Hiện tượng trục lợi từ thiên tai

GD&TĐ - Bão số 10 đổ bộ vào miền trung hồi tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại nặng về người, nhà cửa, ruộng vườn và tài sản. Sau bão, người dân cả nước đã nhường cơm sẻ áo, chia sẻ ngọt bùi với người dân vùng bão.

Thiệt hại do bão số 10 gây ra là rất lớn, thế nhưng những con số báo cáo lên Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai của huyện Hoằng Hóa - Thanh Hóa bị dư luận nghi ngờ.
Thiệt hại do bão số 10 gây ra là rất lớn, thế nhưng những con số báo cáo lên Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai của huyện Hoằng Hóa - Thanh Hóa bị dư luận nghi ngờ.

Tuy nhiên, bên cạnh những nghĩa cử cao đẹp vẫn còn tồn tại hiện tượng lợi dụng bão để trục lợi. Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện vụ việc tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), báo cáo thiệt hại lên tới 940 tỷ đồng, nhưng khi bị dư luận nghi ngờ thì hai ngày sau, huyện này rút xuống còn hơn 640 tỷ đồng.

Điều đáng nói, trước đó tại nhiều địa phương, tình trạng “mượn bão bẻ măng” từng diễn ra không ít lần. Tại Nghệ An, năm 2012, Thanh tra huyện Yên Thành kiểm tra 38 xã thì phát hiện 25 xã sai phạm trong báo cáo, tiếp nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do bão, lũ năm 2010, 2011 với số tiền nhận khống là gần 336 triệu đồng.

Tại tỉnh Bình Định, vào tháng 2-2014, Ban nhân dân thôn Luật Chánh (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) công bố danh sách 15 hộ bị thiệt hại gia cầm do nước lũ cuốn trôi trong đợt lũ từ ngày 14 đến ngày 19-11-2013.

Danh sách này bị người dân phản ứng vì cho rằng số lượng gà, vịt bị chết cao hơn thực tế và hơn nửa số hộ trong danh sách là cán bộ, người thân quen của cán bộ. Tháng 12-2015, UBND huyện Tuy Phước ra quyết định thu hồi 179 triệu đồng của 20 hộ dân ở xã Phước Hiệp.

Gian lận khá rõ ràng nhưng khi bị chất vấn, không ít địa phương chống chế: Nguyên nhân là do các thôn lập báo cáo thiệt hại gửi lên xã, xã báo lên huyện, huyện tin tưởng tổng hợp báo cáo lên tỉnh chứ không tổ chức kiểm tra lại theo quy định.

Tình trạng khai khống để “ăn theo” thiên tai xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Ngoài ý định trục lợi, nhiều khi còn do sự tắc trách trong công tác thống kê thiệt hại.

Thí dụ, sau vụ thiệt hại của các chủ đồng nuôi tôm thẻ chân trắng tại các xã Hoằng Phụ, Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa), địa phương đã khai khống lên tới gần 300 tỷ đồng, trong khi nhiều chủ đồng tôm khẳng định bão đã qua nhiều ngày nhưng vẫn chưa có cán bộ thôn hay xã đến khảo sát, thống kê thiệt hại.

Chưa hết, tại nhiều địa phương cấp xã, thường có hiện tượng cánh đồng nào bị hư hỏng, ngập tràn thì báo cáo cả khu và tính trung bình thiệt hại theo héc-ta, chứ không đi hết các hộ…

Theo các chuyên gia kinh tế, báo cáo thiệt hại do thiên tai phải dựa trên thiệt hại thực tế.

Có hai loại báo cáo thiệt hại về thiên tai: Báo cáo nhanh là báo cáo ước tính thiệt hại dựa trên số liệu tạm thời; còn báo cáo chính thức phải dựa trên thiệt hại thực tế, kèm theo bảng thống kê chi tiết và sự quy đổi theo quy định của Nhà nước.

Điển hình như tại huyện Minh Hóa (Quảng Bình), số liệu thống kê nhà bị sập sau bão số 10 có giảm so với thống kê ban đầu. Theo đó, một ngày sau bão, số liệu báo cáo của UBND huyện Minh Hóa ghi nhận 74 nhà bị sập; tuy nhiên đến thời điểm sau đó lại chỉ còn 55 nhà bị sập.

Bởi do ngay sau khi bão tan, các trưởng thôn, trưởng bản thống kê báo cáo số liệu lên cấp xã, rồi xã báo lên huyện. Trưởng thôn thấy nhà sập là thống kê, nhưng trong số đó có một số nhà dựng trái phép, một số dựng lên nhưng không có người ở và chính quyền đã yêu cầu các địa phương rà soát lại để bảo đảm con số chính xác.

Những cá nhân có trách nhiệm trong công tác thống kê thiệt hại do thiên tai phải thật sự công tâm, trong sáng và thực thi công việc không vụ lợi. Thiên tai là một gánh nặng chẳng ai mong muốn, nhưng đi đôi với công tác phòng, chống thì công tác thống kê thiệt hại một cách khoa học và chính xác cũng là một biện pháp khắc phục thiên tai hiệu quả.

Theo NDĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ