Ngày kỷ niệm đầu tiên từ khi lệnh cấm vận năng lượng của phương Tây đối với hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô của Nga đang đến gần.
Có vẻ tự nhiên khi các quan chức thuộc khối đồng minh muốn biết liệu những nỗ lực họ đưa ra có xứng đáng với kết quả đạt được hay không.
Những nghi ngờ về việc trần giá và các yếu tố khác của lệnh cấm vận không mang lại đủ hiệu quả đã lan rộng trong một thời gian dài. Tuy nhiên bây giờ suy đoán này đã biến từ một giả định thành sự thật.
Một báo cáo mới đây từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) lập luận rằng mức trần giá mà các nước G7 đưa ra đã không đáp ứng được tiềm năng hoặc kỳ vọng của những "tác giả".
Giới hạn giá của G7, theo thiết kế, cho phép sử dụng công cụ bảo hiểm và tài chính của phương Tây để vận chuyển dầu của Nga đến các nước thứ ba chỉ khi hàng hóa được bán với giá dưới 60 USD một thùng.
Mặc dù vậy, ý tưởng chung và đặc biệt là việc thực hiện nó hóa ra chưa đạt yêu cầu, cũng như không đáp ứng đầy đủ chức năng được giao.
CREA ước tính rằng mức trần giá đã khiến Nga thiệt hại 36,8 tỷ USD (34 tỷ euro) thu nhập từ xuất khẩu, đây rõ ràng không phải là một khoản tiền nhỏ nhưng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
"Phân tích của CREA cho thấy lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU và giới hạn giá mà G7 đưa ra đã làm giảm 14% doanh thu xuất khẩu dầu của Liên bang Nga, nhưng điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến mong muốn theo đuổi chiến dịch quân sự đặc biệt của Điện Kremlin", báo cáo cho biết.
Nga đang vượt qua các lệnh trừng phạt của Phương tây một cách khá thành công. |
Đại diện CREA phàn nàn rằng các lệnh trừng phạt mang tính cơ cấu theo ngành đã tác động lớn đến doanh thu xuất khẩu của Nga trong nửa đầu năm 2023, nhưng “việc không thực thi, tăng cường và liên tục giám sát giới hạn giá” đã cho phép Moskva bù đắp tác động trong nửa cuối năm nay.
Giới chuyên gia đặt ra một câu hỏi nhưng vẫn chưa có lời giải: Bí quyết thành công của Moskva là gì? Đó là sự tháo vát của Liên bang Nga hay sự thô sơ của lệnh trừng phạt? Nhưng dù sao đi nữa, bản tóm tắt đầu tiên tổng kết “những hạn chế nghiêm ngặt nhất” trong một năm qua hóa ra gây thất vọng lớn.
Đối với phương Tây, điều này đặc biệt đáng buồn, vì họ đã đạt đến ngưỡng cực đoan của sự cứng rắn và bài Nga trong chính trị cũng như kinh tế.
Mỹ cùng các đồng minh bị nhận xét đơn giản là không thể tiến xa hơn theo hướng này, khi khả năng đưa ra thêm hạn chế đã cạn kiệt, trong khi kịch bản leo thang xung đột vũ trang rõ ràng luôn nằm ngoài tính toán.
Nga thậm chí phản ứng đáp trả phương Tây thông qua lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel trong một thời gian nhất định. |