(GD&TĐ) - Mẹ Pỷ Toác (A Xing, Hướng Hóa, Quảng Trị) giải thích một cách giản dị chân tình về lý do hiến gần 400m2 đất vườn để xây dựng trường mầm non thôn Cu Rông: “Đời miềng (mình - BT) sống qua 60 năm rồi mà viết con chữ cũng không vững vì thế đói nghèo cứ đeo đẳng mãi. Đời con cháu miềng bây giờ phải khác. Đất đai cũng là vàng đấy nhưng miễn các cháu học được cái chữ Bác Hồ...”. Nhiều gia đình ở A Xing như Hồ Thứ, Y Thuý, Kôn Khơi... cũng có cùng suy nghĩ như mẹ Pỷ Toác, khi tình nguyện hiến đất xây trường, chỉ với mong muốn con em của đồng bào mình bớt đi những trở ngại trên con đường đến với chữ nghĩa.
Cựu chiến binh Kôn Khơi (70 tuổi, trú tại bản A Máy) hiện là người đang giữ kỷ lục trong phong trào hiến đất xây trường của xã A Xing: 3 lần hiến đất với hơn 1.500m2. Như nhiều gia đình khác ở Hướng Hóa, cả gia đình với 7, 8 miệng ăn của Kôn Khơi chỉ sống nhờ vào nguồn lợi từ nương rẫy. Giữa bạt ngàn đá núi cheo leo, mỗi tấc đất đồi khai phá được thấm đẫm không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, đôi lúc còn có cả máu nữa, của mỗi thành viên trong gia đình Kôn Khơi. Rồi để cải tạo đất, làm tăng thêm độ phì nhiêu, cũng phải mất hàng chục năm xoay vần với phân bón, nước tưới, lựa chọn giống cây dài ngày, ngắn ngày… Thế nên, đất đai, với già Kôn Khơi, vừa là gia tài, cũng còn là hy vọng về một ngày mai ấm no cho con cháu. Thế nhưng, đầu năm 2005, già Kôn Khơi quyết định cắt 600m2 đất để trường Tiểu học xã A Xing xây dãy nhà công vụ cho giáo viên. Dân bản chưa hết thắc mắc và thán phục trước quyết định của già Kôn Khơi thì năm sau, già tiếp tục chặt vườn cây ăn quả với 400m2 đất để xây Trung tâm học tập cộng đồng thôn. Mới đây nhất, ông hiến thêm 500m2 đất để Trường mầm non trung tâm xã A Ring mở rộng. Hỏi ông có tiếc không, không có chút băn khoăn nào sao, già Kôn Khơi trả lời rất thật lòng: “Miềng cũng phải nói mãi thì cả nhà mới thông đó chớ. Những ngày còn gian khó, còn bom đạn chiến tranh, miềng chỉ mong được sống đến ngày hòa bình. Sống đến bây chừ là miềng lãi lắm rồi, đủ ăn là hạnh phúc rồi. Còn giàu thì biết mấy cho đủ”. Rót cốc nước lá rừng mời khách, Kôn Khơi bộc bạch: “Mà trường xây to đẹp rứa, con cháu miềng học trong nớ cả, đất thì vẫn còn đó, có mất đi mô. Nói thiệt với cán bộ, miềng ít học nên thiệt thòi đủ thứ, cần việc gì cũng phải nhờ người ta viết giúp và chỉ biết điểm chỉ bằng ngón tay. Vì thế đói nghèo là phải. Con cháu miềng phải hơn miềng chớ”.
Già Kôn Khơi bên ngôi trường mầm non mới được xây dựng trên nền đất ông hiến tặng |
Đến nay, A Xing đã có 15 hộ dân tình nguyện hiến gần 6.000m2 đất để dựng trường cho con em mình tới lớp. Đi tiên phong trong phong trào này phải nhắc đến vợ chồng bà Pỷ Thúy và Hồ Thứ. Ngoài 70 tuổi, hai vợ chồng Pỷ Thúy không khỏi ngậm ngùi khi thấy những đứa trẻ Vân Kiều, Pa Cô dưới chân dãy Kỳ Rý đi học trong điều kiện trường lớp thiếu thốn, chật hẹp. Đem chuyện cắt đất hiến cho xã để xây dựng trường lớp bàn với người hàng xóm là Hồ Thứ, không ngờ mế Pỷ Thúy nhận ngay sự hưởng ứng của Hồ Thứ để hiến hơn 1.000m2 đất, xây dựng trường mầm non A Cha. Mế Pỷ Thúy cười móm mém: “Mế già rồi, cũng không có chi ngoài miếng đất cả. Thấy con cháu mình có chỗ chơi, chỗ học không thua chi mấy cái trường lớp trên ti vi là mế ưng cái bụng rồi”.
Điều làm cho chúng tôi cảm động hơn cả là cuộc sống của những gia đình như Pỷ Toác, Hồ Thứ, Y Thuý, Kôn Khơi... chẳng lấy gì làm dư dả. Họ cũng phải chật vật canh tác trên nương rẫy, cùng đầy âu lo trước những bất trắc của thời tiết, mùa vụ, được giá, mất giá nông sản. Lý do để họ xẻ đất trồng chữ cũng giản dị vô cùng, như mẹ Pỷ Toác giải thích trong ngậm ngùi: “Bốn đứa con của mế không có đứa mô học cho tròn con chữ. Dù mế cũng đã cố công làm lụng nhưng nhà nghèo, trường xa nên chữ cứ rớt dần. Bọn hắn bây chừ đứa mô cũng thuộc diện hộ nghèo. Mế cứ nghĩ, nếu được học hết chữ thì chắc đời bọn hắn cũng sáng hơn chừ, đỡ khổ hơn chừ. Nghĩ rứa mà cắt đất cho xã xây trường thôi”. Nhiều “cái bụng” của đồng bào đã biết nghĩ rằng cái chữ sẽ giúp họ đổi đời, ít nhất là biết trồng cây thế nào cho tốt, cây gì, quả gì thì được giá; biết đọc đơn thuốc của bác sĩ… Câu chuyện về lý lẽ “cái chữ không làm no cái bụng” đã là chuyện của quá khứ. Như để thuyết phục chúng tôi tin vào nhận xét của mình, anh Hồ A Dược - Chủ tịch UBND xã A Xing dẫn chứng: “Hiện có gần 100% con em toàn xã trong độ tuổi đến trường, tỷ lệ này tăng gần 10 lần so với 10 năm về trước”.
Trường mầm non thôn Cu Rông 2 trên đất do bà Pỷ Toác hiến tặng |
Nghĩa cử cao đẹp hiến đất xây dựng trường học, các công trình phúc lợi công cộng được khá nhiều nông dân nghèo ở vùng núi rừng miền Tây Quảng Trị thực hiện. Như câu chuyện dỡ nhà, phá bỏ cả vườn cây đang vào vụ thu hoạch của vợ chồng anh Hồ Văn Phức (trú tại thôn Prin C, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đã khiến cho những người biết chuyện không khỏi cảm động. Giữa thời buổi tấc đất, tấc vàng, gia đình lại thuộc diện hộ nghèo, nhưng anh Phức vẫn quyết định hiến hơn 4.000 m2 đất để xây dựng trường THCS A Dơi. Anh Phức chia sẻ: “Lúc đầu, vợ mình phản đối lắm. Nhà mình nghèo nhất nhì bản, con cái còn nhỏ, chỉ có ngôi nhà và mảnh vườn là đáng giá thôi, hiến đất đi rồi lấy gì mà sống. Phải động viên nhiều lần vợ mình mới chấp thuận. Ai cũng chăm chăm nghĩ đến lợi ích của riêng mình thì làm sao giúp ích bản làng?”. Nguồn cơn để anh Phức quyết định hiến đất xây trường bắt đầu từ nỗi buồn bởi đứa con đầu phải hỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn. Nỗi buồn ấy nhân lên gấp bội khi anh chị thấy một số con em ở xã cũng từ bỏ ước mơ đeo đuổi cái chữ vì điều kiện học hành không đảm bảo. Dỡ nhà, giao vườn cho chính quyền địa phương lấy mặt bằng xây dựng trường học, gia đình anh Phức dựng một căn nhà tạm trên miếng đất nhỏ đối diện với mảnh đất hương hỏa cũ của gia đình. Công trình xây dựng ngôi trường mới ngày một hoàn thiện dần, hứa hẹn những vụ mùa bội thu chữ nghĩa đúng như mong ước của vợ chồng anh Phức.
Những câu chuyện cảm động về nghĩa cử cao đẹp hiến đất xây trường, tạo điều kiện thuận lợi cho con em học tập đã là một minh chứng sinh động về sự thành công của công tác xã hội hóa giáo dục một cách bền vững: bắt đầu từ xã hội hóa nhận thức để xã hội hóa nguồn lực.
... Mà trường xây to đẹp rứa, con cháu miềng học trong nớ cả, đất thì vẫn còn đó, có mất đi mô. Nói thiệt với cán bộ, miềng ít học nên thiệt thòi đủ thứ, cần việc gì cũng phải nhờ người ta viết giúp và chỉ biết điểm chỉ bằng ngón tay. Vì thế đói nghèo là phải. Con cháu miềng phải hơn miềng chớ. |
Nguyên Hoài