Hiểm họa khi tự ý chữa bệnh bằng thuốc Nam

GD&TĐ - Không ít trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng vì tự điều trị bằng thuốc Nam.

Theo các chuyên gia, đắp lá cây, thuốc chưa được kiểm chứng vào vết thương, vết bỏng là rất nguy hiểm. Ảnh: BV Nhi Trung ương
Theo các chuyên gia, đắp lá cây, thuốc chưa được kiểm chứng vào vết thương, vết bỏng là rất nguy hiểm. Ảnh: BV Nhi Trung ương

Không ít trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng vì tự điều trị bằng thuốc Nam. Dù các chuyên gia đã cảnh báo nhiều, song thuốc Nam vẫn được nhiều người coi như “cứu tinh” điều trị bách bệnh.

Nhiễm trùng nặng nề

Mới đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận trường hợp người bệnh L.V.B. (59 tuổi trú tại Yên Thanh - Uông Bí) vào viện trong tình trạng vết thương vùng lưng trái nhiễm trùng tấy đỏ, chảy dịch. Người bệnh cho biết, trước đó có đi châm cứu do đau vùng thắt lưng. Sau khoảng 10 ngày, vùng châm cứu sưng đau nhiều.

Thay vì đến viện để thăm khám và điều trị, người bệnh đã tự chữa bằng cách đắp thuốc theo nhiều người mách. Sau đắp thuốc, tình trạng đau nhức không thuyên giảm mà xuất hiện tấy đỏ, chảy dịch. Lúc này, người bệnh mới đến bệnh viện để khám và điều trị.

Chia sẻ về trường hợp này, bác sĩ Vũ Trung Kiên - phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, việc người bệnh tự điều trị bằng cách châm cứu tại các cơ sở y tế không đảm bảo đã là một nguy cơ tiềm ẩn nhiễm trùng. Hơn nữa, bệnh nhân còn tự ý đắp thuốc vào các vết thương hở. Điều đó càng nguy hại. Tại bệnh viện, đã có những trường hợp bệnh nhân có các vết thương hở bị nhiễm trùng, biến chứng nhiễm trùng máu do tự đắp thuốc.

Khiến vết thương nặng thêm

Chỉ gõ cụm từ “3 đời chữa bệnh”, “thuốc Nam gia truyền”, người tìm kiếm có thể thấy hàng nghìn quảng cáo thuốc với ngôn từ “có cánh” như: “uống 1 lần khỏi ngay”, “bệnh biến mất vĩnh viễn”, “không cần đến viện đã khỏi”, “tiểu đường tuýp mấy cứ gặp tôi là được chữa khỏi”, “điều trị tận gốc”, “cam kết chữa khỏi 100%”, “không khỏi hoàn lại tiền”...

Với những lời “hoa mỹ” này, không ít người bệnh tin và mua thuốc về tự điều trị. Thậm chí, trẻ em cũng là nạn nhân của việc đắp thuốc Nam điều trị tại nhà. Cụ thể, bệnh nhi K.T.N.V (8 tuổi, ở Quỳ Hợp, Nghệ An) bị bỏng điện 1% độ IV gây tổn thương bỏng mô cái và ngón 4 bàn tay phải.

Sau khi trẻ bị bỏng điện, gia đình tự điều trị cho con bằng cách đắp thuốc. Tuy nhiên, sau khi thấy tình trạng không đỡ, gia đình đã đưa trẻ nhập viện để điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.

Tại đây, bác sĩ Nguyễn Văn Thưởng, Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng cho biết: “Trẻ bị bỏng điện, nhưng do người nhà tự ý điều trị tại nhà nên bé bị nhiễm trùng nặng, ngón tay mất hết gân và lộ xương. Điều đó dẫn tới việc điều trị rất khó khăn, dễ để lại hậu quả đáng tiếc cho trẻ”.

Một trường hợp khác là bé gái B.H. (18 tháng tuổi) bị bỏng nước sôi tại vùng ngực. Thay vì đưa trẻ đi điều trị tại cơ sở y tế, mẹ bé nghe lời người quen, mang con đến nhà thầy lang đắp thuốc Nam. Ngày thứ 4 sau khi đắp thuốc, thấy con sốt cao, mẹ bé mới đưa con đến viện tỉnh, rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bỏng nước sôi độ II-III nhiễm trùng.

Đây chỉ là hai trường hợp điển hình trong số rất nhiều gia đình đã và đang cho con sử dụng các loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc để điều trị. BSCKII.ThS Phùng Công Sáng - Phụ trách Đơn vị Bỏng, Phó Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương lý giải, đắp lá cây, các loại thuốc điều trị theo kinh nghiệm mà chưa được kiểm chứng và không đảm bảo sạch vào vết thương, vết bỏng là việc làm rất nguy hiểm. Việc làm này có thể khiến tổn thương nặng thêm, viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không nhiễm trùng thành nhiễm trùng.

Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng đó có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra các biến chứng như: Viêm mủ màng tim, màng não, viêm mủ màng phổi, áp xe phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời cho trẻ…

“Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhi. Nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời khi trẻ mới bị bỏng, sơ cứu tốt thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn nhiều và cũng đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian của gia đình. Tuy nhiên, do gia đình đưa đến bệnh viện muộn, vùng bỏng bị nhiễm trùng nặng đã hoại tử sâu, việc điều trị phức tạp hơn, có khi còn phải phẫu thuật nhiều lần và để lại di chứng cho trẻ sau này”, bác sĩ Sáng cho hay.

Trước việc liên tiếp các ca bệnh nhập viện với triệu chứng nặng sau khi sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc, các bác sĩ cảnh báo, việc sử dụng thuốc Nam trôi nổi rất nguy hiểm. Nếu sản phẩm có những thành phần độc hại, thì sẽ làm tổn thương gan, thận.

Đồng thời, có thể khiến người dùng bị suy gan, suy thận. Nguy hiểm hơn, hiện có tình trạng trộn các chất cấm, chất có hại cho cơ thể vào thuốc Nam, dẫn đến các tác hại khôn lường tới sức khỏe của người bệnh, có khi dẫn đến tử vong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ