Đối với thai phụ mắc sốt xuất huyết (SXH), việc đề phòng biến chứng rất quan trọng, vì mẹ có thể truyền bệnh cho thai nhi. SXH cũng có thể dẫn đến thai chết lưu, sinh non hoặc các biến chứng sức khỏe khác ở trẻ sơ sinh.
Ca mắc tăng mạnh
Trong tuần qua, cả nước ghi nhận hơn 5.600 ca mắc SXH. Trong đó, Hà Nội ghi nhận 2.400 trường hợp SXH với 95 ổ dịch, chiếm gần một nửa số ca mắc của cả nước.
Tính từ đầu năm đến ngày 24/9, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 12.776 trường hợp mắc SXH tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 547/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 94,5% số xã, phường, thị trấn). Có 3 trường hợp tử vong tại Hà Đông, Hoàn Kiếm và Quốc Oai.
Hai cơ sở của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho gần 200 bệnh nhân SXH. Trong đó, có 4 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy. Tương tự, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai, số ca bệnh SXH đã chiếm 1/3 bệnh nhân điều trị tại đây.
Một trường hợp nguy kịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là sản phụ mang thai 34 tuần mắc SXH. Sau hai ngày nhập viện, sản phụ chuyển dạ và được mổ lấy thai. May mắn là SXH không lây sang trẻ. Sau khi theo dõi, trẻ đã ổn định và được ra viện. Trong khi đó, người mẹ sau hai tuần điều trị cũng đã qua nguy kịch, dự kiến cai thở máy trong vài ngày tới.
Theo bác sĩ Trịnh Văn Du - Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện, bệnh SXH nguy hiểm đối với tất cả mọi người. Song, đối với thai phụ, việc đề phòng biến chứng rất quan trọng, vì mẹ có thể truyền bệnh cho thai nhi.
SXH không phải nguyên nhân gây dị tật thai nhi. Song, bệnh có thể dẫn đến thai chết lưu, sinh non hoặc các biến chứng sức khỏe khác ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, virus này còn có thể truyền từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc khi sinh và có thể cần phải mổ lấy thai.
Diễn biến của bệnh SXH ở phụ nữ mang thai cũng rất khó lường và trở nặng nhanh chóng. Triệu chứng của bệnh SXH bắt đầu là dấu hiệu sốt cao liên miên từ 4 - 7 ngày. Thai phụ sẽ cảm thấy đau nhức đầu dữ dội, đau các khớp cơ, buồn nôn, người mệt mỏi, chán ăn.
Giai đoạn nguy hiểm của bệnh thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Thời gian này, thai phụ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể kèm theo đau bụng, đại tiện ra phân đen, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu niêm mạc,… Lúc này, cơ thể thai phụ đã giảm tiểu cầu đến mức xuất huyết.
Triệu chứng nặng nhất của bệnh SXH là sốc. Thân nhiệt của thai phụ tụt xuống dưới 35 độ C, cơ thể chảy máu ồ ạt, huyết áp tụt nhanh chóng. Mất máu quá nhiều, huyết tương tăng nhanh khiến phổi bị tràn màng dịch. Đồng thời, cơ thể người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê do não phù, nguy hiểm tới tính mạng.
Nếu trở nên nghiêm trọng, bệnh SXH có thể kết hợp với rò rỉ huyết tương dư thừa, xuất huyết hoặc suy các cơ quan trong cơ thể. SXH ở thai phụ có thể sinh ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, suy thận, suy gan, rối loạn đông máu…
“Hạ tiểu cầu là triệu chứng thường thấy ở SXH. Tình trạng này đe dọa đến tính mạng cả thai phụ và thai nhi, có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như: Chảy máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật… Trẻ sơ sinh cũng có thể bị thiếu hụt tiểu cầu trong những ngày đầu, thậm chí kéo dài vài tuần sau sinh nếu mẹ bị tiểu cầu hạ”, bác sĩ Du cho biết.
Trẻ vẫn có thể bú sữa mẹ
“Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát ca bệnh, giám sát ổ dịch và tình hình muỗi truyền bệnh. Từ đó, đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch. Bên cạnh đó, CDC Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức giám sát SXH tại các khu vực nguy cơ, khu vực ổ dịch. Đến ngày 21/9, đã giám sát 720 lượt điểm thuộc 5 khu vực theo đặc điểm nhà ở, dân cư”.
Chuyên gia này nhấn mạnh, thai phụ có khả năng miễn dịch thấp nên dễ bị nhiễm trùng và mắc bệnh hơn. Do đó, trong giai đoạn cao điểm của SXH, thai phụ và người thân nên tránh đi du lịch đến những khu vực có nguy cơ lây nhiễm bệnh khá cao.
Nếu tiếp xúc với người SXH, có dấu hiệu bệnh, thai phụ cần được chăm sóc y tế đúng cách, đặc biệt là những thai phụ gần đến ngày dự sinh hoặc ngay sau khi sinh. Đây là nhóm có nguy cơ cao nhất và cần được theo dõi chặt chẽ.
“Phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc bệnh SXH cần được bổ sung nước, hạ sốt hợp lý, nghỉ ngơi và bồi bổ. Đồng thời, cần được các bác sĩ theo dõi liên tục, thận trọng”, chuyên gia khuyến cáo.
Bên cạnh đó, về chế độ dinh dưỡng cho thai phụ bị SXH, bác sĩ Trịnh Văn Du khuyến cáo, cần tăng lượng chất lỏng, cùng với các loại muối thiết yếu có vai trò quan trọng trong cơ thể. Mẹ bầu có thể uống nước dừa, oresol, nước trái cây, thức ăn nấu với nước uống sạch, ít nhất 3 lít mỗi ngày. Dinh dưỡng cũng giúp cân bằng lượng chất lỏng trong phôi thai để chăm sóc em bé.
Các triệu chứng SXH trong suốt thai kỳ không khác so với người bình thường. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của tình trạng này có thể tăng lên ở phụ nữ có thai. Do đó, thai phụ cần được nhân viên y tế chăm sóc và theo dõi liên tục.
Để an toàn cho cả mẹ và thai nhi, thuốc hạ sốt cần phải đúng liệu lượng theo chỉ định của bác sĩ. Trẻ có mẹ được chẩn đoán bị mắc SXH giai đoạn trước sinh hoặc khi sinh cần được theo dõi chặt chẽ để hạn chế nguy cơ lây truyền.
“Nguy cơ lây truyền virus SXH từ mẹ sang con qua sữa mẹ là không đáng kể. Do đó, nếu mẹ bị nhiễm SXH vẫn có thể duy trì cho con bú. Ở một vài trường hợp, như người mẹ bị bệnh SXH nặng, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ sơ sinh bú sữa công thức hoặc sữa ngoài”, chuyên gia chia sẻ.