* Nhiều người cho rằng, vinh danh, tri ân nhà giáo không chỉ là một ngày 20/11 mà cần coi đó là hoạt động thường xuyên? Vậy quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Trước hết tôi cho rằng, ngày Nhà giáo Việt Nam luôn là ngày hội lớn dành cho các nhà giáo, đề cao đạo lý “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn” trong quan hệ thầy trò. Nhiều hoa tươi. Những lời chúc mừng tốt đẹp.
Nhiều hoạt động tri ân và vinh danh nhà giáo được các cơ sở giáo dục, các cấp, các ngành tổ chức - đó là món quà tinh thần vô giá đối với những người làm nghề giáo. Nhiều nước trên thế giới cũng kỷ niệm Ngày Hiến chương Nhà giáo theo những sắc thái khác nhau tùy thuộc vào lịch sử và nền văn hóa đặc trưng.
Chẳng hạn như ở Trung Quốc, nhiều thế hệ học sinh cũng như các bậc ông bà, cha mẹ Trung Quốc đến viếng thăm các đền miếu thờ những vị hiền triết có công tạo dựng nền giáo dục và triết lý sống nhân sinh quan;
ở Hàn quốc, các học trò sẽ tặng thầy cô giáo của họ những bông hoa cẩm chướng để biểu hiện cho tình yêu và lòng tôn kính; các cựu học sinh thăm hỏi và tặng những món quà đầy ý nghĩa cho thầy cô giáo cũ;
Tại Thái Lan, nhiều trường phổ thông tổ chức buổi lễ kỷ niệm đậm màu sắc tôn giáo, các nhà sư sẽ cầu nguyện cho toàn thể giáo viên và học sinh dâng hoa lên những người thầy của mình.
Mục đích của việc lấy ngày 20/11 hằng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam là để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên; cũng là nguồn động viên hết sức to lớn đối với các thầy cô giáo.
* Quan tâm đến đội ngũ nhà giáo bằng những chế độ chính sách, mới là sự quan tâm có tính bền vững. Bà có bình luận gì với đề xuất này?
- Đúng vậy! Bởi chính sách là sự thể hiện một cách cụ thể chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục; cũng là thể hiện mạnh mẽ sự quan tâm và những cam kết của các nhà lãnh đạo đối với nhà giáo.
Có thể thấy, trong các quy định từ Nghị quyết của Đảng cho đến các quy định pháp luật của Nhà nước cũng luôn đề cập đến vấn đề chính sách cho nhà giáo; qua đó, từng bước nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Tuy nhiên, trong thực tế, chính sách nhà giáo có nhiều vấn đề còn tồn tại, nhất là vấn đề tiền lương. Mặc dù quan điểm của Đảng là tạo điều kiện cho nhà giáo có được thu nhập cao nhưng trong thực tế mấy chục năm qua, khi so sánh về tiến độ điều chỉnh chính sách tiền lương thì chính sách tiền lương dành cho nghề giáo hầu như rất ít thay đổi. Áp lực đối với nhà giáo ngày càng tăng trong khi thu nhập của nhà giáo so với mặt bằng chung đang thấp.
Trên quan điểm đó, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 đã chỉnh sửa, bổ sung một loạt chính sách liên quan đến vấn đề xếp lương và hưởng phụ cấp đặc thù nghề; chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ...
Hy vọng trong thời gian tới, các cơ chế chính sách sẽ được đi vào thức tiễn cuộc sống, để thầy cô giáo toàn tâm toàn ý với nghề dạy học cao quý, yên tâm đứng trên bục giảng, được say mê cống hiến cho đời, cho người.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa |
* Một vài ý kiến dư luận cho rằng, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đang bị tác động bởi cơ chế thị trường. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?
- Thực ra, nhìn ở hiện tượng xã hội, nói truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đang bị tác động bởi cơ chế thị trường không sai. Trước đây quà dành cho thầy cô thường mang ý nghĩa tinh thần như: tấm bưu thiếp, bài thơ báo tường, những bông hoa, thứ quả trong vườn nhà …
Nhưng ngày nay, cùng với hoa tươi là các món quà có giá trị hơn, thậm chí có thể quy đổi thành “phong bì” kèm theo sự gửi gắm mang màu sắc thương mại hơn; và cách thức trao quà cho thầy cô dường như cũng không còn tinh tế nữa.
Sự thay đổi này dường như đang làm mất dần ý nghĩa của Ngày nhà giáo, và làm không ít nhà giáo phải ngậm ngùi, thậm chí cảm thấy bị tổn thương; còn xã hội thì cảm thấy bức xúc, nghi ngờ giá trị của tinh thần “tôn sư trọng đạo” và băn khoăn về môi trường giáo dục.
Tuy nhiên, phải đánh giá vấn đề này khách quan và công bằng hơn. Có thể trong thực tế, xuất hiện một bộ phận rất nhỏ nhà giáo thiếu tu dưỡng, rèn luyện nên bị cơ chế thị trường chi phối; nhưng đại đa số nhà giáo trong ngành vẫn tâm huyết và cống hiến từng ngày, từng giờ cho sự nghiệp giáo dục; khắc phục khó khăn, bám trường, bám lớp vì học sinh.
Có thể có những biến tướng trong văn hóa tặng quà cho thầy cô giáo, nhưng đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về Ngày Nhà giáo Việt Nam, vì vẫn còn rất nhiều những tình cảm trong sáng của bao thế hệ học trò dành cho thầy cô giáo của mình. Và những nhà giáo chân chính ngày nay vẫn rất tự hào, trân trọng những món quà tinh thần vô giá ấy.
* Cũng từng là nhà giáo, vậy ngày 20/11, bà có mong muốn, đề xuất gì cho đội ngũ nhà giáo.
- Với tôi, tình cảm dành cho nhà giáo bao giờ cũng rất đặc biệt. Đó là sự biết ơn đối với các thầy cô giáo cũ; là tình cảm gắn bó, chia ngọt sẻ bùi đối với đồng nghiệp; là niềm kính trọng của một phụ huynh đối với thầy cô giáo đã và đang dạy dỗ, dìu dắt các con của mình.
Điều mong muốn lớn nhất của tôi là hãy trả lại ý nghĩa đích thực của Ngày Nhà giáo Việt Nam, trả lại sự trong lành cho môi trường giáo dục. Hãy dành cho các thầy cô giáo sự tôn trọng, tin tưởng một cách chân thành để các thế hệ thầy cô giáo được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc trong ngày vui của nghề.
Xin cảm ơn bà!