Hiểm họa khi phụ nữ có bầu coi thuốc bổ như 'thần dược'

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, việc lạm dụng quá nhiều loại thuốc bổ có thể khiến bà bầu mệt mỏi, táo bón, tăng gánh nặng cho gan…

Trên các hội, nhóm Facebook, không ít mẹ bầu đăng thanh lý thuốc bổ. Ảnh chụp màn hình
Trên các hội, nhóm Facebook, không ít mẹ bầu đăng thanh lý thuốc bổ. Ảnh chụp màn hình

Mong muốn con được khỏe mạnh, thông minh và cũng cho rằng, uống thuốc bổ “không bổ ngang cũng bổ dọc” nên nhiều phụ nữ khi vừa mang thai lập tức uống thuốc bổ một cách “vô tội vạ”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc lạm dụng quá nhiều loại thuốc bổ có thể khiến bà bầu mệt mỏi, táo bón, tăng gánh nặng cho gan…

Tùy tiện dùng thuốc bổ

Không muốn con sinh ra nhẹ cân, lúc nào cũng trong tình trạng gần suy dinh dưỡng, lại còn quấy khóc như bé đầu... nên ngay khi biết mình có bầu lần thứ 2, chị Nguyễn Khánh Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đầu tư rất nhiều vào việc mua thuốc bổ, từ sắt, canxi đến axit folic, viên uống omega 3-6-9...

Không tiếc tiền đầu tư đã đành, nhưng việc phải uống quá nhiều loại trong khi đang nghén khiến chị luôn phải nhắm mắt nhắm mũi uống. Nữ phụ huynh này chia sẻ, chị cố gắng uống càng nhiều thuốc bổ càng tốt, với mong muốn con sinh ra sẽ thông minh, khỏe mạnh, cao lớn vượt trội.

Thế nhưng, bổ đâu chưa thấy, chỉ thấy sau 2 tháng uống thuốc bổ, chị Linh đã phải cầu cứu bác sĩ vì bị táo bón kéo dài, người mệt mỏi. Sau quá trình thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán, chị Linh bị thừa sắt và canxi do tự ý bổ sung quá liều.

Thực tế, hiện tượng thai phụ tự mua viên sắt, canxi, vitamin tổng hợp về uống khá phổ biến. Với tâm lý “phòng hơn chống”, uống vào chỉ có tốt chứ chẳng gây hại gì nên nhiều bà bầu đã uống quá nhiều, thậm chí quá liều các loại thuốc bổ này. Trên mạng xã hội Facebook, có hàng loạt hội, nhóm được thành lập, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm sử dụng thuốc bổ khi mang thai. Những hội nhóm này có sự tham gia đông đảo của người dùng mạng xã hội.

Đặc biệt, các mẹ bầu “vô tư” đăng bán lại thuốc bổ sau khi dùng, với những lý do như: Sử dụng không hợp, dùng còn thừa… Có cầu ắt có cung, không ít mẹ bầu bình luận mua lại những loại thuốc bổ thanh lý này, với lý do muốn tiết kiệm, tránh tốn kém.

“Lợi bất cập hại”

Thực tế, việc tự ý sử dụng thuốc bổ khi mang thai có thể mang lại hệ lụy cho sức khỏe. Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ngoài chế độ dinh dưỡng, nhiều người đã tìm tới sự giúp đỡ của các loại thuốc bổ khi mang thai. Tuy nhiên, việc này có thể gây hại nhiều hơn là lợi. Thực tế, uống quá nhiều thuốc bổ khi mang thai không tốt như nhiều người nghĩ.

“Việc sử dụng thuốc nói chung đối với phụ nữ có thai là hết sức quan trọng. Trước hết, phải bảo đảm sức khỏe cho mẹ và an toàn cho thai nhi. Đối với thuốc bổ, trước hết cần phải hiểu thế nào là thuốc bổ? Đây là từ dân gian thường dùng. Thực ra, đó là những thuốc bổ sung, hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho người mẹ trong khi có thai, làm cho mẹ khỏe hơn và một phần thuốc qua bánh rau làm cho thai phát triển tốt hơn”, chuyên gia giải thích.

Tuy nhiên, không ít mẹ bầu thường dùng nhiều loại thuốc bổ và thực phẩm chức năng cùng lúc với hy vọng tăng cường sức khỏe. Lý giải về việc liệu cách làm này có thật sự an toàn, bác sĩ Thành cho biết, các loại thuốc bổ thường chứa hàm lượng dưỡng chất cao. Do đó, việc kết hợp nhiều loại có thể dẫn đến tình trạng thừa chất, đặc biệt là sắt và vitamin A, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Ngoài ra, việc hấp thu quá nhiều sắt cũng không tốt cho cả mẹ và bé. Phụ nữ mang thai được khuyến cáo bổ sung khoảng 27 mg sắt mỗi ngày. Lượng sắt tối đa không nên vượt quá 45 mg mỗi ngày để tránh các tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn, và nguy cơ tích tụ sắt trong gan, thận.

Sắt là yếu tố quan trọng giúp tạo máu. Tuy nhiên, nếu bổ sung quá nhiều có thể gây ra tích tụ sắt nguy hiểm. Cụ thể, khi cơ thể nhận quá nhiều sắt, chất này có thể tích tụ ở gan và thận, tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu, và dị tật thai nhi. Ngoài ra, tình trạng thừa sắt còn có thể gây táo bón, buồn nôn và các vấn đề tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu.

Để bổ sung dưỡng chất đúng cách, mẹ bầu được khuyến cáo lắng nghe lời khuyên từ bác sĩ. Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc bổ nào, mẹ bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp. Ngoài ra, không nên tự ý tăng liều lượng. Thay vào đó, cần tuân thủ đúng hướng dẫn trên nhãn sản phẩm hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Mẹ bầu cũng nên chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín và đảm bảo chất lượng. Đồng thời, kết hợp ăn uống lành mạnh. Trong đó, tăng cường dinh dưỡng từ thực phẩm tự nhiên, giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất mà không cần quá phụ thuộc vào thuốc bổ.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong quá trình mang thai, mẹ bầu có thể ăn những thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt, cá, trứng, các loại nhuyễn thể như nghêu, sò, ốc, hến, trong ngũ cốc, đậu đỗ các loại, phủ tạng, đặc biệt là tiết.

Đối với canxi, lượng ăn vào được khuyến cáo là 800 - 1.000 mg mỗi ngày trong suốt thời gian mang thai và cho con bú. Canxi có nhiều trong tôm, cua, cá, sữa và chế phẩm của sữa. Để tăng thêm canxi trong khẩu phần, phụ nữ mang thai cần uống thêm sữa giàu canxi và các sản phẩm chế biến từ sữa như sữa chua, phomat.

Đối với kẽm, nhu cầu của phụ nữ mang thai là 15mg/ngày. Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá, hải sản. Các thức ăn thực vật cũng có kẽm nhưng hàm lượng thấp và hấp thu kém.

Ngoài ra, nhu cầu iốt của phụ nữ mang thai là 175 – 200 mcg iốt/ngày. Nguồn thức ăn giàu iốt là những thức ăn từ biển như cá biển, sò, rong biển... Ngoài ra, phụ nữ mang thai được khuyến cáo sử dụng muối, bột canh có tăng cường iốt.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, với phụ nữ mang thai, ngoài siêu âm, cần đi khám thai định kỳ để được sử dụng thuốc, vitamin bổ sung phù hợp theo giai đoạn của thai kỳ. Nhu cầu bổ sung dinh dưỡng ở mỗi giai đoạn thai kỳ là khác nhau. Mục tiêu bổ sung dinh dưỡng, vitamin là để phù hợp với người phụ nữ mang thai, cần tới đâu sử dụng đến đó. Qua đó, không gây ra tình trạng thiếu, thừa, không tốt cho thai phụ và em bé.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em có nhu cầu đặc biệt cần nhiều thời gian hơn để thích nghi với hoàn cảnh mới. Ảnh minh họa: INT.

Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập

GD&TĐ - Phụ huynh có con tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường xung quanh. Nhiều trẻ gặp khó khăn trong tương tác xã hội...

Tin tức báo in 27/9:

Tin tức báo in 27/9:

GD&TĐ - Tổng hợp tin bài mới và hay nhất trên báo giấy Giáo dục và Thời đại số 233 ngày 27/9/2024.

Minh họa/INT.

AI và sự mất mát

GD&TĐ - Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhà văn lớn đã dự báo về sự hủy diệt mà máy móc dành cho con người.