Robin Gosens: Hành trình kỳ lạ của hậu vệ siêu hạng

GD&TĐ - Chưa từng chơi bóng chuyên nghiệp tại Đức, “lang thang” từ những đội bóng nhỏ ở Hà Lan trước khi đến Italia, song màn trình diễn chói sáng trong trận thắng Bồ Đào Nha đưa tài năng Robin Gosens lên tầm cao mới.

Hậu vệ đội tuyển Đức ăn mừng bàn thắng trong trận Đức thắng Bồ Đào Nha 4-2.
Hậu vệ đội tuyển Đức ăn mừng bàn thắng trong trận Đức thắng Bồ Đào Nha 4-2.

Khởi nghiệp nhiều trắc trở

Trước khi trận đại chiến với Bồ Đào Nha diễn ra, Đức bị đánh giá thấp hơn về mọi mặt. Thế nhưng, trong một ngày thi đấu thăng hoa và thể hiện tinh thần tuyệt vời, Die Mannschaft đã vùi dập nhà đương kim vô địch với tỉ số 4 - 2. Người chơi nổi bật nhất trong chiến tích ngoài mong đợi này cũng là một cái tên mà có lẽ chẳng ai ngờ đến, Robin Gosens.

Ngay từ phút thứ 5, anh đã có một bàn thắng đẹp mắt không được công nhận bởi VAR. Sau khi Ronaldo mở tỷ số cho Bồ Đào Nha, chính Gosens là người đưa bóng vào trong khiến trung vệ Ruben Dias phản lưới nhà, đưa trận đấu về vạch xuất phát.

Tiếp đến, anh có đường chuyền quyết định để Kai Havertz nâng tỉ số lên 3 - 1 trước khi tự mình đánh đầu cận thành, mang về bàn thắng thứ 4 cho Đức. Với màn trình diễn siêu hạng, Gosens xứng đáng nhận giải cầu thủ xuất sắc nhất trận từ UEFA.

Sinh ra tại một thị trấn bên bờ sông Rhein vào ngày 5/7/1994, Gosens là người Đức “xịn 100%”. Theo Guardian, nghề nghiệp trong mơ của Gosens vốn là trở thành... cảnh sát, giống ông nội. Nhưng khi được một viên cảnh sát địa phương cho biết chiều cao của anh không phù hợp, Gosens quyết định theo đuổi phương án B: Trở thành cầu thủ bóng đá. Anh bắt đầu sự nghiệp ở Niederrhein-Liga, một giải đấu hạng 5 của Đức. Sau đó, Gosens thất bại trong lần thử việc tại Dortmund nên chuyển hướng xuất ngoại, quyết định được cho là táo bạo với cầu thủ vô danh mới 18 tuổi.

Tại Hà Lan, Gosens chọn Vitesse, song hậu vệ người Đức không được ra sân nên phải trôi dạt xuống giải hạng Nhì, đá cho FC Dordrecht theo dạng cho mượn. Trở lại Vitesse, Gosens lại không có chỗ đứng nên đã đầu quân cho Heracles Almelo dưới dạng chuyển nhượng tự do vào hè 2015. Đây được coi là bước tiến đầu tiên trong sự nghiệp của Gosens bởi sau 2 năm chơi ổn định ở Heracles Almelo, anh được Atalanta chiêu mộ với mức phí 1,17 triệu euro.

Và sau khi sang Italy hè 2017, sự nghiệp Gosens bắt đầu thăng hoa. Nếu Atalanta từ một đội bóng chưa bao giờ biết mùi Champions League vươn mình trở thành đại diện thường xuyên của Serie A và thậm chí còn xếp trên Juventus mùa vừa qua, thì Gosens cũng dần bước ra ánh sáng với tư cách một trong những hậu vệ chạy cánh trái hay nhất giải đấu.

Ở mùa đầu tiên khoác áo Atalanta, anh chỉ có 2 bàn và 2 kiến tạo sau 26 trận ra sân. Nhưng thống kê ấy tăng vọt ở hai mùa gần nhất, với lần lượt 10 bàn, 8 kiến tạo trong 43 trận mùa 2019 - 2020, rồi 12 bàn, 8 kiến tạo trong 44 trận mùa giải 2020 - 2021.

Tại Serie A mùa qua, số bàn thắng của Gosens sánh ngang với những tiền đạo chơi cho các CLB lớn như Alvaro Morata (Juventus), Ante Rebic (Milan) hay Hirving Lozano (Napoli). Đặc biệt, pha lập công vào lưới Liverpool ngay tại Anfield hồi tháng 11/2020, khiến tên tuổi của cầu thủ người Đức ngày càng được chú ý hơn.

Robin Gosens (bên trái) từng bị Ronaldo từ chối đổi áo tại Serie A.

Robin Gosens (bên trái) từng bị Ronaldo từ chối đổi áo tại Serie A.

“Sao Hôm” của Die Mannschaft

Phải đến khi đã 26 tuổi, Gosens mới có lần đầu được HLV Joachim Low triệu tập lên đội tuyển Đức rồi trao cơ hội ra mắt trong trận đấu gặp Tây Ban Nha thuộc khuôn khổ vòng bảng Nations League 2020. Anh nhanh chóng khẳng định bản thân với vị trí hậu vệ chạy cánh trái trong sơ đồ 3 – 4 - 3 mà “thuyền trưởng” Die Mannschaft tin dùng và tính đến giờ đã có 9 lần ra sân, ghi 2 bàn.  

Màn trình diễn chói sáng trong trận gặp Bồ Đào Nha và danh hiệu “Cầu thủ hay nhất trận” là hệ quả tất yếu cho nỗ lực không ngừng nghỉ của Gosens.

Trả lời sau trận đấu, Gosens rất hạnh phúc: “Tôi không biết bắt đầu từ đâu! Đó chắc chắn là một đêm khó quên đối với tôi. Chúng tôi đã đánh bại một đội thực sự mạnh và tôi đã có bàn thắng đầu tiên ở giải đấu này, cũng như một pha kiến ​​tạo. Tôi hạnh phúc và tự hào. Toàn đội biết phải giành chiến thắng trước Bồ Đào Nha, bởi vì nếu chúng tôi thua ở đây thì việc vượt qua vòng loại sẽ thực sự khó khăn. Tôi rất vui vì chúng tôi đã thắng trận đấu”.

Gosens cũng đáp lại câu hỏi về việc anh có hỏi Ronaldo đổi áo giống như trước đây hay không: “Tôi không thèm đổi áo với Ronaldo nữa, vì tôi muốn tận hưởng chiến thắng ngày hôm nay. Tôi không quan tâm đến cái áo đó đâu”.

Đó là câu chuyện vào năm 2018. Viết trong cuốn tự truyện mang tên “Dreams Are Worthwhile”, hậu vệ 26 tuổi nhớ lại: “Sau trận với Juventus, tôi đã cố gắng hoàn thành giấc mơ có chiếc áo đấu của Ronaldo. Tôi đã lại gần anh ấy đề nghị đổi áo. Nhưng Ronaldo còn chẳng thèm nhìn tôi, chỉ nói một từ “Không”. Tôi đỏ mặt và xấu hổ, lủi thủi bước đi và cảm thấy mình thật nhỏ bé. Bạn chắc hiểu được cảm giác đó, bởi khi điều gì xấu hổ xảy ra, bạn sẽ nhìn xung quanh xem có ai để ý không”.

Chiều 19/6, trên sân Allianz Arena, Robin Gosens đối mặt Ronaldo một lần nữa. CR7 vẫn ghi bàn, bàn thứ 12 của anh tại Euro, đánh dấu cột mốc vĩ đại. Nhưng ở phía bên kia, Gosens đã tỏa sáng và khiến kỳ tích của siêu sao người Bồ Đào Nha bỗng trở nên mờ nhạt. Với một người vừa đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu, Gosens có thể làm mọi thứ mình thích. Bóng đá là vậy, chỉ tôn vinh bên chiến thắng.

Gosens đã giúp Đức có cú trở mình lịch sử và giờ hậu vệ của Die mannschaft đã là cái tên được cả thế giới biết đến.

Ở đội tuyển Đức, nòng cốt luôn luôn là những cầu thủ đang chơi bóng tại Bundesliga. Ngoại lệ là trường hợp của những ngôi sao xuất ngoại thuộc vào hàng xuất chúng như Toni Kroos, Ilkay Gundogan hay Kai Havertz. Robin Gosens vì thế trở thành cái tên có phần “lạc lõng” trong đội hình Die Mannschaft ở EURO 2020. 
Mặc dù vậy, những người theo dõi Serie A vài năm qua đều không lạ gì Gosens và những gì anh có thể làm được: Một hậu vệ cánh lên công về thủ miệt mài, với hiệu suất ghi bàn chẳng thua các tiền đạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ