Hé lộ bình phong sơn mài từng thuộc sở hữu của vua Bảo Đại

GD&TĐ - Tác phẩm bình phong sơn mài 6 tấm “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” từng thuộc bộ sưu tập của vua Bảo Đại, sẽ ra mắt công chúng trong phiên đấu giá sắp tới của nhà Bonhams.

Bình phong “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” từng do vua Bảo Đại sở hữu.
Bình phong “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” từng do vua Bảo Đại sở hữu.

“Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” do họa sĩ Phạm Hậu thực hiện khoảng năm 1938 - 1945 và chưa từng xuất hiện trước công chúng. Kiệt tác này từng thuộc sở hữu của vua Bảo Đại. Tác phẩm sau đó được tặng cho Edgar Ansel Mowrer vào khoảng năm 1951, và từ đó được truyền đến chủ sở hữu hiện tại.

Kiệt tác sơn mài

Ông Edgar Ansel Mowrer.

Ông Edgar Ansel Mowrer.

Mới đây, trang web của nhà đấu giá Bonhams đưa thông tin và hình ảnh ban đầu cho phiên đấu giá được giới nghệ thuật nhận định là “bom tấn 2021”. Đáng chú ý, trong số các tác phẩm có bức bình phong 6 tấm bằng sơn mài từng thuộc sở hữu của vua Bảo Đại.

Bức bình phong “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” theo thông tin ghi chú, được sáng tạo khoảng năm 1938 – 1945. Tác phẩm có tổng kích thước 100x198cm. Sơn mài, bột và vàng lá trên gỗ. Ký và đóng dấu triện của tác giả bên góc phải.

Tác phẩm độc đáo sẽ được đưa ra trong phiên đấu giá “Southeast Asian Modern & Contemporary Art” của nhà Bonhams, tại Hồng Kông, thuộc lô 18 sẽ diễn ra vào ngày 27/11/2021. Giá ước tính cho tác phẩm từ 2.800 nghìn – 3.800 nghìn đô la Hồng Kông.

“Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” được sáng tác trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của Phạm Hậu. Bức tranh mang tất cả các yếu tố đặc trưng của một kiệt tác, với tầm nhìn độc đáo, phối cảnh thơ mộng, chi tiết tỉ mỉ và kỹ thuật sơn mài xuất sắc.

Với kích thước lớn, tác phẩm bình phong cho công chúng cơ hội được đắm mình vào phong cảnh để tiếp nhận trải nghiệm trực quan. Theo gia đình hoạ sĩ Phạm Hậu, ông sáng tác rất ít tác phẩm về Vịnh Hạ Long. Đây là bức thứ hai được biết tới, nhưng với quy mô và chất lượng vượt xa so với tác phẩm đầu tiên được bán đấu giá năm 2016.

Giống như trong hầu hết các bức tranh mà Phạm Hậu sáng tác, vẻ đẹp của thiên nhiên hiện ra theo từng tầng lớp. Ở tiền cảnh, người xem bị thu hút bởi cây phượng rực rỡ, khóm tre, những đám lá dương xỉ và lá cọ vàng trong nắng, cuối cùng là một khối đá ở góc bên phải. Nép mình trong lòng Vịnh là một làng chài yên bình với những tấm lưới hong khô trên bờ cát.

Nối tiếp là trùng điệp những vách đá hùng vĩ, uốn lượn và cuộn xoáy trước khi biến mất vào đường chân trời. Điểm xuyết trên mặt Vịnh là những chiếc thuyền mành truyền thống, trên đó các ngư dân đang hạ buồm sau một ngày lênh đênh.

Bậc thầy vẽ phong cảnh

Gần đây vấn nạn tranh thời kỳ Đông Dương liên tục bị làm giả và bày bán tại các nhà đấu giá quốc tế. Giới nghệ thuật và sưu tập cũng lo ngại “Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” bị giả. Tuy nhiên, trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà nghiên cứu Ace Lê từ Singapore cho rằng, tác phẩm này của Phạm Hậu có lai lịch rất tốt.

Họa sĩ Phạm Hậu sinh năm 1903 tại làng Đông Ngạc (Kẻ Vẽ), phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Bắc Từ Liêm - Hà Nội). Năm 1920 ông thi đỗ vào Trường Bách nghệ Hải Phòng, với mô hình nguyên mẫu của các trường dạy nghề châu Âu hồi đó.

Năm 1929, Phạm Hậu đỗ thứ 2 để vào học Trường Mỹ thuật Đông Dương. Từ năm 1932, trường đưa thêm môn chuyên nghệ học nghề sơn cổ truyền. Từ lúc này, Phạm Hậu càng tỏ ra có cá tính và bộc lộ được năng lực.

Sau khi tốt nghiệp, Phạm Hậu trở về Đông Ngạc với tư cách một họa sĩ tự do. Tardieu – vị hiệu trưởng tìm đến Đông Ngạc để giao cho học trò hợp đồng của một hãng thuốc lá Pháp, với yêu cầu vẽ 50 chiếc hộp bằng sơn mài trang trí rồng phượng. Thế là xưởng sơn mài với đội ngũ gồm những người thợ thủ công, thợ sơn ở Bối Khê ra đời.

Phạm Hậu và Nguyễn Gia Trí được công nhận rộng rãi là hai bậc thầy sơn mài tiên phong tại Hà Nội. Vào năm 1944, hai ông tổ chức triển lãm chung và tạo được thành công vang dội.

Nếu Nguyễn Gia Trí là số 1 khi tả về phụ nữ Việt Nam, thì Phạm Hậu có thể được coi là bậc thầy của phong cảnh đất nước. Trong tranh ông, những ngôi chùa cổ, ruộng lúa châu thổ sông Hồng, chốn làng quê yên ả… được ông “nắm bắt linh hồn” và đưa những hình ảnh ấy trở thành bất tử.

“Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long” cho công chúng thấy kỹ thuật sơn mài thượng thừa của Phạm Hậu. Dù chung thủy với bảng màu sơn mài hạn chế, ông vẫn thể hiện một cách tài tình đủ mọi cung bậc và cấp độ sắc màu của vàng, nâu, đỏ son, hổ phách. Qua đó cho thấy sự vô hạn của sơn mài trong việc diễn tả thế giới màu sắc.

Đỏ và vàng - hai nguyên liệu đắt đỏ nhất, là màu sắc mang tính biểu tượng và tâm linh phương Đông. Màu vàng đại diện cho sự thịnh vượng, còn màu đỏ đại diện cho quyền lực và may mắn - cũng là hai màu sắc chính thức của hoàng gia và triều đình. Điều đó lý giải tại sao hai màu này được chọn để tạo nên bảng màu chủ đạo cho bức bình phong.

Nhà phân tích nghệ thuật Phạm Lê bật mí, kiệt tác này của Phạm Hậu có một xuất xứ vô song. Bức bình phong từng thuộc về cựu hoàng Bảo Đại - người đã đặt mua một số tác phẩm tranh và bình phong từ Phạm Hậu cho bộ sưu tập cá nhân, cũng như làm quà tặng chính thức cho các chính khách và chính trị gia.

Năm 1951, bức bình phong được trao tặng cho Edgar Ansel Mowrer (1892 – 1977), khi ông đến thăm Bảo Đại tại Đà Lạt cùng Bộ trưởng Mỹ Donald Heath và Toàn quyền Thống chế Pháp Jean de Lattre. Edgar là một nhà báo và tác giả nổi tiếng của Mỹ, người từng đoạt giải Pulitzer.

Trong thời gian này, ông đi khắp nơi ở miền Viễn Đông để đưa tin về các cuộc xung đột đang diễn ra trong khu vực. Bức bình phong được giữ tại căn nhà ở vùng ngoại ô tại New Hampshire của gia đình ông từ đó. Gia đình cũng giữ tấm danh thiếp của Bảo Đại, ở mặt sau có ghi chú của Edgar Mowrer về bức tranh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ