Hệ lụy từ làm đẹp 'cấp tốc'

GD&TĐ - Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ vào viện trong tình trạng phát ban toàn thân, có tiền sử xăm môi trước đó 2 tuần.

Một bệnh nhân biến chứng do tiêm filler nâng mũi.
Một bệnh nhân biến chứng do tiêm filler nâng mũi.

Nhiều trường hợp nhập viện

Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (33 tuổi) vào viện trong tình trạng phát ban toàn thân, có tiền sử xăm môi trước đó 2 tuần.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân này xuất hiện tổn thương Herpes ở môi sau khi xăm 3 ngày. Sau đó được điều trị bằng Acyclovir 1,6g/ngày chỉ dùng trong 2 ngày, và bôi kháng sinh tại chỗ, bệnh nhân hết tổn thương ở môi sau 1 tuần.

Tuy nhiên 1 tuần sau đó, bệnh nhân xuất hiện tổn thương dát đỏ vùng cẳng - bàn tay 2 bên, ngứa nhiều, sau đó rải rác thân mình. Qua thăm khám và hỏi bệnh các bác sĩ chẩn đoán đây là 1 trường hợp hồng ban đa dạng điển hình. Nguyên nhân hướng đến căn nguyên do nhiễm Herpes sau phun xăm môi.

Bên cạnh đó, tiêm filler cũng là phương pháp làm đẹp được ưa chuộng. Tuy nhiên, không ít trường hợp gặp biến chứng vì phương pháp làm đẹp này. Cụ thể, nữ bệnh nhân 22 tuổi, đến Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng tím toàn bộ phần cánh mũi, rãnh mũi môi, môi trên bên trái do tiêm làm đầy rãnh mũi môi (rãnh cười), có mụn nước, mụn mủ, sưng nề đau tức nhiều.

Bệnh nhân may mắn chỉ tắc động mạch bên mũi và môi trên, đến viện kịp thời tiêm thuốc giải. Do đó, chỉ 1 ngày sau, các mụn đã xẹp đi, hồi phục da. Một tuần, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị hoại tử toàn bộ da ở môi, mũi. Ngoài ra, bệnh nhân này may mắn không gặp phải biến chứng mất thị lực hoàn toàn do bị tiêm sai kỹ thuật vùng này.

Thời gian vừa qua, Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy. Theo thông tin từ bệnh viện, những bệnh nhân này sau tiêm có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau, áp xe, chảy dịch, nhiều khi loét, hoại tử thậm chí là mù khi tiêm gần vùng mắt. Nguyên nhân là do kỹ thuật không đảm bảo vô trùng, tiêm sai vị trí hoặc chất làm đầy không rõ nguồn gốc.

Việc tiêm không đúng này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm chảy máu, nhiễm trùng, tắc mạch mắt dẫn đến mù loà, tắc mạch não dẫn đến liệt... Những bệnh nhân được tiêm các chất làm đầy kém chất lượng, tiêm sillicon lỏng còn phải chịu đựng biến chứng dai dẳng rất khó khăn để điều trị dứt điểm.

Những biến chứng thường gặp

Theo các bác sĩ, tiêm filler là kỹ thuật không quá phức tạp, có thể tiến hành một cách đơn giản. Tuy nhiên, việc sử dụng loại filler nào, kỹ thuật tiêm ra sao để vừa đạt hiệu quả vừa đảm bảo an toàn lại vô cùng quan trọng. Bác sĩ cần có những hiểu biết về giải phẫu của vùng tiêm. Đồng thời, cần được đào tạo về kỹ thuật một cách đầy đủ để tránh các biến chứng đáng tiếc.

ThS.BS Nguyễn Đình Quân - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, chất tiêm làm đầy hiện được sử dụng chủ yếu là HA (Hyaluronic acid), để sửa chữa những khiếm khuyết trên khuôn mặt như trũng mắt, trũng lệ, hõm thái dương, cằm ngắn, cằm lẹm… Filler sẽ làm đầy hõm tự nhiên trên cơ thể để gương mặt đầy đặn, tròn trịa hơn, cải thiện làn da bị lão hóa.

Cứ vài tuần, Bệnh viện Da liễu Trung ương lại gặp một vài ca bị biến chứng từ nhẹ đến nặng do tiêm filler. Ở thể nhẹ, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng như sưng nề, chảy máu hoặc nhiễm trùng do điều kiện vô khuẩn không bảo đảm với các biểu hiện như sưng nề, tím, mụn mủ, chảy dịch, chảy mủ. Đây là những biến chứng gặp nhiều nhất nhưng dễ xử lý.

Theo bác sĩ Quân, có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc tiêm filler ngực cũng có thể gây tử vong. Đầu tiên, có thể là nguyên nhân thuyên tắc mạch phổi do chất làm đầy được tiêm vào các động mạch, tĩnh mạch ở vị trí ngực. Chất này di chuyển về phổi và gây thuyên tắc mạch phổi, dẫn tới suy hô hấp. Bệnh nhân có thể bị thuyên tắc mạch tim gây ngừng tim, dẫn tới tử vong.

Nguyên nhân ít nghĩ đến nhưng có thể xảy ra đó là người bệnh bị thuyên tắc mạch não gây đột quỵ tử vong. Ngoài ra, không loại trừ nguy cơ khi tiêm filler với khối lượng lớn bao giờ cũng kèm chất gây tê nhiều. Từ đó, có thể gây ra ngộ độc thuốc tê, sốc phản vệ do thuốc tê.

Người thực hiện thủ thuật nếu không được đào tạo bài bản, có chứng chỉ chuyên môn thì có thể tiêm xuyên thủng ngực vào phổi. Đồng thời, có thể gây biến chứng tràn dịch, tràn khí màng phổi, gây xẹp phổi, tử vong do suy hô hấp.

Theo ThS Lưu Phương Lan - Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cần chú trọng tới việc phòng ngừa các biến chứng trong sử dụng filler làm đẹp. Sản phẩm filler cần đảm bảo chất lượng được chứng nhận bởi FDA.

Người thực hiện tiêm filler cần hiểu rõ cấu trúc giải phẫu, có kiến thức chuyên môn quy trình thực hiện, đến phát hiện và xử trí biến chứng. Từ đó, đảm bảo mang lại kết quả thẩm mỹ an toàn tối ưu.

Trước khi tiêm, khách hàng cần được thảo luận về hiệu quả, tác dụng mong muốn, độ bền cũng như rủi ro tiềm ẩn. Từ đó, để không bị lợi dụng hoặc lạm dụng tiêm các chất làm đầy. Tối đa hóa kỹ thuật tiêm và hiểu biết thấu đáo về các biến chứng tiềm ẩn, cũng như cách xử trí có thể giúp tránh và hạn chế thương tổn.

Các loại filler được FDA cấp phép vẫn khẳng định tính hiệu quả, linh hoạt và an toàn, với tỉ lệ biến chứng thấp và phần lớn ở mức độ nhẹ như bầm tím, ban đỏ, nóng rát tại chỗ...

“Tuy nhiên, trên thực tế, cùng với sự gia tăng số lượng thủ thuật tiêm filler là sự gia tăng số lượng biến chứng xảy ra. Filler vẫn là chất lạ đối với cơ thể, nếu bị lợi dụng hoặc thực hiện bởi người thiếu chuyên môn thì có thể gặp những biến chứng khó lường: Nhiễm trùng, áp xe, tắc mạch, hoại tử …”, chuyên gia y tế cảnh báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.