp môn xét tuyển sinh đại học và đăng ký thi tốt nghiệp THPT của 5 năm gần đây để lên phương án môn học lựa chọn. Các phương án phân khối lớp 10 còn phải tính đến việc cân đối bố trí giáo viên dạy các môn của khối 11, 12 của năm học này. Trong phương án xây dựng quan trọng hơn cả là phải dự trù được phương án phân công giáo viên khối 11 và 12 trong năm tới khi thực hiện đổi mới chương trình – sách giáo khoa theo hình thức cuốn chiếu”, thầy Lê Thiện Trà nhìn nhận.
Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) sẽ có 12 lớp 10 theo học Chương trình GDPT 2018 trong năm học 2022 – 2023. Thầy Lê Thiện Trà – Phó Hiệu trưởng nhà trường - trao đổi: “Ngoài môn học bắt buộc, với nhóm môn tự chọn, nhà trường chia thành 3 nhóm với các môn được thiết kế sẵn đi kèm theo cụm chuyên đề”. Nhóm 1 là các lớp có nhiều môn lựa chọn thuộc nhóm Khoa học tự nhiên được đăng ký 3 nguyện vọng (1A, 1B và 1C), sắp xếp theo thứ tự ưu tiên giảm dần. Nhóm 2 là các lớp nhiều môn lựa chọn thuộc nhóm Khoa học xã hội (2A và 2B).
Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cũng xây dựng các nhóm tổ hợp môn và cụm chuyên đề có sẵn để phụ huynh và học sinh lựa chọn. Trong đó, có 12 lớp theo tổ hợp Khoa học tự nhiên và 6 lớp Khoa học xã hội. Theo cô Hồ Thị Thảo Nguyên – Phó Hiệu trưởng nhà trường, số học sinh đăng ký theo học tổ hợp môn Khoa học tự nhiên sẽ đông gấp nhiều lần nhóm Khoa học xã hội. Vì vậy, trong đăng ký nhập học trực tuyến, nhà trường yêu cầu học sinh nhập dữ liệu điểm tổng kết các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học ở năm lớp 9 để làm căn cứ phụ khi xếp lớp.
Với biên chế 10 lớp 10, Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia thành 5 nhóm lớp để học sinh đăng ký nguyện vọng. Nhà trường xây dựng “combo” theo nhóm môn lựa chọn kèm theo chuyên đề học tập để học sinh và phụ huynh lựa chọn chứ không khống chế số lượng lớp cụ thể của mỗi nhóm.
Riêng cụm chuyên đề, tùy theo mỗi trường có những phương án tổ chức khác nhau. Trường THPT Hoàng Hoa Thám xây dựng cụm chuyên đề với tổ hợp môn tuyển sinh đại học truyền thống gồm khối A, A1, D và C. Trường THPT Trần Phú, dù học sinh chọn tổ hợp môn nào cũng đều có môn Ngữ văn và Toán trong cụm chuyên đề đi kèm. “Đây là một thuận lợi để nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm sắp tới” – cô Nguyên cho biết.
Chương trình SGK lớp 10 năm nay có nhiều đổi mới, khiến phụ huynh quan tâm, tìm hiểu kỹ nhưng không tránh khỏi băn khoăn. Điều quan trọng nhất mà nhiều phụ huynh và học sinh muốn biết và mong được nhà trường tư vấn là lựa chọn tổ hợp bộ môn phù hợp để định hướng nghề nghiệp tương lai sau này cho các em. - Anh Trần Hải Sơn