'Nóng' việc thiếu hụt nhân lực khi nhiều trung tâm đăng kiểm 'nhúng chàm'

GD&TĐ - Nhiều trung tâm đăng kiểm đang thiếu hụt nguồn nhân lực, nếu vấn đề này không được giải quyết, việc ùn tắc cục bộ trong đăng kiểm sẽ tiếp tục.

Trung tâm đăng kiểm 2925D trên đường Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng thiết bị.
Trung tâm đăng kiểm 2925D trên đường Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng thiết bị.

Đăng kiểm viên nghỉ việc vì nhiều lo ngại

Sáng 27/2, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết, tính đến 14 giờ ngày 26/2, cả nước có tổng số 2.014 đăng kiểm viên, trong đó có 1.061 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.

Số đăng kiểm viên còn lại đang làm việc trên toàn hệ thống khoảng 1.500 người, trong khi đó, để duy trì hoạt động cho toàn bộ hệ thống kiểm định xe cơ giới cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên. Như vậy, toàn hệ thống hiện đang thiếu khoảng 486 đăng kiểm viên.

Theo ông An, việc thiếu nhân sự đăng kiểm viên dẫn đến hầu hết mỗi dây chuyền chỉ có 3 đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra, tình trạng căng kéo nhân sự diễn ra trong thời gian dài trong khi sức người có hạn, dẫn đến công suất tối đa chỉ được 60 xe/ngày/dây chuyền.

“Tỷ lệ phương tiện kiểm định không đạt cao từ 20 - 30% dẫn đến 1 xe cần phải kiểm định nhiều lần. Tâm trạng, tâm lý và điều kiện làm việc của đăng kiểm viên trên cả nước hiện nay là hết sức nặng nề, áp lực dẫn đến giảm hiệu suất lao động. Số lượng đăng kiểm viên xin nghỉ việc, thôi việc ngày càng tăng, vì họ có nhiều lo ngại. Nhiều trung tâm đăng kiểm tự thông báo dừng hoạt động”, ông An thông tin.

Báo cáo của Phòng Kiểm định xe cơ giới – VAR (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho thấy cả nước có 121/489 dây chuyền kiểm định phải tạm dừng hoạt động do đơn vị đang bị cơ quan công an điều tra, hoặc không đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 139/2028/NĐ-CP, hoặc tự đóng cửa.

Tại TP Hà Nội có tổng số 31 đơn vị đăng kiểm (với tổng 61 dây chuyền kiểm tra), trong đó có 6 Trạm V; 5 Trạm S và 20 Trạm D. Tuy nhiên, chỉ còn 16 đơn vị đăng kiểm còn hoạt động tương ứng với 31 dây chuyền kiểm tra, chiếm 53%. Dự báo số đơn vị dừng hoạt động sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới do thiếu nhân sự.

Tại TPHCM hiện có 19 đơn vị đăng kiểm (với 48 dây chuyền kiểm tra), trong đó có 7 Trạm V (bao gồm cả chi nhánh); 3 Trạm S và 9 Trạm D. Hiện, chỉ còn 11 đơn vị hoạt động tương ứng với 26 dây chuyền kiểm tra chiếm 54%.

Ùn tắc đăng kiểm còn “căng”

Lực lượng công an xuất hiện tại Trung tâm đăng kiểm 2927D trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Lực lượng công an xuất hiện tại Trung tâm đăng kiểm 2927D trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Ghi nhận trong sáng 27/2, tại Trung tâm đăng kiểm 2925D trên đường Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, phía trước treo tấm bảng “tạm nghỉ để bảo dưỡng thiết bị”.

Từ sáng sớm, khi đến đây để đăng kiểm xe, người dân thất vọng nhìn thấy “cửa đóng then cài”. Một vài tài xế xe ô tô đã thử gọi điện đến số điện thoại trên bảng tên của trung tâm nhưng chỉ nhận lại tín hiệu là máy bận.

Cùng thời điểm, ghi nhận tại Trung tâm đăng kiểm 2927D trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm cho thấy đã dừng nhận đăng kiểm của các xe mới vào đăng ký và chỉ thực hiện đăng kiểm của các xe đã nộp phí. Đáng chú ý, tại khu vực văn phòng có sự xuất hiện của lực lượng công an đang làm việc với trung tâm.

Tương tự, tại trung tâm đăng kiểm trên địa bàn phường Kiến Hưng, Hà Đông, TP Hà Nội, trung tâm đăng kiểm trên đường Lê Quang Đạo, quận Bắc Từ Liêm và nhiều trung tâm đăng kiểm khác trên địa bàn thành phố vẫn đang tạm dừng hoạt động và chưa có thông báo quay trở lại làm việc cụ thể.

Cũng liên quan đến hoạt động đăng kiểm, tại khu vực Yên Bái đã xuất hiện ùn tắc xe đi kiểm định do các địa phương lân cận là Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ đã dừng hoạt động do cơ quan công an điều tra sai phạm.

Cục Đăng kiểm Việt Nam dự báo nếu không có sự thay đổi thì với số lượng trung tâm đăng kiểm tại TP Hà Nội và TPHCM hiện tại trong các tháng tiếp theo của năm 2023 sẽ không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân. Đặc biệt, có những tháng sẽ xuất hiện ùn tắc nghiêm trọng do năng lực kiểm tra chỉ đáp ứng 31% nhu cầu.

Trước đó, Bộ GTVT đề xuất Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động tại các đơn vị trực thuộc cục cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định, nhằm tháo gỡ khó khăn khi thiếu nhân sự nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay.

Dự kiến miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm, cho biết cục đã trình dự thảo bổ sung, sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và đẩy nhanh hoàn thiện để quy định miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới sớm có hiệu lực. Dự kiến, quy định này có thể được áp dụng từ ngày 1/7.

Theo đó, quy định sẽ áp dụng đối với xe sản xuất lắp ráp, nhập khẩu mới chưa qua sử dụng (sau khi đăng ký biển số lần đầu) trong thời gian tương đương với chu kỳ kiểm định lần đầu (ví dụ xe ô tô dưới 9 chỗ được miễn đăng kiểm lần đầu trong 30 tháng), không thu giá dịch vụ kiểm định và hướng tới phương án người dân không cần mang xe tới trung tâm đăng kiểm để kiểm định.

Cách thức trên cũng giúp người dân, lái xe, chủ xe giảm thời gian và chi phí. Theo tính toán, mức tiền mà mỗi chủ phương tiện được giảm khi kiểm định lần đầu từ 250.000 - 570.000 đồng/xe tương ứng với từng loại xe.

Chủ xe chỉ cần bỏ chi phí 40.000 đồng lệ phí cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, riêng xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi (không bao gồm xe cứu thương) lệ phí này còn 90.000 đồng/giấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ