Hiến mô tạng: Lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp

GD&TĐ - Việc hiến tặng mô, tạng cho những người bị suy tạng là một món quà vô giá. Bởi, điều này mang tới cơ hội sống cho cho những người tưởng chừng không còn hy vọng với cuộc đời. Với tinh thần nhân ái trong, nhiều người và gia đình của họ đã quyết định hiến tạng để làm vơi bớt nỗi đau chung của đồng loại. Chính những người đăng ký hiến mô tạng đó trở thành những tuyên truyền viên tích cực của Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia.

Chị Lê Hương Giang (ở giữa) đã tới Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia đăng ký hiến mô tạng
Chị Lê Hương Giang (ở giữa) đã tới Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia đăng ký hiến mô tạng

Nhận thức đã thay đổi

Theo con số thống kê của Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia, năm 2017 có 11.853.000 người đăng ký hiến mô tạng cho y học và đến tháng 9/2018 đã có 18.011.000 người tham gia đăng ký. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia cho biết: Đến ngày 31/8/2018 chúng ta mới ghép được 3.378 ca (tính từ năm 1992 đến nay). Nhu cầu cần ghép của những người suy thận, suy tim, suy gan là rất lớn lên đến hàng chục ngàn, mà số ca được ghép vẫn còn khá ít ỏi.

Lý do là bởi nguồn hiến tạng hiện nay rất hiếm. Đa phần đều từ những người đang sống hiến tạng cho người thân của mình. Năm 1992 ở Việt Nam bắt đầu có ca ghép tạng đầu tiên, xuất phát từ vấn đề ghép tạng cứu người là việc làm cần thiết, ngành y tế đã quyết định thành lập trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia vào năm 2013. Vì vậy, từ năm 2014, trung tâm đã phát động chương trình kêu gọi mọi người tham gia hiến tạng.

Cơ sở vật chất địa điểm của Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia còn nhiều khó khăn khiến cho việc người dân tìm đến trung tâm để đăng ký hiến tạng không dễ dàng gì. Bên cạnh đó, công tác truyền thông vẫn chưa tới được những góc khuất của cuộc sống. Nhân lực, cơ sở vật chất của trung tâm hoàn toàn chưa tương xứng với những đòi hỏi của thực tiễn, đó là những rào cản trong quá trình đăng ký hiến mô, tạng.

Bà Nguyễn Phượng Hoàng, nhân viên của Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia cho biết: Nhiệm vụ của trung tâm là kết nối các đơn vị có ghép tạng và điều phối việc ghép mô tạng trong cả nước. Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong việc tìm ghép mô tạng đó là quan niệm của người Việt Nam về vấn đề này. Người châu Á nói chung, người Việt Nam nói riêng trong quan niệm còn bó hẹp về mặt tâm linh.

Đa phần họ khi chết, họ luôn mong được toàn thây, không muốn ai động vào thân thể của mình, không muốn chia sẻ phần thân thể của mình với suy nghĩ trần sao âm vậy. Vì vậy, trong suốt những năm qua, cuộc vận động hiến tặng mô tạng còn gặp nhiều khó khăn,Việt Nam mới có ít những trường hợp đã hiến tặng mô tạng sau khi chết não. Đến nay, nhờ sự vận động cùng những nhận thức của một bộ người dân có sự thay đổi, nên đã bắt đầu có những người dân quyết định chia sẻ các bộ phận trên cơ thể của mình để đem lại cơ hội sống cho những người khác. Tuy nhiên, có thực hiện được hiến tặng mô tạng hay không lại là một vấn đề khác.

Những tấm lòng nhân ái

Câu chuyện về bé Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội) qua đời do u não đã có ước nguyện được hiến những phần cơ thể của mình để cho những người mắc bệnh hiểm nghèo đã lay động cảm xúc của hàng triệu người. Mặc dù, người mẹ của bé đã sẵn sàng hiến tạng của con, nhưng tại thời điểm cháu bé chuẩn bị ra đi, bé không phải rơi vào tình trạng chết não. Hơn nữa theo luật quy định, người từ đủ 18 tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự và chết não mới có thể cho hiến mô tạng, nên trường hợp bé Hải An không thể lấy tạng được.

Theo luật, người 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không giới hạn giới tính, tín ngưỡng đều có quyền hiến tặng mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não và hiến xác. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác. Hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép. 

Tuy nhiên, giác mạc của bé Hải An đã được các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương phẫu thuật và ghép để hiến tặng cho những người đang chờ đợi giác mạc.

Quá trình lấy giác mạc thông thường chỉ mất 15 phút, nhưng trường hợp bé Hải An bác sĩ đã làm mất 30 phút và tất cả mọi người có mặt ở đó ai ai cũng đỏ hoe đôi mắt với lòng đầy xót thương. Một cháu bé còn quá non nớt phải qua đời, nhưng lại có tấm lòng nhân hậu khiến mọi người đều rưng rưng… Con không còn nữa nhưng ước nguyện của con đã là bức thông điệp mạnh mẽ nhất để kêu gọi mọi người cùng chung tay mang lại niềm hạnh phúc, đôi khi chính là sự sống của những con người trên cuộc đời này.

Chính những câu chuyện xúc động của bé Hải An, hay gần đây hơn là câu chuyện về anh kỹ sư Nguyễn Xuân Hải, 37 tuổi (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã được gia đình đồng ý hiến mô tạng để mang lại sự sống cho những những người đang mắc bệnh hiểm nghèo, đã tác động tới rất nhiều người trong cộng đồng. Những câu chuyện đầy xúc động đã lan tỏa thông điệp hiến tạng cứu người là một nghĩa cử cao đẹp đày lòng nhân ái.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ