Mất ngủ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và khi điều đó kéo dài, sức khỏe và cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là nguyên nhân gây tử vong cao. Do đó, cần sớm xác định nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp.
Đối mặt với hậu quả nặng nề
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ với nhiều dạng thức khác nhau như khó đi vào giấc ngủ, không thể ngủ sâu giấc, thường xuyên thức dậy sớm dù ngủ chưa đủ giấc, không thể quay lại giấc ngủ bình thường… Đồng thời, mất ngủ là một hội chứng do nhiều nguyên nhân gây ra. Trước đây, bệnh thường gặp ở người già, nhất là từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, gần đây, hội chứng mất ngủ dần dần xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi hơn.
Nguyễn Phương Hà, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết, buổi tối em thường lướt điện thoại hàng giờ đồng hồ. Sau đó, thói quen “cày” phim liên tục hết tập này đến tập khác đã khiến em không thể ngủ trước 2 giờ sáng. Nhiều ngày liền như vậy, em đã bị khó ngủ, mất ngủ. Thức khuya nhiều cũng khiến em luôn cảm thấy mệt mỏi, tinh thần uể oải, trí nhớ giảm sút và không tập trung làm việc được.
Thông thường, người già hay khó ngủ, ngủ không sâu giấc và dễ mất ngủ, song hiện nay, rất nhiều người trẻ vì thói quen sinh hoạt không đúng đã rơi vào tình trạng mất ngủ triền miên, gây nguy hiểm tới sức khỏe một cách trầm trọng.
Cũng nhiều tháng liền, 1 giờ sáng, khi mọi người chìm vào giấc ngủ, Nguyễn Huyền Trang (sinh năm 1996) vẫn thức với những ánh sáng phát ra từ màn hình máy tính. Do lượng công việc lớn, Trang thường xuyên phải thức khuya để hoàn thành kịp tiến độ. “Trung bình một ngày mình chỉ ngủ từ 4 - 5 tiếng. Sau thời gian dài, mình nóng tính hơn và không tập trung để làm việc được. Đến công ty, mình thường ngủ gật và mệt mỏi như kiệt sức. Khi không ngủ được thì mình càng tìm cách khiến cho mình buồn ngủ bằng cách lướt điện thoại. Đỉnh điểm có những ngày mình thức trắng đến hôm sau”, Trang chia sẻ.
Mai Ngọc Chung, 19 tuổi, sinh viên năm thứ 4 Học viện Ngân hàng, cho hay: “Em thường xuyên thức đến nửa đêm để làm bài tập. Ngoài việc đi học, em còn phải đi làm thêm để kiếm thu nhập giúp đỡ cha mẹ. Vậy nên em phải phân chia thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến việc đi học, đi làm và ôn tập kiến thức”.
Chung chia sẻ bản thân thích học vào ban đêm bởi đó là thời gian riêng tư, không bị quấy nhiễu hay làm phiền. Điều đó làm Chung cảm thấy yên tĩnh, tập trung, có hiệu quả, dễ tiếp thu kiến thức hơn. Vào những hôm rảnh rỗi, Chung thường xem phim, lướt Facebook, đọc sách vào đêm khuya để thư giãn, giải trí.
Theo chuyên gia, lờ đờ, uể oải, thiếu tập trung là những hậu quả của việc thức khuya đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Giấc ngủ quan trọng đối với sức khỏe bởi buổi tối là khoảng thời gian hệ thống miễn dịch bài tiết các chất độc hại, đồng thời đó cũng là khoảng thời gian hồi phục của hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Loại bỏ thói quen xấu
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, vào buổi tối, bắt đầu từ 21 giờ, cơ thể con người bắt đầu cần được thư giãn để đi vào giấc ngủ say sau 1 – 2 tiếng đồng hồ. Trạng thái ngủ từ 0 đến 1 giờ sáng khiến cơ thể được nghỉ ngơi thực sự, giúp tinh thần sảng khoái, khi tỉnh dậy.
Nên ngủ trước đó tầm 1 hoặc 2 tiếng, để vào tầm thời gian nói trên thì đã chìm vào giấc ngủ sâu. Từ 1 giờ tới 5 giờ sáng là lúc cơ thể tiết ra các chất tái sinh và nâng cao hệ miễn dịch. Nếu thức khuya thì rút ngắn hoặc thậm chí làm cơ thể bỏ qua giai đoạn này, lâu dần sẽ suy sụp thấy rõ.
Ngoài ra, việc ngủ nghỉ không đúng giờ sẽ phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể. Việc này không chỉ khiến thời gian ngủ nghỉ bị rối loạn, mà còn làm cho các hoạt động nội tiết của cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đồng hồ sinh học bị rối loạn kéo dài chính là nguyên nhân khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu năng lượng, thường xuyên mệt mỏi, giảm sức đề kháng… và tác động xấu đến hoạt động hàng ngày và sức khỏe.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nhung (chuyên khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội), các bệnh nhân mất ngủ ngày càng trẻ hóa, trong đó độ tuổi 15 - 25 chiếm tỷ lệ khá cao. Đáng nói, cứ 10 bạn, có đến 6 bạn thức khuya do sử dụng mạng xã hội. Khi thói quen xấu đặt sai chỗ, sức khỏe của nhiều người cũng bị giảm sút.
Nói về nguyên nhân của chứng mất ngủ, bác sĩ Nhung cho rằng, cuộc sống hiện đại buộc những người trẻ phải quay cuồng với học tập và công việc. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ hiện nay chính là áp lực về tâm lý.
Thông thường, những căng thẳng, lo âu xuất phát từ công việc, tài chính, các mối quan hệ trong gia đình và xã hội, những lo toan về tương lai, hôn nhân, con cái… Xã hội phát triển buộc mỗi người phải nỗ lực nhiều hơn cùng những khát vọng càng cao đôi khi lại tạo thành rào cản vô hình đẩy stress dần lên đỉnh điểm. Stress cực độ sẽ dẫn đến khó ngủ.
Không khí trong phòng ngủ thiếu lượng oxy cần thiết dẫn đến ngột ngạt và mất ngủ ở người trẻ tuổi hay thói quen ăn quá no trước khi ngủ sẽ khiến chúng ta mất ngủ do cơ thể tăng cường làm việc để có thể tiêu hóa lượng thức ăn đã nạp vào.
Bên cạnh đó, chất kích thích như cà phê, trà, thuốc lá càng ngày càng phổ biến trong cuộc sống của giới trẻ. Những chất như nicotine, cafeine trong các loại đồ uống này khiến bộ não hưng phấn, tỉnh táo và không có cảm giác muốn ngủ. Sau đó, giấc ngủ sẽ bị rối loạn giờ sinh lý và gây ra chứng mất ngủ.
Đặc biệt, có khá nhiều bệnh dẫn đến triệu chứng khó ngủ, ngủ không sâu giấc như dạ dày, tiểu đêm, cơ xương khớp, viêm xoang, viêm da dị ứng, các bệnh đường hô hấp, bệnh nan y…
Bệnh giày vò khiến cơ thể mệt mỏi, đau đớn, khó chịu… dẫn đến tình trạng ngủ không sâu giấc, trằn trọc thậm chí thức trắng cả đêm. Nhiều trường hợp bệnh nặng như ung thư, suy giảm miễn dịch… gây ra những vấn đề lo sợ về tâm lý cũng có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ.
Một số tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh cũng có thể gây ra tác dụng phụ khó ngủ, ngủ không ngon giấc. Ngoài ra, người trẻ có một cuộc sống sôi động nên lịch sinh hoạt là không cố định. Thói quen ăn uống, học tập, nghỉ ngơi, ngủ nghỉ không khoa học, không theo giờ sinh học khiến rối loạn hormone. Điều này gây ra chứng mất ngủ.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ dễ bị mất tập trung, giảm nhận thức, phản ứng chậm và thay đổi tâm trạng. Ảnh: ITN |
Chăm sóc giấc ngủ đúng cách
Bác sĩ Nhung thông tin, mất ngủ kéo dài là nguyên nhân gây tử vong cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy, người ngủ ít hơn 5 - 7 giờ mỗi đêm có nguy cơ tử vong tăng gấp đôi so với người ngủ đủ giấc. Theo đó, mất ngủ cấp tính hay mất ngủ mãn tính đều gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Cụ thể, tình trạng rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến bị mệt mỏi, uể oải, luôn trong trạng thái lờ đờ, không tỉnh táo. Hệ miễn dịch của người ngủ không đủ giấc, thường xuyên mất ngủ cũng kém hơn so với người bình thường.
Thiếu ngủ cũng làm tăng nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, đột quỵ dẫn đến tử vong. Ngủ không đủ giấc còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, có làn da khô ráp, dễ lão hóa, vết thương trên da cũng khó lành hơn; và đồng thời sẽ tạo ra tâm trạng cáu kỉnh, thất thường, khó kiểm soát cảm xúc, dễ mắc bệnh trầm cảm.
Mất ngủ khiến cơ thể bị thiếu hụt năng lượng dẫn đến việc ăn nhiều hơn, sử dụng thực phẩm kém lành mạnh gây tăng cân; làm tăng nguy cơ bị ảo giác, chóng mặt, dễ gặp tai nạn khi tham gia giao thông…
'Nghiện' thiết bị công nghệ đã khiến nhiều người mất ngủ. Ảnh: INT |
Đối với những người mắc chứng mất ngủ, nhất là ở người trẻ, bác sĩ Nhung khuyên rằng, nên áp dụng các biện pháp thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, vẽ tranh… trước khi ngủ. Có thể tập yoga, vận động nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày, tạo không gian ngủ thoải mái, mát mẻ, nhiệt độ phòng phù hợp, không gian yên tĩnh…
Nữ bác sĩ nhấn mạnh, các bạn trẻ không nên sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ ít nhất 30 phút. Cần kiểm tra các loại thuốc đang uống để xem liệu chúng có góp phần gây ra chứng mất ngủ hay không. Nếu không chắc về các loại thuốc mà bạn đang sử dụng, hãy trao đổi với bác sĩ y khoa.
Không ngủ trưa quá mức bởi thông thường, thời gian lý tưởng cho một giấc ngủ trưa là từ 20 - 40 phút và không quá 60 phút.
“Nếu áp dụng các biện pháp chữa bệnh mất ngủ không dùng thuốc nhưng vấn đề không được cải thiện, bạn có thể đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị. Khi điều trị, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để hỗ trợ bạn dễ ngủ hơn, ngủ ngon giấc hơn. Bạn nên lưu ý uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ và không tự ý mua thuốc hay thay đổi liều lượng sử dụng của thuốc để tránh các tác dụng phụ không như mong muốn”, bác sĩ Nhung nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Giấc ngủ quốc gia, có từ 10 - 30% người trong độ tuổi trưởng thành phải “vật lộn” với chứng mất ngủ hay bệnh mất ngủ kinh niên. Người bị mất ngủ thường xuyên uể oải, mệt mỏi, khó tập trung làm việc, suy giảm trí nhớ, dễ gặp tai nạn khi tham gia giao thông… Tuy nhiên, các vấn đề như mất ngủ là bệnh gì, triệu chứng mất ngủ ra sao, phòng ngừa và điều trị như thế nào… vẫn chưa được quan tâm, hiểu đúng. Do đó, cần tìm ra nguyên nhân để khắc phục ngay tình trạng này, tránh những hệ lụy nguy hại tới sức khỏe do mất ngủ gây ra.