Hậu vệ Trương Văn Thiết: Người biến giấc mơ thành hiện thực

GD&TĐ - 7 năm theo đuổi giấc mơ lên tuyển, trên hành trình đó với biết bao đắng cay, nỗ lực, cuối cùng niềm khao khát của Trương Văn Thiết trở thành hiện thực.

Văn Thiết (phải) trong buổi tập của đội tuyển Việt Nam.
Văn Thiết (phải) trong buổi tập của đội tuyển Việt Nam.

HLV Park Hang Seo đã điền tên cầu thủ đa năng của Viettel vào danh sách đội tuyển quốc gia cho chiến dịch vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á.

Cú sốc cần thiết

31 cầu thủ được HLV Park Hang Seo triệu tập chuẩn bị cho 32 trận mở màn vòng loại thứ 3 World Cup 2022, vòng đấu có sự hiện diện của những đội bóng hàng đầu châu lục và đồng thời, xác định 4,5 suất đi Qatar vào năm sau.

Lực lượng cơ bản của đội tuyển Việt Nam lần này là những cầu thủ vừa tham dự các trận đấu vòng loại thứ 2 ở UAE. Ngoài ra, ông thầy người Hàn bổ sung một số nhân tố mới như Tiến Anh (Bình Định), Tuấn Hải (Hà Tĩnh), Tuấn Tài (TPHCM) và đặc biệt, cầu thủ đa năng Trương Văn Thiết (Viettel).

Cho đến ngày tập trung đội tuyển, khoác lên mình chiếc áo có lá cờ Tổ quốc và bước ra sân tập luyện, cầu thủ của Viettel dường như vẫn chưa tin vào khao khát 7 năm qua đã thành hiện thực.

“Tôi bất ngờ và rất hạnh phúc khi được HLV Park Hang Seo gọi lên đội tuyển quốc gia. Sau khoảng thời gian khoác áo U19 Việt Nam, đây là một dấu mốc mới với tôi. Đội tuyển quốc gia đang có nhiều trung vệ quá xuất sắc nên tôi xem đây là vinh dự lớn của mình, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa” - Văn Thiết chia sẻ.

Văn Thiết trưởng thành từ lò đào tạo Viettel. Vào thời điểm năm 2013 và 2014, hậu vệ sinh năm 1995 là cầu thủ hiếm hoi có chỗ đứng vững chắc trong đội hình U19 Việt Nam, cùng lứa cầu thủ tài năng của Học viện HAGL như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… Thậm chí, giai đoạn đó, HLV Guillaume Graechen luôn xếp Văn Thiết đá chính trong vai trò trung vệ U19 Việt Nam tại giải U19 Đông Nám Á 2019 và giải tứ hùng U19 quốc tế 2014.

Bên cạnh tài năng, các cầu thủ U19 Việt Nam giai đoạn đó hiếm khi chơi tiểu xảo, phi bạo lực. Trung vệ Văn Khánh với hành động đá xấu, đá láo hay cãi trọng tài đã bị loại ra khỏi danh sách U19 Việt Nam.

Cũng bởi vậy mà ở giải vô địch U19 Đông Nam Á 2013, ngay cả khi bị các cầu thủ chủ nhà chơi xấu, Văn Thiết cũng không phản ứng hay tiểu xảo. Tuyển thủ trẻ Việt Nam chấp nhận rời sân vì chấn thương, thay vì để lại điều tiếng xấu cho đội tuyển U19 Việt Nam. Hành động rất đẹp của Thiết.

Văn Thiết được gọi lên tuyển bởi sự đa năng.

Văn Thiết được gọi lên tuyển bởi sự đa năng.

Mặc dù vậy, đến khi chốt danh sách tham dự VCK19 châu Á 2014 tại Myanmar, Trương Văn Thiết bị loại trong sự ngỡ ngàng của chính anh và nhiều người dõi theo bước chân của thầy trò Guillaume Graechen. Cũng từ đây, đồng đội của Thiết, những gương mặt của lò HAGL hay nhóm cầu thủ của Hà Nội như Duy Mạnh từng bước khẳng định tài năng và tỏa sáng trong màu áo các đội tuyển quốc gia. Còn cầu thủ quê Thanh Hóa, dường như việc anh bị bỏ lại đằng sau đã mang đến cú sốc khá tệ về tâm lý.

Cái tên Trương Văn Thiết lặng lẽ chìm xuống. Một phần cũng bởi Viettel đá ở hạng nhì và hạng nhất trước khi góp mặt ở V-League 2019. Tài năng của Viettel chỉ trở lại nhưng ở vào tình thế đáng xấu hổ.

Trong khuôn khổ vòng 6 hạng Nhất năm 2016, trên sân Hàng Đẫy, Viettel đánh bại Phú Yên với tỷ số 2 - 0. Nhưng tình huống đáng chú ý nhất là hành vi bạo lực trên sân. Phút 75 của trận đấu, Văn Thiết trong pha bóng theo kèm đã vung tay đánh thẳng vào mặt tiền vệ Quang Nam của Phú Yên, khiến cầu thủ đội khách nằm sân đau đớn.

Trọng tài Nguyễn Hữu Tuấn chỉ rút thẻ vàng đối với Văn Thiết, trong khi đây là hành động đáng phải nhận thẻ đỏ. Không những thế, sau khi có sự hội ý với giám sát trọng tài, ông Tuấn quyết định rút thẻ vàng cho cả 2 cầu thủ, điều này khiến Quang Nam phải nhận thẻ đỏ (2 thẻ vàng) vì trước đó cầu thủ này đã nhận 1 thẻ vàng. Trận đấu gián đoạn do các cầu thủ Phú Yên phản ứng quyết liệt với trọng tài. Khán giả và truyền thông… bức xúc. Văn Thiết trở thành đề tài bị cộng đồng mạng “ném đá”.

Ngay trong buổi tối hôm đó, ngày 13/5, lãnh đạo đội Viettel quyết định kiểm điểm, không đăng ký Văn Thiết thi đấu cho đến hết giải hạng nhất 2016. Vài ngày sau, cầu thủ của Viettel nhận án phạt cấm thi đấu 4 trận kế tiếp, phạt tiền 15 triệu đồng từ Ban Kỷ luật LĐBĐVN (VFF).

Thực tế, số trận đấu mà Văn Thiết bị treo giò không quá lớn. Nhưng cách mà Ban Kỷ luật VFF hay Viettel quyết định đưa ra án phạt nặng tay nhằm để cho chính Văn Thiết hay các cầu thủ đồng trang lứa không đi vào vết xe đổ của bóng đá bạo lực.

Những cầu thủ đồng trang lứa với Văn Thiết chính là Bùi Tiến Dũng ở Viettel, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Toàn của lò HAGL hay Duy Mạnh, Đức Huy của Hà Nội FC... Đó là những cầu thủ của U19 Việt Nam năm 2013, 2014 từng gây ấn tượng mạnh về thứ bóng đá đẹp mắt, cống hiến và đặc biệt là không bạo lực.

Và cũng những cầu thủ này sau đó tiến bộ không ngừng, góp phần mang đến rất nhiều thành công cho bóng đá Việt Nam hơn 3 năm qua, dưới thời HLV Park Hang Seo. 

Đội tuyển Việt Nam bước vào đợt tập luyện chuẩn bị hướng đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Đội tuyển Việt Nam bước vào đợt tập luyện chuẩn bị hướng đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Giải pháp thay Văn Hậu

Văn Thiết đã thi đấu rất ấn tượng năm 2018, cùng Viettel giành suất lên chơi V-League 2019. Tuy nhiên, cầu thủ sinh năm 1995 lại phải đương đầu với thử thách khác, bởi Viettel đưa về trung vệ đội trưởng đội tuyển Việt Nam Quế Ngọc Hải.

Xét về nhiều góc độ, tài năng, kinh nghiệm và danh tiếng, rõ ràng cặp trung vệ Quế Ngọc Hải – Bùi Tiến Dũng luôn là sự lựa chọn số 1. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên cùng Viettel lên chơi V-League, con số 9 trận đá chính được coi là thành công với Văn Thiết, khi bên cạnh anh đều là những trung vệ thép đang khoác áo đội tuyển quốc gia.

Viettel kết thúc mùa giải 2020 bằng chức vô địch V-League 2020. Nhưng trên hành trình vinh quang của đội bóng thuộc doanh nghiệp Quân đội, Văn Thiết khá mờ nhạt, anh tự nhận mình chẳng đóng góp gì nhiều khi chỉ đá 8 trận. Tuy nhiên, mùa giải 2021 đã mở ra một trang mới với Thiết. HLV Trương Việt Hoàng mang đến sự đa dạng về lối chơi cho Viettel, trong đó hàng phòng ngự được xây dựng với bộ ba trung vệ, gồm: Văn Thiết (phải), Ngọc Hải (giữa) và Tiến Dũng (trái).

Văn Thiết tận dụng tốt cơ hội, ra sân 6/12 trận. Đặc biệt, ở mặt trận AFC Champions League, cầu thủ sinh năm 1995 được vào sân 4 trận và khẳng định được năng lực trong khi Ngọc Hải hay Tiến Dũng có dấu hiệu quá tải sau vòng loại World Cup trên đất UAE. Điều đó giúp anh nhận phần thưởng là hợp đồng có thời hạn 3 năm, kéo dài đến năm 2024 với Viettel. Lối chơi mạnh mẽ, lăn xả và hiệu quả dù thi đấu ở vị trí trung vệ hay hậu vệ trái của Văn Thiết đã thuyết phục được ông thầy Park Hang Seo.

Hậu vệ sinh năm 1995 hoàn toàn có thể trở thành phương án mới của ông thầy người Hàn trong kế hoạch xây dựng và làm mới đội hình đội tuyển Việt Nam cho các trận đấu rất khó khăn ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và VCK AFF Cup 2020 đang đến gần. Đặc biệt, sự đa năng của Văn Thiết cũng có thể là phương án thay thế cho Đoàn Văn Hậu đang chấn thương.

Văn Hậu cần có thời gian bình phục chấn thương đầu gối.

Văn Hậu cần có thời gian bình phục chấn thương đầu gối.

Kể từ khi được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam ở tuổi 18, đến lúc này, Văn Hậu trở thành một phần không thể thiếu của ông Park trong tất cả các giải đấu. Trong cách chơi của HLV Park Hang Seo, hậu vệ người Thái Bình luôn là sự lựa chọn số 1 bên hành lang cánh trái của đội tuyển Việt Nam hay U23 Việt Nam.

4 năm qua từ VCK U23 châu Á tại Thường Châu đến Asiad, AFF Cup... Văn Hậu luôn là một trong số các cầu thủ hay nhất. Nhưng bây giờ, ông Park cần phải tìm kiếm nhân sự mới cho hành lang cánh trái thay vì trông chờ vào hậu vệ người Thái Bình.

Trước đó, HLV Park Hang Seo dùng Văn Hậu tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 trong bối cảnh cậu học trò chưa lành hẳn chấn thương. Hơn 170 phút ra sân trong 3 trận đấu gặp Indonesia, Malaysia và UAE rõ ràng quá tải đối với đôi chân của Văn Hậu, vì thế dù chơi đầy nỗ lực nhưng hậu vệ của tuyển Việt Nam cũng chỉ hoàn thành nhiệm vụ. Phải chăng vì sự mạo hiểm của ông Park, đôi chân của Văn Hậu tiếp tục có vấn đề nên những ngày qua không thể tham gia các buổi tập với đội tuyển Việt Nam.

Cựu danh thủ Đặng Phương Nam cho biết: Văn Thiết là trường hợp gây bất ngờ nhất cho nhiều người, trong đó có tôi, khi anh được lên tuyển. Thể lực của Thiết hơi yếu và kém về sức bền, nhưng cầu thủ này có kỹ năng cầm bóng, phát động tấn công, chơi thông minh, kỹ thuật khéo léo, phù hợp với sơ đồ 3 trung vệ của thầy Park. Ngoài ra, Thiết còn có thể đá được vị trí hậu vệ trái. Nếu Hậu không thi đấu, có thể Thiết cũng là một giải pháp.

Ứng viên số 1 thay thế Văn Hậu có thể là Hồng Duy, cầu thủ có phong độ cao trong năm 2021 và kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Nhưng Văn Thiết cũng xứng đáng được thử nghiệm và trao niềm tin. Điều đó được minh chứng bằng sự lựa chọn của HLV Park Hang Seo, và rất có thể cầu thủ sinh năm 1995 sẽ nối dài danh sách những phát hiện mới hiệu quả của ông thầy người Hàn. 

Cú sốc năm 2014 khiến cho Văn Thiết mất rất nhiều thời gian để lấy lại trạng thái thăng bằng. Ngay cả đến thời điểm vung tay đánh vào mặt Quang Nam dường như trong anh vẫn có sự bức bối nào đó chưa được giải tỏa. Đến sự cố năm 2016, Văn Thiết chịu tiếng “cầu thủ đá bạo lực”, “biến sân cỏ thành võ đài”, song đây lại là thời khắc quan trọng để anh chiêm nghiệm về mặt nghề nghiệp để hoàn thiện bản thân mình. Chính án kỷ luật kép, từ VFF và Viettel đã giúp cho cầu thủ sinh năm 1995 thi đấu kiềm chế, trưởng thành hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ChatGPT đang gây sốt trên toàn thế giới với khả năng giao tiếp tự nhiên và dữ liệu kiến thức khổng lồ.

Người lao động tận dụng ChatGPT

GD&TĐ - ChatGPT là nền tảng công nghệ dạng tổng hợp tri thức và được kiểm chứng - nếu biết sử dụng đúng cách có thể khai thác để phục vụ cho công việc, học tập.
Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” tại Tượng đài kéo pháo. Ảnh: NTCC

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

GD&TĐ - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...
Bạn có thể tận hưởng sự gắn kết thể xác với bạn tình và có một mối quan hệ yêu đương, nhưng vì lý do nào đó, bạn trở nên ít hứng thú với tình dục. (Ảnh: ITN)

Khi nàng rối loạn ham muốn 'yêu'

GD&TĐ - Rối loạn ham muốn ở phụ nữ là một loại rối loạn chức năng tình dục khiến người trong cuộc có rất ít hoặc không có hứng thú với chuyện ấy.