Công nghệ này cho phép một người đàn ông 37 tuổi mắc ALS, giao tiếp bằng cách hình thành các từ và cụm từ, dù không thể tự kiểm soát cơ.
ALS là một rối loạn thoái hóa thần kinh hiếm gặp ảnh hưởng đến khả năng đi lại, nói chuyện, nhai và nuốt của một người. Để giao tiếp, người bệnh cần sử dụng các thiết bị hỗ trợ. Nhiều thiết bị trong số này được điều khiển bằng chuyển động của mắt hoặc bất kỳ cơ mặt nào còn khả năng hoạt động. Tuy nhiên, khi người mắc ALS mất khả năng cử động các cơ này, họ sẽ rơi vào trạng thái “hoàn toàn tê liệt”.
Bệnh nhân trong nghiên cứu mới (được gọi là K1) đã mất khả năng đi lại và nói chuyện vào cuối năm 2015. Anh được sử dụng một thiết bị giao tiếp dựa trên theo dõi mắt vào năm 2016. Tuy nhiên, sau đó, K1 không còn khả năng chuyển động ánh mắt.
Gia đình bệnh nhân đã liên hệ với tác giả của nghiên cứu - Tiến sĩ Niels Birbaumer thuộc Viện Tâm lý Y tế và Sinh học Thần kinh Hành vi tại Trường Đại học Tubingen ở Đức. Nghiên cứu cũng có sự tham gia của Tiến sĩ Ujwal Chaudhary thuộc tổ chức phi lợi nhuận ALS Voice ở Mossingen (Đức).
Các nhà khoa học đã thiết lập cho bệnh nhân một hệ thống giao diện máy tính - não không xâm lấn. Từ đó, cho phép bệnh nhân giao tiếp nhờ chuyển động mắt còn lại. Khi K1 mất khả năng cử động mắt, nhóm nghiên cứu đã cấy thiết bị vi điện cực vào não bệnh nhân.
Hệ thống hoạt động bằng cách sử dụng “phản hồi thần kinh thính giác”. Điều đó có nghĩa là bệnh nhân phải “khớp” tần số sóng não của mình với một giai điệu, từ hoặc cụm từ nhất định. Việc khớp và giữ tần số ở một mức nhất định (trong 500 mili giây) cho phép K1 đạt được phản hồi tích cực hoặc tiêu cực từ hệ thống.
3 tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể sử dụng thành công phản hồi thần kinh để điều khiển giao diện não - máy tính. Bệnh nhân thậm chí có thể cảm ơn các tác giả và đánh vần: “Hệ thống hoạt động rất dễ dàng”. Các nhà nghiên cứu hy vọng, một ngày nào đó, công nghệ này có thể mang lại trải nghiệm tốt hơn nhiều cho những bệnh nhân ALS.