Hệ thống đăng kiểm quá tải, chủ xe liều tìm 'đăng kiểm online'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc quá tải hệ thống đăng kiểm đang khiến chủ phương tiện xe cơ giới mệt mỏi.

Tem và giấy chứng nhận đăng kiểm giả được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.
Tem và giấy chứng nhận đăng kiểm giả được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Nhiều người đã bắt đầu tìm đến phương án sử dụng đăng kiểm giả được bán tràn lan trên mạng. Việc “xử lý tình thế” của các chủ phương tiện mang đến hệ lụy không nhỏ.

Đăng kiểm khó “đã có” đăng kiểm giả

Hiện nay, chủ xe có thể dễ dàng tìm thấy những nơi mua bán loạt giấy tờ đăng kiểm. Chỉ cần gõ trên Internet “cần mua giấy đăng kiểm ô tô”, ngay lập tức xuất hiện hàng chục triệu kết quả với nhiều lời mời chào hấp dẫn, cam kết dịch vụ uy tín, chất lượng, nhanh gọn.

Nhưng khi truy cập vào thì hầu hết các trang rao bán công khai này đòi hỏi phải kết nối riêng tư, để lại số điện thoại. Với hình thức nhận cọc mới chốt làm và khi làm chỉ mất vài ngày, thậm chí vài giờ chủ phương tiện sẽ nhận được 2 tem và sổ đăng kiểm mới.

Trong vai người có nhu cầu mua giấy đăng kiểm, phóng viên liên hệ tới số điện thoại 0904851xxx để được tư vấn. Ở đầu dây bên kia, một người đàn ông xưng tên H mời chào, chỉ với giá 4 triệu đồng, chủ xe sẽ có cả tem và giấy đăng kiểm còn hạn sử dụng.

“Giá cả bộ là 4 triệu đồng. Anh nhận cọc mới chốt làm, em yên tâm về việc đi đường. Chỉ cần làm phù hiệu gắn trên kính lái của xe thì em có thể đi khắp Hà Nội hoặc những tỉnh lân cận. Thời gian vừa qua anh làm cho rất nhiều loại từ ô tô tải đến xe con rồi”, người đàn ông cam kết.

Thắc mắc vấn đề nếu có phù hiệu mà vẫn bị CSGT các tỉnh khác bắt thì sao? H trấn an: “Nếu có bị bắt thì anh sẽ đứng ra đóng phạt, nhưng em phải gọi anh để anh nói chuyện với người bắt xe”.

Tương tự, chị Kim Linh sống tại quận Tây Hồ đang sở hữu một chiếc Honda Civic đời 2007 không qua được quá trình đăng kiểm do kính lái xe bị nứt, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Chị cũng nhận được nhiều lời chào mời làm trọn bộ với giá dao động 3 - 5 triệu đồng và quyết định chi tiền.

“Tôi mới làm xong được hơn 1 tháng, chả rõ vì sao họ biết mình trượt đăng kiểm mà đã gọi điện mời chào. Tôi đưa đăng kiểm cũ cho họ sau 1 tiếng đã có kết quả rồi. Biết vấn đề này là sai, nhưng tôi chỉ đi chợ với đón con đi học chứ không đi đâu xa nên đành dùng tạm loại này”, chị Linh phân trần.

Tiền mất, tật mang

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, ô tô phải được cấp chứng nhận đăng ký, đăng kiểm mới được phép tham gia giao thông.

Chứng nhận đăng kiểm (bao gồm giấy chứng nhận, tem đăng kiểm) được cấp theo kỳ hạn. Khi đến hạn, phương tiện phải được kiểm định tại trung tâm đăng kiểm. Trường hợp đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được cấp tiếp chứng nhận đăng kiểm.

Thông tin từ Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm), giấy chứng nhận đăng kiểm, tem đăng kiểm là hai thành phần không tách rời của chứng nhận đăng kiểm xe. Tem đăng kiểm được dán trên kính xe để tiện cho chủ xe theo dõi và phục vụ kiểm soát của lực lượng chức năng đối với phương tiện.

Giấy, tem đăng kiểm được Cục Đăng kiểm quản lý, cấp phôi cho các trung tâm đăng kiểm. Các trường hợp dùng giấy, tem đăng kiểm mà nguồn gốc phôi không do Cục Đăng kiểm cấp đều không có giá trị.

Khoản 5, Điều 16 Nghị định 100 quy định phạt 4 - 6 triệu đồng đối với các hành vi sử dụng giấy chứng nhận, tem đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa, điều khiển xe không có giấy hoặc tem đăng kiểm (trừ trường hợp xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 1 tháng trở lên.

Ngoài ra còn thêm hình thức phạt bổ sung là tịch thu giấy, tem đăng kiểm, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng. So với năm 2019, Nghị định 100 còn bổ sung quy định tịch thu phương tiện nếu người vi phạm không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

“Không chỉ người điều khiển phương tiện, điểm mới của Nghị định 100 còn quy định phạt 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, 8 - 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện đưa ô tô có giấy, tem đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông (Khoản 8 Điều 30).

Cơ quan chức năng cũng sẽ tịch thu xe trong trường hợp người điều khiển không có giấy đăng ký xe hoặc có nhưng không chứng minh được nguồn gốc phương tiện”, luật sư Diệp Năng Bình cho hay.

Thông tin từ Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội), đơn vị vừa có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can 3 đối tượng: Nguyễn Quốc Hoàng (SN 1979), Bùi Quốc Thành (SN 1982), Nguyễn Quý Hiếu (SN 1983) đều ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức theo Điều 341, Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 7/2, Công an huyện Sóc Sơn phát hiện 4 xe ô tô chở khách mang biển kiểm soát 20B-008.28, 29B-515.78, 89K-8916 và 89B-001.87 có dấu hiệu sử dụng tem đăng kiểm và tem nộp phí sử dụng đường bộ giả.

Sau khi tiến hành xác minh, Cơ quan cảnh sát điều tra xác định cả 4 xe ô tô đều sử dụng tem đăng kiểm và tem nộp phí sử dụng đường bộ giả. Các đối tượng khai nhận, các xe ô tô đã cũ và hết niên hạn sử dụng, không đủ điều kiện để đăng kiểm.

Để đối phó với sự kiểm tra của lực lượng chức năng, các đối tượng đã mua trên mạng xã hội với giá từ 500.000 - 600.000 đồng/bộ tem đăng kiểm, tem nộp phí sử dụng đường bộ giả, đem dán trên xe ô tô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ