Phải xử nghiêm các cá nhân, tổ chức tham mưu gây thiệt hại

GD&TĐ - Từ trước đến nay, việc xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu, đề xuất gây thiệt hại, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, công dân thường bị xem nhẹ, chưa được quan tâm, xử lý nghiêm minh, triệt để.

3 dự án ethanol đầu tư ngàn tỉ rồi "đắp chiếu"
3 dự án ethanol đầu tư ngàn tỉ rồi "đắp chiếu"

Do đó, tình trạng cố ý làm trái, tiêu cực hoặc cẩu thả khi tham mưu, đề xuất triển khai các dự án, chương trình không khả thi kém hiệu quả, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, công dân có dấu hiệu ngày càng gia tăng, phức tạp.

Một số nước, việc tham mưu, đề xuất của các cá nhân, tổ chức thường đi kèm với trách nhiệm pháp lý rất rõ ràng, cụ thể và nghiêm khắc. Do đó, trước khi tham mưu, đề xuất việc gì, đặc biệt là liên quan đến lợi ích của đất nước, của người dân thì họ thường cân nhắc rất kỹ lưỡng, đánh giá rất công phu, toàn diện công trình, dự án.

Trong đó là tính khả thi và hiệu quả mang lại được ưu tiên hàng đầu trước khi quyết định triển khai thực hiện các công trình, dự án. Bởi vì, ngoài trách nhiệm pháp lý, nếu đề xuất sai, không hiệu quả hoặc gây thiệt hại thì họ phải bồi thường và quan trọng hơn nó còn ảnh hưởng đến nghề nghiệp, uy tín, danh dự và cả sự nghiệp chính trị của các những người liên quan.

Đối với nước ta việc xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất gây thiệt hại chưa được thực hiện nghiêm túc. Thông thường thì những người trực tiếp tham mưu, đề xuất thường chỉ bị nhắc nhở, kiểm điểm khi xảy ra thiệt hại, chứ chưa ai phải bồi thường thiệt hại, bị xử lý trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất sai.

Thực tế nhiều vụ việc chỉ những người trực tiếp vi phạm pháp luật như tham ô, tiêu cực, cố ý làm trái khi thực hiện các chương trình, dự án thì mới bị xử lý, truy cứu trách nhiệm. Đối với những người tham mưu, đề xuất phê duyệt các công trình, dự án kém hiệu quả, gây thiệt hại thường... vô can hoặc bị xử lý rất nhẹ, chưa tương xứng.

Vì vậy, đã dẫn đến tình trạng các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền cứ “đua”  nhau tham mưu, đề xuất triển khai các chương trình, dự án nhằm mục đích trục lợi mà bỏ qua tính khả thi, hiệu quả của các công trình, dự án đó. Trường hợp công trình, dự án phát huy hiệu quả thì được biểu dương, khen thưởng, ngược lại nếu bị thất bại, không khả thi... thì chẳng phải chịu trách nhiệm gì. Chính điều này đã dẫn đến việc rất nhiều công trình, dự án không hiệu quả, gây lãng phí rất lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân liên tiếp bị phát hiện, phanh phui.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kiểm tra đối với những công trình, dự án kém hiệu quả, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống người dân để có biện pháp xử lý nghiêm hành vi, nhất là hành vi tham mưu, đề xuất sai, không hiệu quả của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Nếu làm tốt điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát ổn định tình hình đất nước, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực và tài nguyên, đặc biệt sẽ kiềm chế được bội chi ngân sách, lãng phí ngân sách, tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra khá nhiều nơi như hiện nay./.        

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.