Trong một phân tích mới đây, CNN đã đưa ra các bằng chứng cho thấy chiến dịch tiêu diệt các thủ lĩnh Hezbollah của Israel dường như là một phương pháp sai lầm và đi theo "vết xe đổ" của người Mỹ.
Cho đến nay, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đã thành công tiêu diệt 7 thủ lĩnh của nhóm phiến quân Hezbollah.
Chiến lược này đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu các "cuộc tấn công chặt đầu", tức là nhằm vào những thủ lĩnh của các nhóm phiến quân có làm họ tê liệt không? Câu trả lời là không thực sự đúng.
Từ lịch sử của chính Israel đã cho thấy những cuộc tấn công như vậy không phải luôn thành công để tiêu diệt một nhóm chiến binh.
Năm 2008, Israel đã giết chết thủ lĩnh quân sự của Hezbollah , Imad Mughniyeh, tại Damascus (Syria). Và sau đó nhóm này đã tiếp tục tập hợp sức mạnh.
Vào năm 2004, Israel đã giết chết một người sáng lập Hamas - Sheikh Ahmed Yassin, trong một cuộc không kích. Tuy nhiên, nhóm này không sụp đổ, và gần hai thập kỷ sau, họ vẫn thực hiện các cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 tại Israel, giết chết khoảng 1.200 người Israel chỉ trong một ngày.
Gần đây hơn, vào tháng 7, Israel cho biết họ đã giết chết một trong những kẻ chủ mưu vụ tấn công ngày 7 tháng 10, Mohammed Deif, một chỉ huy quân sự chủ chốt của Hamas, nhưng nhóm chiến binh này vẫn tiếp tục chiến đấu ở Gaza.
Israel có thể nhìn tiếp sang Mỹ, quốc gia có lịch sử dài kỳ về việc giết hại những thủ lĩnh của các nhóm phiến quân/ khủng bố với hy vọng rằng điều đó sẽ làm tê liệt kẻ thù của mình.
Khi Abu Musab al-Zarqawi, thủ lĩnh của al- Qaeda ở Iraq, bị giết trong một cuộc không kích của Mỹ vào năm 2006, điều này được coi là một bước đột phá lớn vì al-Qaeda ở Iraq đã góp phần đáng kể vào cuộc nội chiến đang xé nát đất nước này.
Tuy nhiên, 8 năm sau, al-Qaeda ở Iraq cuối cùng đã biến thành Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, chiếm lãnh thổ có diện tích bằng Bồ Đào Nha và cai quản dân số khoảng 8 triệu người ở Iraq và Syria. IS cũng đã thực hiện các cuộc tấn công khủng bố tàn khốc ở phương Tây, ví dụ như ở Paris năm 2015 khiến 130 người thiệt mạng.
Điều thực sự chấm dứt lực lượng này về mặt địa lý không phải là một cuộc tấn công vào ban lãnh đạo của chúng mà là một chiến dịch trên bộ chống lại quân đội khủng bố từ năm 2014 đến năm 2019 do quân đội Iraq và lực lượng người Kurd Syria tiến hành, với sự hậu thuẫn của hàng nghìn quân lính Mỹ và sức mạnh không quân đáng kể của Mỹ. Căn cứ của IS, thành phố lớn thứ hai ở Iraq, Mosul, đã bị phá hủy phần lớn trong cuộc chiến này.
Ví dụ khác là vào tháng 5 năm 2016, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã cho phép một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Pakistan, giết chết thủ lĩnh chung của Taliban, Mullah Akhtar Mohammad Mansour. Tuy nhiên, ngày nay, Taliban kiểm soát toàn bộ Afghanistan.
Vào đầu tháng 1 năm 2020, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã ra lệnh tấn công giết chết Qasem Soleimani tại Baghdad (Iraq), người là Chỉ huy Lực lượng Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, người đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ của Iran với các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực như Hezbollah, Hamas, Houthis ở Yemen và lực lượng dân quân Shia ở Iraq.
Sau khi ông Soleimani bị giết, Tổng thống Trump cho biết: “Soleimani đã lên kế hoạch tấn công sắp xảy ra và nham hiểm vào các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ, nhưng chúng tôi đã bắt quả tang và tiêu diệt ông ta”.
Tuy nhiên, cái chết của người đàn ông này không ảnh hưởng lâu dài đến quyền lực và tham vọng của Iran trong khu vực. Hezbollah, Hamas và Houthis ở Yemen vẫn tiếp tục các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Israel và lực lượng dân quân Shia vẫn tiếp tục các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq.
Điều gì có thể vô hiệu hóa một nhóm khủng bố?
Theo nhà phân tích của CNN, điều có thể làm tê liệt một nhóm khủng bố là một chiến dịch liên tục nhằm tiêu diệt càng nhiều thủ lĩnh và quản lý ở cấp trung càng tốt.
Ví như, dù al-Qaeda hoạt động chính ở Iraq nhưng một chiến dịch máy bay không người lái của CIA được tăng cường vào năm 2008 tại các vùng bộ lạc của Pakistan giáp biên giới Afghanistan đã giết chết nhiều thủ lĩnh của al-Qaeda và khiến nhóm này gián đoạn hoạt động một thời gian dài.
Các tài liệu thu thập được từ lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ đã tiêu diệt Osama bin Laden tại khu nhà của ông ta ở Abbottabad, Pakistan, vào năm 2011 cho thấy, thủ lĩnh al-Qaeda thường xuyên viết thư cho những người theo ông ta sống ở các vùng bộ lạc của đất nước, thúc giục họ chỉ di chuyển vào những ngày nhiều mây, khi máy bay không người lái kém hiệu quả.
Do đó, bin Laden đã lên kế hoạch đưa tất cả những người theo ông ta ra khỏi vùng bộ lạc và tái định cư họ ở những nơi khác của Pakistan.
Cái chết của Bin Laden chắc chắn đã góp phần vào việc làm suy yếu sức hấp dẫn của al-Qaeda đối với những kẻ khủng bố ở cấp thấp vốn đã tuyên thệ trung thành với ông ta. Nhưng việc thiếu đi các thủ lĩnh cấp trung vốn định hướng và lên kế hoạch tấn công mới là yếu tố then chốt của việc phá vỡ hoạt động của nhóm khủng bố.
Với trường hợp của Hezbollah, đây là một nhóm hoàn toàn khác.
CNN cho biết, Hezbollah đã tồn tại trong 4 thập kỷ và được Iran hậu thuẫn, đây là một nhân tố chủ chốt trong khu vực và có quân đội khoảng 30.000 binh sĩ được trang bị kho vũ khí lớn, bao gồm khoảng 150.000 tên lửa và rocket.
Việc IDF giết chết thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah là quan trọng đối với Israel. Nhưng vẫn còn quá sớm để loại bỏ nhóm chiến binh này. Lịch sử cho thấy nhóm này sẽ tái tổ chức và bổ nhiệm các nhà lãnh đạo khác để tiếp tục cuộc chiến lâu dài chống lại Israel.