Hiến máu giúp giảm 30% chất độc trong cơ thể

GD&TĐ - Một thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên thế giới của Australia đã phát hiện, hiến máu hoặc huyết tương thường xuyên có thể làm giảm mức độ hóa chất PFAS độc hại trong máu lên 30%.

Lính cứu hoả có nồng độ perfluorooctane sulfonate trong máu cao.
Lính cứu hoả có nồng độ perfluorooctane sulfonate trong máu cao.

Lần đầu tiên, nhóm nghiên cứu tìm ra một biện pháp can thiệp hiệu quả làm giảm mức độ của các chất được gọi là “hóa chất vĩnh viễn”.

Các chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl (PFASs) là một nhóm hóa chất sản xuất bao gồm hơn 4.000 hợp chất cụ thể khác nhau. PFAS có thể được tìm thấy từ nhiều đồ vật trong nhà, như thảm hay dụng cụ nấu ăn chống dính. Tuy nhiên, có lẽ, việc sử dụng PFAS gây tranh cãi nhất là trong bọt chữa cháy.

Lính cứu hỏa được cho là tiếp xúc thường xuyên với PFAS. Do đó, họ có mức PFAS cao bất thường. Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy, mức PFAS trong máu cao có thể dẫn đến những tác động xấu đến sức khỏe, bao gồm béo phì, bất thường về gan và tuyến giáp, cũng như suy giảm chức năng miễn dịch.

Các nhà khoa học đã nỗ lực tìm cách loại bỏ hóa chất độc hại này khỏi những sản phẩm thông thường. Đồng thời, khử nhiễm các môi trường tiếp xúc. Tuy nhiên, đến nay, các bác sĩ lâm sàng không có cách nào để giúp những người đã tiếp xúc với thứ được gọi là “hóa chất vĩnh viễn”. Bởi, hoá chất này có thể tồn tại trong cơ thể suốt thời gian dài.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tuyển 285 lính cứu hỏa Australia. Họ có nồng độ perfluorooctane sulfonate trong máu tăng cao. Những tình nguyện viên được chia thành ba nhóm: Người hiến huyết tương 6 tuần một lần trong một năm, người hiến máu 12 tuần một lần trong một năm và nhóm đối chứng không can thiệp.

Ông Robin Gasiorowski - tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Các kết quả từ nghiên cứu cho thấy, việc hiến máu hoặc huyết tương thường xuyên giúp làm giảm đáng kể nồng độ PFAS trong máu so với nhóm đối chứng. Cả hai biện pháp can thiệp đều có hiệu quả trong việc giảm mức PFAS. Tuy nhiên, hiến huyết tương có hiệu quả hơn, với mức giảm đến 30%”.

Theo đồng tác giả nghiên cứu Mark Taylor, các nhà khoa học không tập trung vào kết quả lâm sàng. Thay vào đó, họ thực hiện một phương pháp phòng ngừa.

Các nhà nghiên cứu viết trong nghiên cứu mới: “Các chất perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl có mặt ở khắp nơi và chưa xác định được ngưỡng nào gây tăng nguy cơ cho người nhận thành phần máu được hiến tặng.

Nghiên cứu của chúng tôi không thông báo về nguy cơ này. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý máu nên tiếp tục theo dõi bằng chứng về ảnh hưởng sức khỏe có thể có của PFAS. Đồng thời, xem xét các tác động có thể có của việc tăng nồng độ PFAS ở người hiến máu”.

Theo New Atlas

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ