Những 'đăng kiểm viên đặc biệt' đang làm việc thế nào?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 1/3, Báo GD&TĐ đã tiếp cận, ghi nhận cảm xúc của những đăng kiểm viên 'đặc biệt' ở một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới địa bàn Hà Nội.

Đăng kiểm viên bị khởi tố quay trở lại làm việc tại Trung tâm đăng kiểm 29-06V, ngày 1/3.
Đăng kiểm viên bị khởi tố quay trở lại làm việc tại Trung tâm đăng kiểm 29-06V, ngày 1/3.

Họ là những đăng kiểm viên đã bị khởi tố bị can, nhưng đang được tại ngoại, trở lại làm việc để “lấp” tình trạng thiếu hụt nhân lực.

Ngột ngạt, căng thẳng

Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự đăng kiểm nghiêm trọng, một số trung tâm đăng kiểm đã phải đóng cửa. Do đó, cục đã phải huy động các nhân sự được tại ngoại trở lại làm việc để phục vụ người dân.

Kể từ khi cơ quan công an điều tra, khám xét, khởi tố, bắt nhiều cán bộ, nhân viên tại các trung tâm đăng kiểm, nhiều đăng kiểm viên không muốn đi làm dù Công đoàn Cục Đăng kiểm đã động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất; nhiều nhân viên ốm, đổ bệnh vì mệt mỏi, áp lực.

Tại các đơn vị đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm quản lý đã có 7 - 8 người tự ý nghỉ việc, nhiều người làm đơn xin nghỉ việc. Tính cả các đơn vị đăng kiểm của các Sở GTVT và tư nhân, số người xin nghỉ việc lên đến hàng chục người.

Do thiếu đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm phải sử dụng 12 đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại, áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú để vận hành lại 2 trung tâm đăng kiểm từng bị tạm dừng hoạt động ở Hà Nội là 29-01V và 29-06V.

Vì những nhân viên đăng kiểm bị khởi tố chưa bị xét xử, vẫn còn quyền công dân, Cục Đăng kiểm vẫn đang trả lương nên việc bố trí công việc để các đăng kiểm viên này thực hiện nhiệm vụ của mình không trái quy định pháp luật.

Là một trong số 3 đăng kiểm viên được tại ngoại, đang làm việc tại Trung tâm đăng kiểm 29.06V (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội), anh Nguyễn Đức Trung giãi bày, được quay trở lại đi làm cũng đỡ buồn, nhưng không khí nơi đây không còn như những ngày tháng cũ, căng thẳng và ngột ngạt.

“Ngày 9/1, tôi nhận tin khởi tố, lúc đó tâm trạng buồn lắm. Gia đình sốc vì mấy ngày mất liên lạc, không biết bị điều tra ra sao. Đến 19/1, công an cho tại ngoại, lúc này tinh thần mới đỡ hơn, may mắn nữa là có gia đình luôn bên cạnh...”, anh Trung tâm sự.

Đăng kiểm viên này nói rằng, áp lực từ dư luận, thu nhập bèo bọt, nhưng vì trách nhiệm với xã hội nên vẫn tiếp tục đi làm và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Ai cũng nghĩ làm đăng kiểm viên là sướng, thu nhập tốt. Thực tế thu nhập của chúng tôi chưa bằng một tài xế xe ôm công nghệ. 8 triệu đồng gồm lương và phụ cấp, không đủ nuôi vợ con ở thành phố, nhưng vì áp lực mưu sinh, vì cuộc sống gia đình, chúng tôi vẫn phải ráng làm”, anh Trung nói.

Vừa làm vừa lo

Phương tiện xếp hàng chờ đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm 29-06V, ngày 1/3.

Phương tiện xếp hàng chờ đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm 29-06V, ngày 1/3.

Ông Hoàng Trung Liêm, tạm quyền phụ trách Trung tâm đăng kiểm 29-06V cho biết, trước khi bị đóng cửa từ ngày 9/1, trung tâm có 27 nhân sự làm việc. Đến ngày 15/2, sau khi hoạt động trở lại, trung tâm có 6 người bị bắt tạm giam, 11 người bị cấm đi khỏi nơi cư trú, 3 người được tăng cường tới Trung tâm đăng kiểm 29-01V.

Trung tâm đăng kiểm 29-06V có tổng cộng 4 dây chuyền đăng kiểm, đến nay đã hoạt động lại 2 với 9 đăng kiểm viên. Lượng xe duy trì khoảng 100 - 120 xe/ngày, chủ yếu là xe tải.

Do lượng khách đổ dồn về đông trong những ngày qua, trung tâm phải triển khai phương án phát số thứ tự cho các phương tiện xếp hàng vào đăng kiểm, khi hết số sẽ tiếp tục phát tiếp.

“Hiện tại đang thiếu hụt nhân lực và mới đáp ứng khoảng 50%, tinh thần anh em đều mong muốn trở lại để làm việc bình thường. Những gì đã xảy ra là cú sốc rất lớn đối với lĩnh vực đăng kiểm. Lãnh đạo cục cũng đã nhận ra những lỗi sai này. Ngày 14/2, cục đã có văn bản gọi toàn bộ lãnh đạo và nhân viên lên để chia sẻ động viên họ quay trở lại làm việc”, ông Liêm chia sẻ.

Theo ông Hoàng Trung Liêm, những ngày qua các phương tiện đổ dồn về trung tâm tăng cao. Do nhân lực “mỏng”, trung tâm chỉ nhận từ 100 – 120 xe/ngày.

Xe xếp hàng phía bên ngoài, chờ vào đăng kiểm, các tài xế tự ý thức và có các lực lượng thanh tra bảo đảm an toàn giao thông điều tiết.

Được biết, điều kiện bình thường thì mỗi đăng kiểm viên không được làm quá 20 xe. Việc này là để hạn chế việc thiếu sót trong khâu kiểm tra. Trung tâm 29-06V vẫn phải bố trí thời gian nghỉ trưa để nhân sự đủ tỉnh táo làm việc buổi chiều.

“Tâm lý của các nhân viên vừa làm vừa lo. Mọi người đều chung một tâm lý luôn sẵn sàng với việc bị cơ quan bảo vệ pháp luật gọi lên làm việc bất cứ lúc nào. Bản thân tôi rất buồn, cả một hệ thống đăng kiểm được xây dựng bao nhiêu năm, nay bị sụp đổ. Chúng tôi sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể gây dựng lại được. Những kỹ sư mới ra trường họ cũng sẽ rất ngại để đi vào làm việc với lĩnh vực này, bởi thu nhập bấp bênh và vết nhơ của ngành để lại”, ông Hoàng Trung Liêm mở lòng.

Cũng trong diện bị khởi tố và được tại ngoại, đăng kiểm viên Trần Tuấn Anh, công tác tại Trung tâm 29-06V (huyện Thanh Trì) chia sẻ, chưa bao giờ nghĩ sẽ vướng vòng lao lý. Khi nhận quyết định khởi tố, mọi thứ hoàn toàn suy sụp. Nỗi buồn và áp lực vẫn đè nặng ngay cả khi được cho tại ngoại.

Theo anh Trần Tuấn Anh, những ngày qua lượng phương tiện tăng cao, trong khi trung tâm chỉ có 2 dây chuyền được hoạt động, nên cán bộ, nhân viên phải phát phiếu đăng ký để đăng kiểm các phương tiện.

“Bản thân chúng tôi phải làm đảm bảo thời gian và chất lượng dù đang gặp nhiều khó khăn về nhân sự. Năng suất của dây chuyền đăng kiểm cũng không đạt được tối đa”, anh Tuấn Anh cho hay.

Theo anh Tuấn Anh, mỗi đăng kiểm viên phụ trách một công đoạn, không phải vị trí nào cũng tiếp xúc với khách hàng nên không nhận được bồi dưỡng như nhiều người nghi ngờ.

“Tôi đã phối hợp với cơ quan công an trong quá trình điều tra, tin tưởng cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xác minh công tâm, đúng người đúng tội”, anh Tuấn Anh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ