Doanh thu ĐH Australia, Mỹ: Hứng hệ lụy từ Covid-19

Doanh thu ĐH Australia, Mỹ: Hứng hệ lụy từ Covid-19

Trường hợp của Xu và Alex

Nếu không có dịch do Covid-19 gây ra, giữa tháng 2, Xu Mingxi (22 tuổi) đã đến Mỹ để vào học một trường đại học danh tiếng ở New York. Thay vào đó cậu phải giam mình hơn 3 tuần với gia đình tại một căn hộ ở thành phố Vũ Hán, trung tâm của đợt dịch thuộc tỉnh Hồ Bắc. Nhưng ngay cả khi Xu được phép rời thành phố, nước Mỹ (nơi cậu sẽ theo học chương trình đại học 4 năm rưỡi) cũng không cho cậu nhập cảnh.

Cách đó 1.000 km tại thủ đô Bắc Kinh, Alex (tên đã thay đổi - ND) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều tuần qua, cô phải sống tại nhà với bà ngoại, mẹ và được chính quyền cung cấp những thứ cần thiết. Cô lo lắng sẽ không thể bay đến thành phố Sydney của nước Australia vào cuối tháng 2 nên khả năng phải hoãn một học kỳ của chương trình luật là rất cao.

Năm mới chỉ là thời gian nghỉ bình thường của Xu. Cậu gặp gỡ bạn bè, người thân và tiệc tùng với họ trước khi sang Mỹ. Bất ngờ đêm 23/1, cậu chuẩn bị bay trở lại New York, chính quyền Vũ Hán tuyên bố thành phố bị phong toả. Vẫn còn kịp lên đường nhưng Xu quyết định không đi vì cậu tin sẽ an toàn hơn nếu ở lại Vũ Hán và cuộc phong toả sẽ không kéo dài. Nhưng thực tế lại khác. Ngày 31/1, chính phủ Mỹ tuyên bố không cho phép bất cứ người nước ngoài nào từng đến lục địa Trung Quốc trong 14 ngày trước đó được nhập cảnh. Xu được trường đề nghị có thể theo học từ xa nhưng theo cậu, 62.000 USD bỏ ra một năm để học từ xa là không xứng đáng. Vì vậy Xu quyết định dời học kỳ. Điều đó có nghĩa là 6 tháng nữa cậu mới có thể tốt nghiệp.

Tại Đại học Sydney, nơi Alex theo học, cũng có chính sách khác cho sinh viên Trung Quốc. Những người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vào Australia do Covid-19 có thể học từ xa và sẽ bắt đầu học kỳ mới chậm hơn vài tuần hoặc chọn hoãn học kỳ cuối và hoãn ngày tốt nghiệp. Alex không thể hoàn tất học kỳ cuối để ra trường nếu cô không thể quay lại Australia vào giữa tháng 3. Học phí cô phải đóng là 30.280 USD mỗi năm sẽ không đủ nếu phải kéo dài khóa học.

Phản ứng của các quốc gia

Khi Covid-19 lan rộng, đã có hơn 60 quốc gia đưa ra lệnh hạn chế đi lại đối với các công dân Trung Quốc với hy vọng sẽ hạn chế sự lây lan. Australia và Mỹ đều cấm người nước ngoài nhập cảnh nếu từng đến Trung Quốc trong 14 ngày trước đó. Lệnh cấm này đã ngăn cản Xu và Alex thực hiện các mục tiêu của mình. Tuy nhiên, không chỉ có họ mà còn nhiều sinh viên Trung Quốc khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hiện không rõ có bao nhiêu trong 360.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ đã về quê trước khi lệnh cấm nhập cảnh trở lại được áp dụng từ 31/1.

Khi chính phủ Australia đưa ra lệnh cấm vào đầu tháng 2, ước tính có khoảng 56% sinh viên Trung Quốc (106.680 người) vẫn còn ở nước ngoài. “Đây là thời điểm có nhiều người Trung Quốc đến Australia nhất, đặc biệt là sinh viên” - Andrew Norton, giáo sư phụ trách giáo dục trên đại học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) nhận định. Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên Australia không nên áp dụng biện pháp này, Thủ tướng Australia Scott Morrison giải thích: “Chúng tôi làm vì quyền lợi của người dân Australia và cấm nhập cảnh là cách tốt nhất”.

Bài toán khó cho các đại học

Một người đàn ông đeo khẩu trang đi bộ tại Vũ Hán ngày 13/2.
Một người đàn ông đeo khẩu trang đi bộ 
tại Vũ Hán ngày 13/2. 

Những hệ quả của Covid-19 chắc chắn còn kéo dài thêm một thời gian đáng kể. Các đại học phương Tây sẽ phải tìm ra cách để giữ chân sinh viên Trung Quốc như Xu và Alex, hiện bị hoãn học kỳ hay không thể bắt đầu học kỳ. Tuy nhiên, không phải đại học nào cũng có khả năng giải quyết bài toán khó này. Điều đó có nghĩa là trong ngắn hạn, các đại học Australia phải đối mặt với việc mất khoản doanh thu từ 2 - 3 tỷ USD từ số sinh viên này. Chính phủ Australia thừa nhận không chỉ du lịch mà các lĩnh vực kinh tế, dịch vụ khác như giáo dục đại học cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này.

Rahul Choudaha, nhà phân tích xu hướng sinh viên quốc tế, thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học thuộc Đại học UC Berkeley nói: “Nước Mỹ vốn đã mất một số sinh viên Trung Quốc đáng kể do căng thẳng thương mại chưa kết thúc, Australia nay lại bị giáng thêm một đòn nữa. Tốc độ suy giảm sinh viên Trung Quốc là điều không có ai muốn”. Nhiều đại học khác bên ngoài nước Mỹ và Trung Quốc cũng phải đối phó với tình hình này. Ví dụ Hàn Quốc, nơi có khoảng 70.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học. Học kỳ mới sẽ bắt đầu vào tháng 3 nhưng nhiều đại học đã công bố sẽ dời lại vài tuần để tạo điều kiện cho các sinh viên Trung Quốc chưa thể nhập cảnh.

Khi sinh viên bị kỳ thị

Một điều đáng quan tâm nữa là hiện tượng các sinh viên Trung Quốc đang ở nước ngoài, kể cả Mỹ và Australia bị nhìn bằng đôi mắt nghi kỵ. Virus mới đã dẫn đến phong trào bài ngoại và phân chủng mới nhắm vào sinh viên Trung Quốc, và đôi khi đánh đồng với các sinh viên châu Á khác. “Tôi có cảm giác nhiều người Australia xem Covid-19 là cuộc chiến giữa Trung Quốc và thế giới chứ không phải cuộc chiến giữa virus và loài người. Tôi sợ mình sẽ biến thành mục tiêu tấn công khi quay lại Australia” – Alex nói. Xu có ý kiến khác: “Không cần phải đến New York để nhận thái độ thiếu thân thiện mà ngay tại Trung Quốc, những cư dân Vũ Hán như tôi cũng đang nhận được cách đối xử như thế”.

Giáo dục quốc tế đóng góp 37,6 tỷ AUD (27 tỷ USD) cho nền kinh tế Australia trong năm tài chính 2018 - 2019. Tại Mỹ, theo số liệu của chính phủ, các sinh viên Trung Quốc đóng góp 14,9 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm 2018.

Theo The Atlantic Unbound 2.2020

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ