Nhà đấu giá miêu tả: “Thanh kiếm đại diện cho một quốc gia thịnh vượng, hòa bình và hạnh phúc và được trang trí bằng đá quý bên trong, các chi tiết được khắc và tay cầm hình hoa sen. Trên tay cầm của kiếm còn khắc nhiều dòng chữ “Vương quyền Thành Thái”.
Kiếm gia truyền nghìn năm?
Thanh kiếm được đăng bán với giá khởi điểm 5.000 USD, với mỗi bước giá tăng tối thiểu là 2.500 USD. Vật phẩm đã thu hút hơn 2.000 lần tham quan trực tuyến.
Về nguồn gốc thanh kiếm, trên trang mạng của GWS Auctions ghi: “Đây là thanh kiếm của vua Thành Thái (từ một hoàng tộc Việt Nam). Tác phẩm lịch sử Hoàng gia Việt Nam lẫy lừng này là một thanh gươm quý mà theo người bán là của vua Thành Thái (Nguyễn Phước Bửu Lân), vị vua thứ 10 của triều Nguyễn Việt Nam.
Thanh kiếm được trang trí công phu này là một trong những loại vũ khí cổ của Việt Nam được săn lùng nhiều nhất và được mang theo suốt thời gian trị vì triều Nguyễn. Thanh kiếm theo truyền thống được quy định dành cho các hoàng đế - những người được cho là có “nhiệm vụ của Trời” để cai trị người dân của họ.
Mặc dù, quyền lực của vua là tuyệt đối nhưng họ phải chịu trách nhiệm về sự thịnh vượng của người dân cũng như duy trì công lý, trật tự cho xã hội. Thanh kiếm đại diện cho một quốc gia thịnh vượng, hòa bình và hạnh phúc, được trang trí bằng đá quý bên trong, các chi tiết khắc tinh xảo cùng đuôi tay cầm chạm hình hoa sen.
Thanh kiếm cũng có khắc các chữ cổ gồm “Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn”, “Duy trì công lý và trật tự”, “Thiên mệnh: Hoàng đế Thành Thái”.
Vật gia truyền quý giá này đã tồn tại qua nhiều cuộc chiến tranh, nhiều triều đại và tồn tại hơn 1.000 năm. Tác phẩm này đến từ tài sản của một gia đình hoàng gia Việt Nam hiện đang sống ở Mỹ với mong muốn được giữ kín gia thế vì họ vẫn còn người thân sống ở Việt Nam”.
Một số kênh truyền thông trong và ngoài nước cho rằng, phiên đấu giá GWS Auctions về thanh kiếm được cho là của vua Thành Thái không thành công, khi giá khởi điểm chỉ có 5.000 USD. Tuy nhiên, một nguồn tin khác từ Việt Nam cho rằng, thanh kiếm đã bán với giá 50 nghìn USD.
Sự kiện rao bán thanh kiếm được cho là thuộc sở hữu của vua Thành Thái thu hút sự quan tâm rất lớn từ giới cổ vật Việt Nam. Tuy nhiên, do nhà đấu giá không cung cấp thêm các bằng chứng khác, ngoài các thông tin dễ gây nghi ngờ nên để lại dấu hỏi lớn xoay quanh hiện vật là thật hay giả.
Thanh kiếm được tiết lộ có kích cỡ dài 81cm, nơi rộng nhất 10cm và bề rộng lưỡi kiếm là 3,8cm. Kiếm được trang trí nhiều chi tiết chạm trổ tinh xảo, nạm đá quý, có khắc dòng chữ trên tay cầm.
Khẳng định kiếm giả
Ngay khi phiên đấu giá kết thúc, giới cổ vật cũng như nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam xôn xao về các thông tin liên quan.
Đầu tiên là bàn về 4 chữ Hán “Vương quyền Thành Thái”. Giới nghiên cứu Hán Nôm cho rằng, viết và đọc chữ Hán mặc định là từ phải qua trái hoặc từ trên xuống dưới, không có ngoại lệ.
Thế nhưng 4 chữ này lại được viết từ trái qua phải. Qua hình ảnh chụp lại, giới nghiên cứu phát hiện không chỉ dừng lại ở 4 chữ này, mà tất cả các cụm chữ Hán còn lại khắc trên thanh kiếm đều ngược lại với quy tắc viết và đọc chữ Hán.
Thế nên, ngay từ lối khắc chữ trên thân kiếm đã thể hiện đó là một món đồ giả, được thiết kế bởi những người ít am hiểu và không có chuyên môn về Hán Nôm. Không chỉ có vậy, cách dùng 4 chữ “Vương quyền Thành Thái” cũng không chính xác khi đặt vào thể chế chính trị nhà Nguyễn.
Theo TS Đoàn Thành Lộc, dòng chữ “Thập nhất niên trọng xuân chi cát, công bộ phụng giám chú” (chế tạo vào ngày tốt của tháng 2, năm Thành Thái thứ 11 do Bộ Công chế tạo) sai cả về lối viết và ngữ nghĩa. Chữ Công Bộ (工部) chỉ cơ quan hành chính, nhưng trên thanh kiếm chữ Công (工) trong “công việc” lại thành chữ Công (公) trong “công chúa” hay “tước Công”.
Trong khi Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện đang trưng bày 2 thanh “An Dân Bảo Kiếm” của Hoàng đế Khải Định với lối khắc chữ truyền thống, thì 4 chữ còn lại của thanh kiếm đang bị nghi ngờ kia có lối viết ngược lại. Về chế tác, thanh kiếm được đấu giá thua xa độ tinh xảo so với bảo kiếm nhà Nguyễn đang được trưng bày tại bảo tàng.
TS Anh Sơn, một nhà nghiên cứu Huế khẳng định đó là kiếm giả. Ông nói rằng, không có người nào khắc tên vua lên đốc kiếm đã có hoa văn sẵn. Người làm kiếm không hiểu nguyên tắc của triều Nguyễn.
Theo tư liệu lịch sử, vua Thành Thái (14/3/1879) tên khai sinh là Nguyễn Phúc Bửu Lân, là con thứ 7 của vua Dục Đức. Ông là hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, một người yêu nước, có tư tưởng canh tân nhưng cuộc đời gặp nhiều uẩn ức.
Ông lên ngôi lúc 10 tuổi (năm 1889) tại điện Thái Hòa. Năm 1907 chính quyền thực dân phát hiện ông có tư tưởng chống Pháp, nên ép phải thoái vị và áp giải vào Sài Gòn rồi bị quản thúc tại Vũng Tàu.
Năm 1916, ông bị đày sang đảo Reunion (châu Phi) cùng với người con trai là vua Duy Tân cũng bị phế truất. Trong những năm lưu đày, vị cựu hoàng đế phải sống cuộc đời chật vật. Sau năm 1945, ông được trở về Việt Nam và sống cùng gia đình tại Vũng Tàu. Ngày 20/3/1954, ông mất tại Sài Gòn, thọ 75 tuổi, và được an táng tại khuôn viên thành An Lăng (Huế).