Hệ thống tự động vận chuyển thuốc và y cụ trong bệnh viện

GD&TĐ - Nhóm nghiên cứu kỳ vọng hệ thống sẽ được lắp đặt ở tất cả các bệnh viện lớn để giảm tải nhân lực cũng như hạn chế tiếp xúc trong thời kỳ dịch bệnh.

Hệ thống vận chuyển thuốc và y cụ trong bệnh viện của Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách Khoa TPHCM.
Hệ thống vận chuyển thuốc và y cụ trong bệnh viện của Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách Khoa TPHCM.

Để giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc chữa bệnh, các nhà khoa học Việt đã sáng chế hệ thống tự động vận chuyển thuốc và y cụ.

Vận chuyển thuốc tự động đi các khoa

TS Phạm Văn Anh, Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách Khoa TPHCM cho biết, tại Việt Nam, tình trạng quá tải bệnh nhân ở các tuyến bệnh viện lớn trực thuộc Trung ương đã gây ra áp lực đáng kể lên đội ngũ nhân viên y tế, nhất là các nhân viên điều dưỡng trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc và khám chữa bệnh.

Việc thiếu hụt nhân lực cũng khiến cho đội ngũ nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn thường xuyên phải làm việc ngoài giờ và tập trung cao độ bởi khối lượng công việc quá tải.

Từ thực trạng đó, nhu cầu về một hệ thống vận chuyển thuốc và y cụ tự động để thay thế cho nguồn nhân lực vốn đã hạn chế tại bệnh viện là vô cùng cần thiết. Điều này giúp họ phần nào giảm được áp lực và tập trung vào các công việc chuyên môn cũng như chăm sóc bệnh nhân hiệu quả hơn.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, các phương án vận chuyển thuốc, y cụ đang triển khai trong nước và ngoài nước đều có những ưu nhược điểm riêng. Hầu hết các phương pháp vận chuyển thuốc và y cụ của các bệnh viện trong nước vẫn còn thô sơ, dùng sức người là chính.

Ngoài ra, hệ thống vận chuyển mẫu bằng khí nén (PTS) đã được nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM trang bị. PTS là hệ thống dùng để vận chuyển các mẫu xét nghiệm từ khoa này đến các khoa khác. Hệ thống này tạo các đường hút và đẩy nhằm tạo chuyển động cho carrier trong hệ thống đường ống.

TS Phạm Văn Anh cho biết, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Bệnh viện Quận 11, thiết kế, triển khai hệ thống vận chuyển thuốc và y cụ tự động. Hệ thống được thiết kế dựa trên nền tảng hệ thống ray dẫn của Telelift và dựa trên điều kiện thực tế, nhằm vận chuyển các thùng thuốc từ trạm đến trạm. Hệ thống bao gồm 3 trạm tương ứng với khoa Dược, khoa ICU và khoa Nhi trong Bệnh viện Quận 11.

Khả năng mang tải tối đa của thùng thuốc (dự kiến) là 7kg; tốc độ vận chuyển tối đa khoảng 0,3 - 0,5m/s. Thùng thuốc sẽ nằm trên hệ thống truyền động. Hệ thống có khả năng vận chuyển liên tục và có thể có nhiều thùng thuốc cùng di chuyển trên toàn bộ hệ thống.

Nhóm đã nghiên cứu thiết kế hệ thống điện đảm bảo tính mô-đun; nghiên cứu giải thuật điều khiển để vận hành hệ thống. Ngoài vận chuyển thuốc, hệ thống cũng có thể vận chuyển y cụ phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Giải bài toán thiếu hụt nhân lực y tế

Theo TS Phạm Văn Anh, hệ thống được nghiên cứu và triển khai giúp giảm áp lực cho các điều dưỡng trong việc vận chuyển thuốc so với phương pháp vận chuyển thủ công. Hệ thống cũng giúp dễ quản lý chất lượng thuốc và y cụ trong quá trình vận chuyển giữa các khoa.

Hệ thống tự động hóa, hoạt động liên tục và chính xác không chỉ giúp giảm bớt một khối lượng công việc tốn nhiều thời gian, công sức của điều dưỡng, mà còn có ý nghĩa trong tình hình dịch bệnh như hiện nay khi hoạt động di chuyển, tiếp xúc được hạn chế tối đa.

Nhóm đã tiến hành lắp đặt một hệ thống thu nhỏ tại Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách Khoa (BK - RECME) so với sa bàn tại Bệnh viện Quận 11 nhưng vẫn giữ được toàn bộ đặc trưng tương tự như hệ thống thực tế. Hệ thống bao gồm 3 trạm tương ứng với khoa Dược, khoa ICU và khoa Nhi được dẫn động bằng hệ các mô-đun băng tải được treo lên cao.

Nhóm đã thực nghiệm khả năng vận chuyển thùng thuốc của hệ thống và rút ra được những điểm cần lưu ý. Các vấn đề được nghiên cứu để điều chỉnh như việc đảo chiều băng tải, thiết kế cơ khí tại những góc 90°, độ trôi của động cơ băng tải đứng do quán tính của đối trọng, bố trí cảm biến trên băng tải sao cho phù hợp để tránh hiện tượng quét 2 lần, vị trí nguy hiểm của băng tải nâng hạ...

Từ các vấn đề phát sinh ở hệ thống thực tế sau khi lắp đặt, nhóm đã tiến hành cân chỉnh phần lắp đặt cơ khí để hoạt động.

Nhóm cũng hoàn thành chương trình điều khiển hệ thống bao gồm giao diện người dùng, được xây dựng trên phần mềm Qt Creator. Chương trình điều khiển PLC để điều khiển hoạt động của toàn bộ các mô-đun băng tải trong hệ thống. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng hệ thống sẽ được lắp đặt ở tất cả các bệnh viện lớn để giảm tải nhân lực cũng như hạn chế tiếp xúc trong thời kỳ dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Bánh dợm

GD&TĐ - Khi nhìn tới cái tên lạ lẫm 'bánh dợm', lần đầu được nghe cô bán hàng mô tả 'giống bánh giầy nhưng có thêm nhân', nó liền náo nức chọn.