Hiểm họa từ khu cách ly tập trung

GD&TĐ - Cách ly tập trung được cho là giúp ngành Y tế dễ giám sát F1. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc đưa mọi người vào không gian kín có thể khiến dịch bệnh dễ lây lan.

Cơ sở cách ly tập trung tại Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.
Cơ sở cách ly tập trung tại Thuận Thành (Bắc Ninh). Ảnh: Bộ Y tế cung cấp.

Tốc độ “đuổi theo” yếu

Ngày 24/5, Bộ Y tế thông tin thêm hai trường hợp tử vong là bệnh nhân Covid-19. Trong đó, ca tử vong thứ 43 là BN 3015 (nam, 50 tuổi). Đây là trường hợp có tiền sử xơ gan do uống rượu nhiều năm.
Bệnh nhân tử vong vào đêm ngày 23/5 do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm Covid-19. Ca tử vong thứ 44 là BN 4807 (nữ, 38 tuổi). Bệnh nhân được chẩn đoán tử vong do sốc nhiễm khuẩn trên viêm phổi do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển ARDS.

Tháng 4 vừa qua, Việt Nam ghi nhận một nhân viên khách sạn Như Nguyệt 2 (Yên Bái) mắc Covid-19 do lây từ 4 chuyên gia Ấn Độ cách ly tại đây. Song, đây không phải trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh trong khu cách ly tập trung. Trước đó, Hải Dương cũng được coi là “điểm nóng” về lây chéo trong khu cách ly Covid-19.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan rất nhanh, tốc độ lây nhiễm cao. Trong khi đó, tốc độ “đuổi theo”, khoanh vùng của chúng ta đang yếu.

Do đó, nếu cả khu cách ly - nơi được khoanh vùng, để xảy ra lây nhiễm chéo, sẽ là một gánh nặng lớn đối với hệ thống y tế đang phải căng sức ở nhiều nơi. Mối lo hiện tập trung vào địa phương có số ca bệnh tăng nhanh, như Bắc Giang - nơi ghi nhận số F1 phải cách ly tập trung lớn.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), F1 là người có thể trở thành F0. Đồng thời, có thể là người phát tán virus ra môi trường bất cứ lúc nào cho đến khi hết 14 ngày, tính từ lúc tiếp xúc F0 cuối cùng. Do đó, chuyên gia này cho rằng, dù cách ly ở đâu cũng là bảo vệ người xung quanh F1 và rộng hơn là cộng đồng.

“Cách ly trong khu cách ly tập trung mà đông, chật, không đủ chỗ cho giãn cách, không tuân thủ thì từ F1 thành F1 mới, không thành F0 đợt này lại có thể thành F0 đợt sau...”, bác sĩ Khanh cảnh báo.

Cũng theo chuyên gia này, không ít ý kiến cho rằng, cách ly tập trung sẽ dễ giám sát, tuân thủ hơn. Song, thực tế có thể không hẳn là vậy. Dịch bệnh chỉ có thể không lây lan khỏi khu cách ly nếu xét nghiệm đúng.

“Cách ly tại nhà nếu tuân thủ tốt, nếu phát hiện ngay khi thành F0 (có thể xét nghiệm nhiều lần hơn) thì vẫn an toàn. Cách ly tại nhà khó kêu gọi tự giác tuân thủ nên phải giám sát chặt hơn, vì nếu thoát ra cộng đồng thì virus đi rất xa”, bác sĩ Khanh nhận định.

Trong khi đó, theo bác sĩ Phan Xuân Trung - Trung tâm Y khoa MEDIC (TP HCM), cách ly là không cho người chưa nhiễm tiếp xúc với người mắc Covid-19. Bác sĩ Trung cho rằng, không nên cách ly bằng việc di dời người từ nơi này sang nơi khác.

Thay vào đó, có thể cho F0 và F1 mặc màu áo riêng để dễ kiểm soát. Đồng thời, giúp người khác tránh lại gần họ trong thời gian giám sát. F0 và F1 cũng cần được biết về những điều nên và không nên làm trong thời gian cách ly. Nếu vi phạm sẽ chịu hình phạt.

Không để khu cách ly thành “điểm nóng”

Kết quả giải trình tự gen một số mẫu do các địa phương gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho thấy, Đà Nẵng có 30 mẫu thuộc chủng B.1.1.7 của Anh và 2 mẫu thuộc B.1.617.2 của Ấn Độ. Điện Biên có 4 mẫu thuộc chủng B.1.617.2. Trong khi đó, Hải Phòng có một mẫu thuộc chủng B.1.1.7.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, cần “dàn trận” thành 3 mũi để tấn công “giặc” Covid-19. Trước hết, bản thân mỗi người cần thực hiện 5K, nhắc nhở nhau 5K, lắng nghe và thực hiện hướng dẫn mới nhất của ngành Y tế.

Trong khi đó, khối dự phòng cần truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm thần tốc ngay khi nghi ngờ bệnh nhân mắc Covid-19, không chờ kết quả dương tính. Với khối điều trị, tất cả các cơ sở y tế bảo đảm phương tiện phòng hộ, không lơ là, không chần chừ. Cần cách ly xét nghiệm ngay khi có yếu tố nghi ngờ về lâm sàng hay dịch tễ. Đồng thời, báo ngay cho ngành dự phòng phối hợp truy vết.

Bác sĩ Phan Xuân Trung nhận định, cần đặt nhiều quạt gió ở nơi mọi người sinh hoạt, lao động. Bởi, đây được coi là giải pháp chặn đường lây hiệu quả nhất. Trong khi đó, “dồn” mọi người vào không gian kín có thể gây lây nhiễm chéo.

Do đó, theo bác sĩ Phan Xuân Trung, ngành Y tế cần cách ly bệnh nhân theo hướng biệt lập. Cách ly người nghi nhiễm theo hướng cô lập. Đồng thời, chuẩn bị bệnh viện dã chiến. Tránh tuyệt đối việc trộn người nghi nhiễm Covid-19 vào nhóm bệnh nhân nặng trong bệnh viện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ