Nhóm “tin tặc” đã thực hiện bẻ khóa hệ thống thông tin trên máy bay Mỹ trong khuôn khổ hợp đồng mà họ đã ký kết với Không quân và Bộ Quốc phòng nước này.
Theo đó, các chuyên gia công nghệ thông tin sẽ tìm cách bẻ khóa hệ thống truyền tải thông tin TADS của máy bay chiến đấu đa năng F-15 Eagle thế hệ 4 và tiêm mã độc vào hệ thống này.
Trợ lí Không quân Mỹ, ông Will Roper cho biết, hệ thống TADS chịu trách nhiệm thu thập hình ảnh và các thông tin khác từ những cảm biến của máy bay phản lực.
“Mục tiêu của việc làm này là tìm ra điểm yếu của hệ thống. Có hàng triệu dòng mã trong phần mềm máy bay của chúng tôi và nếu một trong số chúng bị lỗi thì các quốc gia khác có thể vô hiệu hóa máy bay chỉ bằng một vài lần nhấn phím”, ông Roper nói trong một cuộc phỏng vấn với The Washington Post.
Kết quả là hệ thống thông tin trên máy bay F-35 thế hệ 4 của Mỹ đã bị bẻ khóa thành công. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa biết liệu TADS có thể bị hack theo cách tương tự trong các chuyến bay hay không.
Người phát ngôn Không quân Mỹ, ông Kara Bowsey cho biết, dự án này mang đến cho Lầu năm góc một cái nhìn mới về hệ thống công nghệ trên các máy bay chiến đấu. Nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng Mỹ là phải tìm ra giải pháp để loại bỏ các lỗ hổng này một cách tốt nhất.
Trong vài năm qua, Lầu năm góc đã đẩy mạnh công tác an ninh mạng trước các cuộc tấn công của tin tặc được cho là do một số quốc gia như Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran thực hiện.
Năm 2016, kế hoạch thử hack hệ thống trên các máy bay chiến đấu đã được Lầu Năm Góc tiến hành. Theo đó, bằng phương pháp này Bộ Quốc phòng Mỹ đang cố gắng tìm ra chính xác vị trí cần tăng cường bảo vệ trong không gian mạng.
Vào tháng 10/2018, Lầu năm góc đã mở rộng chương trình, phân bổ 34 triệu đô la cho ba công ty HackerOne, Bugcrowd và Synack để thực hiện những nhiệm vụ như vậy.