3 giờ sáng của một đêm mùa đông cũ, nghệ sĩ Mạc Can gửi một tin nhắn khiến người nhận vô cùng lo lắng. Ông bảo đang rất buồn, rất đói và muốn chết.
Sáng hôm sau tôi chạy ngay đến gặp ông, khi ấy ông vẫn hay ngồi uống trà đá ở cà phê khuôn viên Hội Nhà văn TPHCM. Vài ngày sau tôi nghe tin ông đi Mỹ.
5 năm sau, cũng vào buổi sáng mùa đông, ông gọi cho tôi không nói gì rồi lại tắt máy. Một đỗi sau mới thấy ông gọi lại, ngập ngừng khó nhọc báo tin ông cấp cứu ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vì xuất huyết dạ dày.
Tôi hỏi có ai bên cạnh ông chưa, Mạc Can bảo chỉ rất ít người biết ông vào viện. Tin nhắn gần nhất ông vừa gửi cho những người thân thiết báo ông đã chuyển về Khoa Tiêu hóa, lầu 2 khu C3, Bệnh viện Nguyễn Trãi.
Trong suốt chặng đường cầm bút của mình, tôi chưa từng gặp nhân vật nào có số phận kỳ lạ, những hành trình kỳ lạ và cũng cô đơn một cách kỳ lạ như nghệ sĩ Mạc Can.
Với trẻ con, Mạc Can như một ông hề già lúc nào cũng có thể làm chúng bật cười với những trò ảo thuật vui, dáng điệu dí dỏm và luôn pha trò. Với người lớn, ông ở lại bằng những vai diễn cả hài hước lẫn có số phận thăng trầm.
Mạc Can nhiều lần bảo, khuôn mặt ông là hiện thân của một số phận bi kịch, chứ có gì vui đâu mà cứ thấy ông là người ta lại tưởng thấy hề, thậm chí ông “xụ mặt tiu nghỉu” mà khán giả cũng tưởng ông đang làm trò.
“Nghĩ thật là kỳ lạ. Tôi thấy mặt tôi có gì vui đâu!” - Ông nói vậy khi ngồi uống ly trà đá quen thuộc trong góc quán cà phê mà ai cũng gọi sinh tố, cà phê…
Nghệ sĩ bảo cuộc đời ông buồn quá mà sao ai nhìn cũng ra khuôn mặt hài...
Mạc Can bảo ông không uống được “mấy thứ sang trọng đó”. Cuộc đời của ông là vậy. Giản dị và lặng lẽ với chiếc xe máy cũ, từng sáng từng chiều không lầm lũi đến phim trường thì cũng ngồi đâu đó với những người bạn văn hay lặng lẽ trên trang viết.
Những năm tháng này, ông ít xuất hiện trên màn ảnh mà dồn sức viết văn, viết tiểu phẩm cho một số chương trình của các đài truyền hình tỉnh.
Sức khỏe đã ngày một yếu đi, nhưng Mạc Can bảo ai có vai, mời ông vẫn nhận, bất kể đó là bao nhiêu phân đoạn, dài hay ngắn. “Có lần ông Bắc (Đạo diễn Lê Cung Bắc) gọi tôi ra phim trường, chờ cả buổi chỉ xuất hiện có đúng một phân cảnh rồi về, tôi cũng thấy vui” - Mạc Can bảo.
Cứ ai gọi là ông đi, một phần để được sống với nghề, phần khác cũng là để kiếm tiền. Ai bảo làm diễn viên có nhiều tiền, nhưng tôi thấy nghệ sĩ Mạc Can dường như thường trực trong tình trạng “cháy túi”.
Mạc Can hay đùa, lấy cái nghệ danh nghe là không giàu được rồi. Ông vất vả khốn khó từ trong trứng cho đến lúc về già, trải đi một hành trình quá đỗi thăng trầm.
Một cuộc đời được sống trọn vẹn trong tác phẩm đầu tay Tấm ván phóng dao, rồi sau đó là Phóng viên mồ côi... Cho đến sau này, dù ông cũng đã sang tận Mỹ sinh sống suốt hai năm rồi trở về, tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Chỉ có những con chữ ở lại trong những trang sách từ những ngày đơn độc viết ở xứ người.
Nghệ sĩ Mạc Can giữa mùa đông tiểu bang Texas - Mỹ
Mạc Can bảo cuộc đời ông đi qua bây giờ nhìn lại đâu cũng thấy thân phận con người. Ông không cần phải đi đâu nữa, cứ ngồi nhà mà viết cũng ra khối chuyện.
Có đêm ông mở hai ba bản thảo, viết cái này “bí đường” thì chuyển sang cái kia. Nửa đêm đi loanh quanh trong nhà nghĩ ngợi, đói bụng thì xúc gạo nấu cơm ăn, rồi viết tiếp.
Bẵng đi một thời gian tôi lại thấy ông khỏe re tham gia hành trình trao học bổng cho học sinh vùng sâu vùng xa của hai nhà văn - nhà báo Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền.
Chuyến đi xa tận đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Lại còn sức “cụng bia dzô dzô” với anh em nhà báo trong đoàn, tôi đã yên tâm rằng ông vẫn khỏe.
Cuộc đời ông có gì mà chưa trải qua đâu, từng một mình đi qua những mùa xuân hạ thu đông trên nước Mỹ, đi biểu diễn dạo ở các sân khấu hội chợ, làm thêm ở tiệm bánh mì, chịu đựng giá rét và cả nỗi cô đơn thăm thẳm khi nhìn tuyết giăng trắng trời qua khung cửa nhỏ một ngôi nhà nằm ở ngoại ô thành phố Dallas xa xôi…
Bây giờ, nghệ sĩ Mạc Can đã đi gần trọn một kiếp nhân gian, tôi vẫn thấy ông như một ông hề già cô độc đi tìm kiếm yêu thương trong cuộc đời vô lượng, mênh mông phía cuối đất cùng trời...