Cô giáo Điện Biên sáng chế máy phân loại và bóc vỏ quả mắc ca

GD&TĐ - Cô giáo Lò Thị Hòa, Trường THCS Chiềng Đông (Tuần Giáo - Điện Biên) đã sáng chế máy phân loại quả theo kích cỡ và bóc vỏ quả mắc ca xanh.

Máy phân loại theo kích thước và bóc quả mắc ca xanh của cô Lò Thị Hòa.
Máy phân loại theo kích thước và bóc quả mắc ca xanh của cô Lò Thị Hòa.

Gia tăng giá trị cho “cây thoát nghèo”

Cô giáo Lò Thị Hòa chia sẻ, Tuần Giáo là một trong những huyện tiên phong trong phát triển cây mắc ca, cây táo mèo và hiện là địa phương có diện tích trồng hai loại cây này lớn nhất tỉnh Điện Biên.

Cây mắc ca và cây táo mèo (sơn tra) đã trở thành một loài cây trồng chính giúp người dân nơi đây thoát nghèo. Tuy nhiên khi thu hoạch, người nông dân tốn rất nhiều công sức để phân loại quả theo kích thước. Nếu không phân loại được thì khi bán sẽ không được giá.

Một vấn đề nữa theo cô Hòa thì mắc ca là loại quả có độ cứng khá lớn, khiến việc bóc vỏ gặp nhiều khó khăn. Năng suất bóc vỏ xanh mắc ca thủ công vô cùng thấp, không hiệu quả và khiến người dân tốn nhiều chi phí.

“Chính vì đều này mà tôi rất trăn trở, nghiên cứu sáng chế máy bóc vỏ mắc ca và phân loại quả theo kích cỡ, nhằm giúp người dân khắc phục được những trở ngại trên. Máy sẽ giúp giảm nhân công lao động, góp phần tăng giá trị, chất lượng sản phẩm”, cô Hòa chia sẻ.

Máy bóc vỏ mắc ca và phân loại quả theo kích cỡ có thể bóc được vỏ xanh của quả mắc ca và phân loại quả (mắc ca, táo mèo) theo kích thước như mong đợi cho người nông dân sau thu hoạch và trước khi mang đi bán. Máy bóc vỏ mắc ca và phân loại quả cho hộ gia đình có kích thước tổng thể dài 60cm; rộng 51cm; cao 120cm.

Máy gồm 2 phần. Phần bóc vỏ xanh mắc ca có kết cấu gồm trên cùng là thùng đựng quả. Khi đổ mắc ca vào thùng để bóc vỏ, bật cầu dao điện mô-tơ sẽ chạy kéo theo guồng xoay bên trong hoạt động. Quả mắc ca từ trên thùng chảy xuống guồng xoay này sẽ gây tách lớp vỏ ngoài. Sau đó, cả vỏ và hạt cùng được đẩy ra bộ phận sàng, tách biệt lớp vỏ và hạt đi ra hai lối khác nhau.

Phần phân loại quả có cấu tạo là 2 chiếc sàng với kích cỡ khe sàng của mỗi chiếc khác nhau, một giá đổ quả táo vào và ba phễu hứng sản phẩm ra; phần 3 là hệ thống chuyển động gồm một mô-tơ giảm tốc có chức năng quyết định tốc độ quay của các sàng lọc quả.

Cô Lò Thị Hòa chia sẻ, máy được chế tạo đơn giản, nhỏ gọn, sử dụng an toàn, dễ thực hiện và chi phí thấp nên sản phẩm này có thể có mặt trong mọi gia đình. Ngoài ra, sản phẩm còn dùng để phân loại nhiều loại quả khác nhau như: Quả cà chua, quả chanh, quả cam đường…

Máy được làm từ phế liệu

Cô Lò Thị Hòa cho hay, máy bóc vỏ mắc ca và phân loại quả theo kích cỡ, chạy bằng điện áp đầu vào 220V qua bộ biến giảm tốc. Hiện trên thị trường không có sản phẩm tương tự.

Đặc biệt, đề tài nghiên cứu này, tác giả đã tập trung vào tái sử dụng các phế liệu chế thành các bộ phận của máy, giúp tiết kiệm chi phí chế tạo mà vẫn đầy đủ tính năng cần thiết. Máy có thể phân loại quả theo kích thước rất chính xác.

Trước mắt, máy phù hợp để ứng dụng trên địa bàn huyện Tuần Giáo, là “thủ phủ” mắc ca và táo mèo của tỉnh Điện Biên. Qua thực tế quá trình nghiên cứu khảo sát và ứng dụng thử sản phẩm, cô Lò Thị Hòa nhận thấy nhu cầu cải tiến quy trình sản xuất, thu hoạch, tạo ra năng suất cao đối với người dân trồng táo mèo và mắc ca là rất cấp bách.

Sản phẩm góp phần làm giảm chi phí nhân công, tiết kiệm thời gian cho các hộ gia đình. Sản phẩm thực sự có ích và hiệu quả cho các hộ trồng mắc ca, táo mèo…

“Do bước đầu tập làm quen với nghiên cứu khoa học nên chắc chắn sản phẩm của tôi còn nhiều hạn chế cần bổ sung. Tôi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp để sản phẩm được hoàn thiện hơn và trong tương lai có thể đưa vào thực hiện”, cô Hòa chia sẻ.

Thời gian tới, cô Lò Thị Hòa sẽ tiếp tục nghiên cứu về sản phẩm theo kích thước với nhiều tính năng hơn để mở rộng phạm vi ứng dụng; không chỉ riêng các hộ gia đình trồng mắc ca, táo mèo ở huyện Tuần Giáo mà còn mở rộng ở các khu vực trồng mắc ca, táo mèo của cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.