“Hiện đại hóa” làng nhang lâu đời nhất Sài Gòn

GD&TĐ - Những ngày này, hai bên đường Mai Bá Hương (xã Lê Minh Xuân, Huyện Bình Chánh, TPHCM) rực rỡ và nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ đã gắn bó với nghề làm nhang đã gần 25 năm.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ đã gắn bó với nghề làm nhang đã gần 25 năm.

Sắc màu vàng rực hòa quyện với mùi thơm của hương vụ Tết làm lòng người thêm náo nức trước thềm Xuân.

Nhộn nhịp vào vụ Tết

Làng nhang Lê Minh Xuân được xem là làng nghề lâu đời nhất TPHCM và còn là một trong những cơ sở sản xuất nhang lớn nhất khu vực Nam Bộ.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn TPHCM, nguồn gốc của nghề nhang là do người Hoa di cư đến Việt Nam mang theo. Tại TPHCM, những khu vực làm nhang nổi tiếng trước đây phân bổ chủ yếu tại Quận 5, Quận 6, với các hang nhang nổi tiếng như hãng nhang AAA, hãng nhang Lưu Hiệp Thành, hãng nhang Trương Kim Thành… là những “thương hiệu” nhang lớn, đầu mối, sản phẩm của những người làm nhang được những đại lý, hãng nhang này thu mua.

Kể từ sau năm 1980, những người làm nhang di dời ra xa thành phố, tìm đến những vùng ven, vì nghề nhang không thể phát triển được tại khu vực đông dân cư, mà sản xuất nhang cũng cần phải cỏ mặt bằng, diện tích khá lớn để sản xuất, đặc biệt là công đoạn phơi nhang chiếm rất nhiều diện tích, một lý do nữa là chủ trương di đời khu vực làm nhang ra xa thành phố là để bảo đảm vấn đề vệ sinh, cảnh quan môi trường, do vậy những người sống bằng nghề nhang phải di dời và sinh sống với nghề nhang dọc theo 2 kênh Xáng như ngày nay.

Những ngày này không khí làm việc của làng nhang Lê Minh Xuân thật rộn rã. Bởi đây là lúc cao điểm của mùa vụ, chuẩn bị nhang cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng. Gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (52 tuổi) là một trong những hộ làm nghề truyền thống lâu đời ở làng. Hàng năm, cứ vào dịp này, có nhiều đơn hàng, vợ chồng bà phải làm ngày, làm đêm mới kịp giao cho xưởng.

Tranh thủ trở nhang trong cái nắng trưa gắt, bà Lệ cho hay do nhà không đầu tư máy sấy, hay quạt nên phải tranh thủ lúc trời nắng đem nhang thành phẩm ra phơi cho kịp khô. Không chỉ phơi mà thỉnh thoảng vài giờ sau phải đảo lên, để nhang khô đều. “Nhiều chỗ họ đầu tư lớn, mua thêm quạt công nghiệp hay máy sấy cho nhanh. Nhà mình không có quạt thì phải đem phơi ngoài nắng, nếu mua quạt công nghiệp cũng tốn khoảng 5 đến 7 triệu đồng/cái, nhà không có đủ để mua”, bà Lệ cho biết.

Theo bà Lệ, trước đây, người dân làm nhang bằng cách se bằng tay, nên năng suất thấp và nhang không đều, mỗi ngày chỉ khoảng 8 đến 10 thiên (mỗi thiên 1.000 cây). Mỗi thiên được trả hơn 4.000 đồng. Nhưng mấy năm trở lại đây, máy làm nhang ra đời đã giúp cho công việc của người dân bớt vất vả, cực nhọc, năng suất tăng cao từ 80 đến 100 thiên/ngày, cây nhang làm ra cũng rất đều, đẹp. Những lúc hút hàng có khi xưởng trả gần 5.000 đồng/thiên để kịp có hàng giao đi các mối ở tỉnh.

Để làm ra một nén nhang thành phẩm có biết bao sự miệt mài, công phu của  người thợ. Không chỉ hòa trộn nhiều nguyên liệu khác nhau, người thợ còn tỉ mẩn với từng công đoạn, từ  lúc đứng máy ra cây nhang đến khi đem phơi hay sấy. Ở làng nghề làm nhang xã Lê Minh Xuân, bột nhang chủ yếu được làm từ mùn cưa của thân cây bầu dó hoặc cây tùng... Khi trộn, người thợ sẽ cho keo vào để kết dính bột nhang, còn mùi hương thì tùy vào mỗi hộ sản xuất hoặc nhu cầu của khách hàng mà nhào trộn cho phù hợp, có hương trầm, hương quế…

Tại xưởng sản xuất nhang của cô Phượng (xã Lê Minh Xuân), anh Trần Ngọc Phúc (43 tuổi) cho biết, làm ở xưởng nhang mới được gần 1 tháng nay. Trước đây đi làm thời vụ cho các khu vườn trồng mía, nay vợ chồng anh chuyển sang làm nhang. “Vợ chồng tôi đều tăng ca từ 3 giờ sáng đến hơn 14 giờ chiều mới nghỉ. Mỗi ngày, chúng tôi cũng có thu nhập khoảng 500.000 đồng”, anh Phúc cho biết.

Thanh Thủy (quê ở An Giang) là công nhân vận hành máy làm nhang, đã làm việc ở đây được hơn 3 năm. Mỗi ngày, Thủy làm từ 3 giờ sáng đến hơn 13 giờ trưa mới nghỉ và được trả khoảng 200.000 đồng/ngày. Vào thời điểm vụ mùa Tết có khi em làm từ 6 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Thời điểm hút hàng em tăng ca đi làm sớm.

“Hiện đại hóa” nghề truyền thống

Theo Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân, làng nghề làm nhang tại xã hiện đã thành lập được 4 tổ hợp tác se nhang với sự tham gia của hơn 120 hộ. Trong 5 năm qua, Hội Nông dân đã giới thiệu cho người dân vay vốn mua máy móc làm nhang với tổng số tiền gần 3,4 tỉ đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ. Nhờ vậy mà hằng năm, lượng nhang sản xuất ở đây khá lớn và được thương lái tin tưởng, thu mua và phân phối đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước. 

Cơ sở của chị Lê Cát Bụi Thúy được xem là nơi sản xuất có quy mô lớn nhất làng nghề với gần 100 công nhân,  hoạt động  hơn 20 năm nay. Mỗi ngày cơ sở này cho ra gần một tấn nhang, bỏ mối khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Anh Minh làm thợ ở đây cho biết máy móc làm nhang liên tục được cải tiến, hiện đại hơn và cho năng suất tăng cao hơn. Nhiều cơ sở sản xuất của làng nghề ở đây đã đầu tư dây chuyền sản xuất làm nhang xuất khẩu đi Ấn Độ, Malaysia.

Theo anh Minh, nguyên liệu tăm nhang của cơ sở được nhập từ Hà Nội, sau khi nhuộm đỏ một phần, tăm nhang sẽ được đem phơi cho khô, còn bột nhang được đặt mua từ các xưởng gỗ ở Bình Dương. Do hàng ngày cần phải làm ra một lượng nhang rất lớn, nên ngoài máy phóng tăm, se nhang, trộn bột, cơ sở này còn đầu tư hẳn một dàn máy sấy hiện đại để thuận lợi những khi trời không có nắng.

Ông Trần Văn Bền (56 tuổi, quê Sóc Trăng) làm công tại đây gần 2 năm chia sẻ, tùy vào số lượng thiên làm ra mà chủ sẽ tính tiền công, có khi được 150.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày. “Công việc làm nhang không nặng nhọc lắm, nhưng đòi hỏi người làm phải khéo léo và kiên trì, bởi những lúc tăm nhang bị nghẽn lại tốn thời gian để tháo căn chỉnh, khi đó phải nhanh chóng xử lý để cho máy hoạt động liên tục mới đạt năng suất cao”, Thanh Thủy chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ