Mất niềm tin vào bố mẹ
Không phải đến bây giờ, những câu chuyện đau lòng về việc cha mẹ đánh đập con cái dã man mới được phơi bày và lên án. Còn nhớ cách đây ít lâu, dư luận bàng hoàng khi xem clip bố bắt em trai nhổ nước bọt vào miệng anh, bôi thức ăn bị nôn lên mặt.
Hay sự việc bé Trần Gia K. (10 tuổi), bị chính bố đẻ và mẹ kế bạo hành đến chấn thương sọ não, gãy xương sườn.
Bức xúc hơn khi mới đây nhất, một ông bố tại Ba Vì (Hà Nội đánh đập con gái dã man. Thậm chí ông bố này còn thường xuyên trút giận lên người 3 đứa con nhỏ. Còn người mẹ chỉ biết khóc, cầu xin chồng hãy dừng tay.
Bị bạo hành như vậy, những đứa trẻ ấy sẽ ảnh hưởng thế nào về tâm lý và phải làm sao để chúng không phải sống trong một gia đình chỉ có những “cơn mưa” đòn roi.
Bị bạo hành, trẻ nhỏ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý và đeo đẳng suốt cuộc đời.
Về việc này, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn). Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất phân tích: “Các cháu bé bị bố, mẹ đẻ đánh đập thường xuyên sẽ bị thui chột nhiều thứ và ảnh hưởng đến tâm lý lâu dài, sự phát triển trí tuệ của đứa trẻ. Vì trong suy nghĩ của chúng bố mẹ bao giờ cũng thương yêu và gần gũi các con.
Từ bé đến lúc bị đánh, chúng luôn đặt niềm tin vào bố mẹ. Nhưng đến khi bị đánh đập dã man, bị hành hạ không tiếc tay chúng sẽ mất hết niềm tin với bố mẹ, sau đó khó lòng có thể tin được những người khác. Khi ấy, chúng luôn luôn đặt dấu hỏi với những người xung quanh: Liệu những người này có giống bố mẹ mình không, hay chỉ nói rồi hành hạ giống như bố mẹ đã làm?”.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, những tâm lý này sẽ bất biến trong đứa trẻ, dù thế nào vẫn ám ảnh đến lúc trưởng thành, có gia đình và khi về già. Vì trẻ bị bạo hành không chỉ để lại di chứng về thể xác mà còn về tinh thần, đây là cú sốc lớn sẽ theo trẻ đến hết cuộc đời. Những đứa trẻ ấy sẽ trở nên tự ti, sống khép mình.
Đặc biệt hơn có thể tâm lý chúng thay đổi, dễ sinh ra chống đối, ương bướng dễ vi phạm những chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Điều này rất nguy hiểm nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Đặt ra những câu hỏi suốt đời
“Những cháu gái bị bố mẹ bạo hành sẽ trở nên rụt rè, kém cỏi, khó hòa nhập với xã hội. Sau này, khi đi xây dựng gia đình, cháu gái đó sẽ nghi ngờ về chồng, gia đình chồng, như vậy liệu có thể sống một cách hạnh phúc?
Và cả đời, những đứa trẻ bị bạo hành sẽ sống trong một câu hỏi: Tại sao một người ruột thịt gần gũi nhất trong cuộc đời lại có những cách hành xử như vậy?”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất khẳng định.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất.
Cùng chia sẻ với PV, chuyên gia tâm lý Ánh Tuyết (Hà Nội) cho rằng: “Những sự việc đau lòng này chỉ được lên án một thời gian nhưng sau đó dễ bị “chìm xuồng” và không được giải quyết triệt để. Đứa trẻ bị bạo hành lại trở về với gia đình và nơm nớp lo sợ không biết khi nào bố, mẹ sẽ đánh mình.
Có thể, những trận đòn roi không còn đau và liên tục như trước, nhưng quãng thời gian tuổi thơ sẽ phải sống trong lo âu và không biết bao giờ mình mới thoát ra khỏi cuộc sống “địa ngục””.
Vì điều này, chuyên gia tâm lý Ánh Tuyết cho hay, những vụ bạo lực trẻ xảy ra trong chính gia đình cần phải giải quyết triệt để và rõ ràng dù mức độ nặng nhẹ khác nhau. Để những sự việc đã xảy ra là một bài học nhắc nhở cha mẹ hãy yêu thương con cái của mình.
Vẫn biết “yêu cho roi cho vọt” nhưng cũng cần đúng cách và đúng thời điểm để trẻ được phát triển một cách bình thường nhất.