Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho thành phố khởi nghiệp: Đường dài chưa rõ lối

GD&TĐ - Đà Nẵng là một trong 3 địa phương được hỗ trợ để phát triển Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Sinh viên Trường ĐH Đông Á trình bày dự án khởi nghiệp trước hội đồng tuyển chọn.
Sinh viên Trường ĐH Đông Á trình bày dự án khởi nghiệp trước hội đồng tuyển chọn.

Sau 5 năm khởi động, cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng đã có hình thành bước đầu và kết nối được với các thành tố của hệ sinh thái. Tuy nhiên, để nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo (ĐMST) địa phương và vươn ra khu vực, thế giới vẫn còn là một câu chuyện dài.

Mới chỉ… khởi động

Khởi nghiệp - ĐMST đã trở thành môn học chính khóa ở nhiều trường cao đẳng, đại học. Cùng với đó, các cuộc thi khởi nghiệp nối tiếp nhau ra đời, ngoài là một sân chơi cho sinh viên, còn là cách để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong môi trường đại học, cao đẳng.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học & công nghệ (Bộ KH&CN) - cho rằng: “Một trong những định hướng của Đề án 844 về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia là tạo ra một mạng lưới kết nối khởi nghiệp, trong đó hạt nhân chính là những trường đại học dẫn dắt trong hệ sinh thái. Khởi nghiệp ĐMST trong trường đại học không chỉ tạo động lực cho sinh viên nhà trường, mà còn có thể trở thành “điểm đến” của các trường đại học trong nền kinh tế chia sẻ”.

Theo đó, nhà trường trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết và những trải nghiệm cho sinh viên nhưng không đòi hỏi chỉ số quá cao về số lượng người khởi nghiệp. Mà nhà trường khởi tạo tâm thế, tư duy khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân, giúp sinh viên sáng tạo những dự án giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra, từ đó tạo ra sự tác động đối với xã hội.

Đồng thời tạo lập môi trường liên kết trao đổi sinh viên giữa các trường để có thể tham gia vào dự án khởi nghiệp ở trường khác hoặc ở khu vực tư nhân đang có hoặc mời tham gia không gian làm việc của mình. Từ đó sinh viên được làm quen, trải nghiệm và dần dần phát triển các dự án.

Mục tiêu là vậy, song TS Võ Duy Khương - Chủ tịch Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng - nhận xét: “Có một thực tế đáng buồn hiện nay là hầu hết dự án khởi nghiệp sau giai đoạn hình thành ý tưởng với đội ngũ nhân sự nhiệt huyết (thường là sinh viên đang học tập hoặc đã ra trường) khi gặp những rắc rối ban đầu là vỡ trận. Nguyên nhân, do các em chưa có kiến thức cơ bản về mô hình và hoạt động của một doanh nghiệp khởi nghiệp như thế nào”.

Ông Khương dẫn chứng: Trong năm 2017 và 2018, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng đã ươm tạo khoảng 40 dự án khởi nghiệp được lựa chọn từ hàng trăm dự án đăng ký. Dự án khi được chọn có ý tưởng rất hấp dẫn như làm kính cho người mù, đặc sản ẩm thực Việt, thực phẩm từ dế… nhưng chỉ qua thời gian ươm tạo đã dừng hoạt động, hoặc tạo lập được doanh nghiệp và có sản phẩm ra thị trường nhưng rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng.

Lễ đánh giá tốt nghiệp các dự án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao TP Đà Nẵng tuyển chọn năm 2020.
Lễ đánh giá tốt nghiệp các dự án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao TP Đà Nẵng tuyển chọn năm 2020. 

Bài toán phát triển nguồn nhân lực khởi nghiệp

Đà Nẵng có nhiều dự án đoạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp ĐMST của cả nước như Noitob, AntBuddy, Minh Hong, Homecara, VR360… thậm chí đã đưa được sản phẩm ra thị trường… Ông Phạm Hồng Quất đánh giá: “Chính quyền thành phố, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xã hội và bản thân doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Tuy còn non trẻ nhưng với cách làm đột phá, sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương đã góp phần rất lớn vào việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia”.

Tuy nhiên, TS Võ Duy Khương lại nhận xét, sau một thời gian phát triển thuận lợi, khởi nghiệp Đà Nẵng bắt đầu bước vào giai đoạn chiến lược với nhiều khó khăn cần vượt qua để trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp quốc gia, vươn tầm khu vực Đông Nam Á. “Đội ngũ sáng lập viên mới đang bị hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, hệ quả là các chương trình ươm tạo cũng gặp khó khăn trong tuyển chọn đầu vào”, ông Khương thông tin.

Với mục tiêu xây dựng một “trung tâm khởi nghiệp bên bờ biển”, Đà Nẵng đã có Đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”. Đà Nẵng cũng đã triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực khởi nghiệp tại thành phố. Trong đó tập trung xây dựng các chương trình đào tạo, huấn luyện về kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo cả trong lẫn ngoài trường đại học, cao đẳng.

PGS.TS Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) - cho biết: “Với định hướng phát triển nhân lực và góp phần phát triển đời sống kinh tế, xã hội ở miền Trung - Tây Nguyên, Trường Đại học Kinh tế đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với các vườn ươm (DNES, Song Han Incubator...), và các hội doanh nghiệp, doanh nhân trẻ ở khu vực và cả nước. Điều này góp phần xây dựng một mạng lưới khởi nghiệp trong cộng đồng sinh viên và cựu sinh viên với cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia khởi nghiệp, góp phần nuôi dưỡng, phát triển tinh thần khởi nghiệp của sinh viên sau khi ra trường”.

Vốn cho khởi nghiệp cũng là một khó khăn cho hệ sinh thái khởi nghiệp còn non trẻ của Đà Nẵng. TS Võ Duy Khương thông tin: Hiện, Đà Nẵng gần như vắng bóng các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Các trường đại học ở Đà Nẵng đã có sự đầu tư, xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và kêu gọi các nhà đầu tư để hỗ trợ cho những dự án của sinh viên. Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường ĐH Đông Á dành 2 tỷ đồng thúc đẩy các dự án khởi nghiệp trong giảng viên và sinh viên năm 2021. Hy vọng những chính sách mới về xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố khởi nghiệp ĐMST sẽ là đòn bẩy để thu hút nguồn vốn đầu tư.

Từ năm 2016 tới nay, dưới sự tài trợ của Chính phủ Ireland và phối hợp của Viện Công nghệ Cork, cuộc thi Đà Nẵng Startup Runway đã thu hút sự tham gia của sinh viên các trường ĐH, CĐ khu vực miền Trung và Tây Nguyên với hàng nghìn ý tưởng kinh doanh. Trường đã gửi nhiều dự án khả thi đi huấn luyện khởi nghiệp tại Trung tâm khởi nghiệp Rubicon (Ireland) như “Phát triển giun quế góp phần phát triển nông ngư nghiệp” (nhóm Joule), Áo khoác kết hợp túi ngủ Sleep (nhóm Zzz), dự án Tư vấn tâm lý (dự án Boom). Nhà trường cũng khuyến khích sinh viên đem những ý tưởng kinh doanh của mình để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp do thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp... tổ chức. - PGS.TS VÕ THỊ THÚY ANH, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.