Nghi vấn ấy thường trực với rất nhiều người bản xứ mỗi khi ra đường thấy ai đó, nhất là người châu Á, mang khẩu trang. Ít thì họ nhìn mình bằng ánh mắt ngại ngần, nặng hơn là dè bỉu rồi xa lánh.
Đó là nói lúc dịch Covid-19 chưa bùng phát chứ bữa nay, các nước Ý, Anh, Tây Ban Nha trở thành ổ dịch của châu Âu, mỗi ngày hàng trăm người chết, vượt luôn cả Trung Quốc lúc đỉnh dịch thì chuyện mang khẩu trang khi ra đường hoặc đến nơi công cộng như điều bắt buộc. Sự kỳ thị ban đầu ấy khiến nhiều nước phải trả giá đắt.
Ở Việt Nam, kỳ thị lại không nằm ở chỗ dị ứng với người mang khẩu trang vì không có dịch Covid-19 thì phần lớn những người sống tại các thành phố đông đúc đều mang khẩu trang khi ra đường để chống bụi.
Một bộ phận người Việt lại kỳ thị với những ai bị dịch Covid-19, chính xác hơn là với những người “thiếu chính xác” trong việc khai báo với cơ quan chức năng. Phải dùng chữ “thiếu chính xác” chứ không hẳn là “thiếu trung thực” vì từ khi về nước (với những người đi máy bay) đến khi sốt, ho rồi xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, những người này đã đi rất nhiều nơi mà không nhớ hết.
Tuy nhiên, cũng có người như bệnh nhân số 34 ở Bình Thuận lại khai “nhỏ giọt” về những nơi người này đến và tiếp xúc khiến cho công việc xác định những người thuộc F2, F3… trở nên khó khăn. Thậm chí người này còn ra yêu sách đòi vào Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM chứ không chịu cách ly ở Bình Thuận! Ngay cả người con dâu của bệnh nhân này cũng kiên quyết không chịu đi cách ly dù dương tính với SARS-CoV-2.
Có nhiều chuyện tế nhị trong những cuộc tiếp xúc khiến bệnh nhân không khai ra, song có một lý do mà vô tình, dư luận đẩy người bệnh, hoặc sắp bệnh vào thế khó, để thà họ che giấu dịch (biết đâu không dương tính) hơn là để mọi người biết sẽ bị kỳ thị.
Những cuộc “ném đá” của dư luận bằng tất cả lời lẽ không được văn minh cho lắm khiến nhiều “con bệnh tương lai” đứng trước sự chọn lựa khó khăn: Khai ra mình bị dính bệnh vì lỡ tiếp xúc (bí mật) với bệnh nhân để nhận “gạch đá” của dư luận hay tiếp tục giấu nhẹm để đến đâu thì đến.
Chính sự kỳ thị, nhiều khi chẳng có bằng chứng gì, thậm chí dựa vào tin giả đã vội quy kết, đã khiến cho không ít người “thà giấu sự thật hơn là khai ra để bị chửi”. Điều đó càng làm cho công tác phòng dịch và ngăn chặn lây lan của dịch gặp nhiều khó khăn.
Vì “cơ chế” lây bệnh của dịch Covid-19 là ở cấp số nhân, thậm chí cấp lũy thừa nên chỉ cần giấu một mắt xích nào đó là sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người bị cách ly nếu phát hiện ra “người bí ẩn” nọ đã tiếp xúc với người bị dịch.
Chống dịch Covid-19 không chỉ cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị mà còn rất cần sự đồng lòng và đoàn kết của toàn dân. Sự đoàn kết ấy chắc chắn là không có họ hàng gì với sự kỳ thị cả.