Hệ lụy từ… Covid-19 với giáo viên

GD&TĐ -Ngoài khối lượng công việc, một số giáo viên cảm thấy sức khỏe tinh thần của họ bị coi thường hoặc không được ưu tiên. Khi được hỏi về những yếu tố gây căng thẳng, hầu hết họ đều cho rằng, việc chuyển sang giảng dạy trực tuyến là nguyên nhân chính.

Hệ thống đánh giá khiến giáo viên Singapore 'sợ hãi'.
Hệ thống đánh giá khiến giáo viên Singapore 'sợ hãi'.

Khối lượng công việc “khổng lồ”

Khi nằm trên sàn và thở gấp, tim đập nhanh, Betty - giáo viên trung học tại Singapore hy vọng cơn hoảng sợ sẽ sớm biến mất. Bởi, cô biết sẽ không thể đi làm nếu tiếp tục rơi vào tình trạng này. Cơn hoảng loạn của nữ giáo viên này thường xảy ra hai tuần một lần.

Khối lượng công việc lớn, lo lắng đáp ứng kỳ vọng của phụ huynh và phải dạy một lớp nhiều học sinh là những yếu tố gây căng thẳng kéo dài cho cô cũng như các giáo viên khác.

Với Betty, tình trạng đó thậm chí tồi tệ hơn khi Singapore chuyển sang giảng dạy hoàn toàn tại nhà vào tháng 4 năm ngoái, do ca mắc Covid-19 tăng. Tần suất các cơn hoảng sợ của cô tăng lên hai lần một tuần.

“Chúng tôi đột nhiên phải chuyển sang học trực tuyến… chỉ trong vài ngày ngắn. Chúng tôi phải thiết kế lại bài giảng cũng như các câu hỏi trực tuyến. Điều đó vô cùng căng thẳng.

Chúng tôi vẫn cần đưa ra phản hồi cho học sinh và tiếp tục giao bài tập. Công việc như không bao giờ dừng lại. Tôi thực sự, thực sự kiệt sức”, nữ giáo viên chia sẻ.

Ngoài khối lượng công việc, một số giáo viên cảm thấy sức khỏe tinh thần của họ bị coi thường hoặc không được ưu tiên. Một giáo viên chia sẻ: “Thật tồi tệ khi trở thành giáo viên trong hai năm qua. Tôi biết sức khỏe tinh thần của mình đang ở mức thấp nhất mọi thời đại”.

Trong khi đó, một giáo viên khác nói: “Hai năm này đặc biệt khó khăn bởi vì… khối lượng công việc tăng lên đáng kể. Chúng tôi phải gánh chịu tổn thất về thể chất lẫn tinh thần. Chúng ta đang ở trong thời đại dịch và không có sự nhượng bộ nào đối với giáo viên”.

Bà Chua-Lim Yen Ching - Phó Tổng Giám đốc phụ trách giáo dục, Bộ Giáo dục (MOE) - cho biết: “Không thể phủ nhận rằng Covid-19 đã ảnh hưởng đến chúng tôi”.

Trong một cuộc khảo sát của MOE thực hiện vào tháng 6 trên 460 giáo viên, cứ 10 người được hỏi thì có 7 người cho biết có thể đối phó với căng thẳng trong công việc.

“Tuy nhiên, 3 trong số 10 người chúng tôi vẫn cần giúp đỡ. Chúng tôi nhận ra rằng, sức khỏe của nhân viên là rất quan trọng. Chúng tôi muốn có dữ liệu. Tất cả chúng ta đều sẽ căng thẳng, nhưng quan trọng nhất là có khả năng đối phó. Chỉ khi bạn căng thẳng và không thể đối phó, chúng ta mới lo lắng”, bà Chua-Lim Yen Ching cho biết.

Khi được hỏi về những yếu tố gây căng thẳng, hầu hết các giáo viên đã chỉ ra rằng, việc chuyển sang giảng dạy trực tuyến trong thời gian ngắn là nguyên nhân.

Cụ thể, giáo viên phải tạo các tài liệu bài học trực tuyến một cách nhanh chóng, chọn lọc những kỹ năng để cung cấp bài học hấp dẫn và bảo đảm học sinh tham gia lớp.

Susan - một giáo viên trung học 15 năm - cho biết đã rất thất vọng khi giữa giờ dạy lại phải yêu cầu học sinh bật camera. Trong khi đó, hằng sáng, cô phải gọi những học sinh không đăng nhập vào lớp.

Giảng dạy tại nhà là một thách thức ngay cả với những giáo viên trẻ, am hiểu công nghệ. Giáo viên Melissa cho biết, một số đồng nghiệp lớn tuổi hơn đã bị “bỏ rơi”.

“Các giáo viên lớn tuổi nói: Làm thế nào để đăng nhập ở đây, làm thế nào để đăng nhập ở đó? Có rất nhiều áp lực lên họ”, nữ giáo viên trung học này chia sẻ.

Thật vậy, bà Lisa - một giáo viên ở tuổi 50 và đã dạy ở tiểu học 20 năm, cảm thấy “tệ hại” khi dạy tại nhà. Trong khi đó, giáo viên địa lý Trường Trung học Sally cho biết, bên cạnh khối lượng công việc dạy thêm, cô hiện có một loạt các nhiệm vụ hành chính “khủng khiếp” liên quan đến Covid-19.

Trong đó, bao gồm việc theo dõi các lệnh cách ly của học sinh và giáo viên, cũng như kết quả kiểm tra Covid-19.

“Tất cả các công việc bổ sung này đã đặt giáo viên vào tình trạng “cảnh giác cao độ”. Họ vẫn phải làm mọi thứ như trước khi Covid-19 xảy ra… Song, có rất nhiều điều lo lắng và họ luôn phải đề phòng.

Tại một thời điểm nào đó, những điều này khiến bạn kiệt sức”, ông Mike Thiruman - Tổng Thư ký của Liên đoàn Giáo viên Singapore (STU) - cho biết. Để hỗ trợ giáo viên khi họ cảm thấy quá tải, theo bà Chua-Lim, Bộ Giáo dục đã có các cuộc họp.

Nhờ đó, giúp “quản lý khối lượng công việc của giáo viên”. “Trong giai đoạn này, khối lượng công việc của giáo viên chúng tôi rất nhiều do tất cả những biện pháp quản lý an toàn này. Vì vậy, chúng tôi đã quản lý các khóa học phát triển chuyên môn”, bà Chua-Lim chia sẻ.

Giáo viên Singapore phải đối mặt với khối lượng công việc lớn.

Giáo viên Singapore phải đối mặt với khối lượng công việc lớn.

Ảnh hưởng từ học sinh

Các giáo viên cũng nhận thấy, học sinh ngày càng lo lắng về việc học, khi thời gian ở trường ít hơn. Đặc biệt, sự lo lắng này xảy ra nhiều hơn ở học sinh sắp tốt nghiệp và phải vượt qua các kỳ thi lớn.

“Học sinh sắp tốt nghiệp của tôi bị ảnh hưởng rất nhiều”, bà Melissa chia sẻ. Sau giờ học, bà nhận được nhiều tin nhắn từ học sinh với mong muốn được giúp đỡ về bài tập. Anne – giảng viên tại một viện nghiên cứu đồng ý rằng, ranh giới giữa công việc và nghỉ ngơi ngày càng bị xóa nhòa.

Về phần Melissa, bà học cách tự giải quyết vấn đề. “Khi họ nhắn tin cho tôi để đặt câu hỏi vào lúc nửa đêm, ngày hôm sau, tôi sẽ đưa ra câu trả lời”, bà cho biết.

Bên cạnh đó, một số giáo viên nhận thấy, học sinh dễ mất tập trung và căng thẳng hơn khi tham gia lớp trực tuyến. Một trong những nguyên nhân là các hoạt động ngoại khóa trực tiếp và hoạt động nhóm không thể diễn ra.

“Nhiều điều thiết yếu giúp trường học trở nên dễ chịu hoặc thú vị đối với học sinh đã bị loại bỏ. Vì vậy, đột nhiên, học sinh không thể làm gì khác ngoài việc học tập”, giáo viên Trường Trung học Sally cho biết.

Lisa, giáo viên tiểu học, cho rằng, vấn đề này thường trở nên tồi tệ hơn bởi sĩ số lớp học lớn. Điều đó làm giảm khả năng quan sát của giáo viên đối với học sinh. “Cần phải giảm số lượng học sinh trong một lớp để chúng tôi thực sự có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em”, nữ giáo viên nhận định.

Quy mô lớp học nhỏ hơn giúp Claire, giáo viên trung học, dễ dàng “xây dựng mối quan hệ với học sinh”, giúp họ quan tâm đến nhu cầu của học sinh. Lớp Trung học cơ sở 1 của cô có ít hơn 20 học sinh. Bởi, số học sinh đăng ký giảm, so với “40 trẻ mỗi lớp” trước đây.

Nhiều người gặp áp lực khi đưa ra lời khuyên cho học sinh.

Nhiều người gặp áp lực khi đưa ra lời khuyên cho học sinh.

Hệ thống đánh giá gây “ngột ngạt”

Nhiều giáo viên cho rằng, việc gánh vác nhiều vai trò là “quá sức”. Để hoàn thành các hoạt động ngoại khóa và vai trò khác, nữ giáo viên Lisa cho biết, đôi khi cô bận rộn đến mức phải dừng lại hoặc trì hoãn chấm bài. “Mọi thứ trở nên rất lộn xộn trong lớp. Bởi, tôi không thể hoàn thành chấm điểm. Sau đó, tôi không thể đưa ra phản hồi ngay lập tức cho các học sinh. Điều đó khiến tôi thất vọng khi muốn thay đổi bọn trẻ trong thời gian ngắn. Tôi thực sự ghét điều đó mỗi khi nói đến bảng xếp hạng. Nó khiến bạn cảm thấy giá trị của mình gắn liền với điểm số và như thể bạn làm chưa tốt”, cô Lisa chia sẻ.

Trong khi đó, bà Mandy mong muốn, các giáo viên được đào tạo về sơ cứu tâm lý khi ở Học viện Giáo dục quốc gia (NIE), trước khi bắt đầu công việc. Bởi, theo nữ giáo viên này, đào tạo về “lao động cảm xúc” cho giáo viên là “chưa đủ”.

Bà Mandy chia sẻ từng gặp một học sinh “cảm thấy rất xa lạ, cô đơn”. Học sinh này thậm chí tự làm hại bản thân trong quá trình học tại nhà. Đó là một trong sáu trường hợp tự làm hại bản thân mà bà Mandy đã xử lý trong năm qua.

Thời điểm đó, bà đã trải qua cảm giác bất lực khi nỗ lực tìm ra những điều phù hợp để có thể nói với học sinh.

Theo bà Chua-Lim, có các khóa học “tự quản lý và phát triển sức khỏe tâm thần” trong NIE, như Dự án Meranti. Những khóa học này giúp giáo viên nghĩ ra cách phát triển khả năng phục hồi.

Theo nhà lãnh đạo này, đây là những mô-đun cốt lõi mà giáo viên cần sử dụng. “NIE cũng tổ chức các buổi hội thảo để hỗ trợ chăm sóc cho tất cả giáo viên, trước khi họ đủ tiêu chuẩn đứng lớp”, bà Chua-Lim lưu ý.

Trong khi đó, bà Mandy cho biết, Dự án Meranti là một khóa học hai ngày cuối tuần trong năm đầu tiên tại NIE. Tại đây, các điều hành viên đề cập đến “tầm quan trọng của việc giải tỏa chấn thương và sức khỏe tâm thần của giáo viên, trước khi cố gắng giúp đỡ học sinh”.

Hệ thống đánh giá và xếp hạng hiệu suất cũng được cho là những yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của giáo viên. Một giáo viên cho biết, hệ thống đánh giá đã tạo ra một “nền văn hóa ngột ngạt của nỗi sợ hãi và thiếu tự tin”.

Hiệu suất của giáo viên được xác định thông qua Hệ thống Quản lý Hiệu suất Nâng cao. Hệ thống này có tác động đến thù lao và sự phát triển nghề nghiệp của họ. Năm ngoái, MOE cho biết, 60% giáo viên được xếp hạng C+ và C.

Những người còn lại được xếp hạng A và B. Bà Chua-Lim cho biết, điểm số mà giáo viên nhận được “không phải là một điều ngạc nhiên”. Các buổi đánh giá công việc nên diễn ra “ít nhất hai lần một năm”. Nhờ đó, giáo viên có thể cải thiện sau lần đánh giá đầu tiên nếu cần.

Tuy nhiên, sau khi nhận được phản hồi từ các giáo viên, bà Chua-Lim thừa nhận rằng: “Khi đi vào triển khai, thực tế, phương pháp này để lại những khoảng trống. Hiện tại, chúng tôi nhận thấy phương pháp có những khoảng trống. Sau đó, chúng tôi bảo đảm sẽ lấp đầy những khoảng trống”.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ