Tôi theo chồng lên trang trại một người bạn vui chơi ngày cuối tuần. Hôm ấy, chỉ có một người lạ duy nhất, còn toàn anh em quen biết trước cả, và có đến 3 cặp vợ chồng.
Kể chuyện phiếm, chuyện gia đình, chuyện nọ xọ chuyện kia, cả 4 giờ đồng hồ, mà cuộc nhậu vẫn rôm rả. Trang trại cách xa khu dân cư, nên thoải mái hát ca, nói tiếng lớn.
Tôi theo chồng lên trang trại một người bạn vui chơi ngày cuối tuần. (Ảnh minh họa). |
Chẳng biết Minh - người lạ duy nhất hôm ấy nghĩ gì, đã phát biểu một câu khiến ai cũng chưng hửng, từ đàn ông tới đàn bà, ai cũng nhìn nhau ngạc nhiên. Minh rằng: “Cuộc đời tôi, dù có thay đổi thế nào đi nữa, cũng không bao giờ đụng tay vào việc nhà. Chưa bao giờ tôi bắc nồi cơm, lau nhà, hay giặt đồ”.
Ngứa tai, tôi bảo: “Anh là mẫu đàn ông cực kỳ gia trưởng. Tội nghiệp vợ anh, cô ấy quá thiệt thòi”. Kể từ lúc đó, câu chuyện quay sang chủ đề “Đàn ông và việc nhà”. Mọi người nói năng từ tốn, không tranh cãi, chỉ là nêu quan điểm riêng.
Được biết Minh rất giỏi làm ăn, kinh tế gia đình, một tay anh gầy dựng. Vợ Minh nội trợ. “Lý lịch trích ngang” ấy, cũng đủ để biết Minh có lý do để không làm việc nhà.
Minh còn nói thêm “Chưa một ai tới nhà tôi mà phàn nàn vợ tôi. Cô ấy không bao giờ tỏ ra khó chịu với khách, cho dù người khách của chồng có thế nào đi nữa”.
Trong thâm tâm tôi hiểu rằng, một người chồng gia trưởng như Minh, làm sao cô vợ nội trợ, sống phụ thuộc chồng lại dám hó hé, nếu không muốn ăn tát.
Một người chồng gia trưởng như Minh, làm sao cô vợ nội trợ, sống phụ thuộc chồng lại dám hó hé, nếu không muốn ăn tát. (Ảnh minh họa). |
Minh tuyên bố là người đàn ông không chạm đến việc nhà, ngay giữa chốn đông người, là để chứng tỏ mình là gã đàn ông thực thụ à? Còn những người đàn ông biết giúp vợ việc nhà ở đây thì sao?
Anh Đông, người lớn tuổi nhất trong cuộc vui lên tiếng: “Tôi khác Minh. Tôi phụ việc nhà giúp vợ mỗi ngày. Nhất là mỗi khi vợ công tác xa, tôi phải lo cơm nước, con cái. Con tôi dù không còn nhỏ, nhưng các cháu ít thời gian nghỉ ngơi; cái gì làm được cho vợ con, tôi chả ngại. Nhà tôi hay dọn cơm dưới sàn gạch, giữa nhà; cơm xong, tôi dành phần lau chỗ ngồi, trong khi vợ rửa chén”.
Bản thân tôi làm việc online tại nhà, mọi chuyện liên quan đến nội trợ, tôi đảm đang hết. Có lẽ vì thế mà chồng tôi tệ việc nhà. Nhưng chỉ là anh có chút lười nhác, ỷ lại, chớ không có chuyện gia trưởng, cho rằng đàn ông thì lo việc lớn, mà không mó tay việc nhà.
Đợt tôi về quê một tháng chăm mẹ ốm nặng, mới thấy chồng mình giỏi giang thế nào. Anh ấy vừa đưa đón con, vừa không hề “cơm hàng cháo chợ”, kiểu gì cũng phải cho con ăn uống sạch mới chịu.
Giữa cuộc vui hôm ấy, tôi bày tỏ với tư cách một phụ nữ nội trợ “chính hiệu” rằng, dù chồng có mang tiền về cao như núi, vợ cũng rất muốn các anh giả vờ mó tay vào việc nhà, dù chỉ là cầm cái chổi quét vội. Một sự chia sẻ nhỏ nhoi, để chứng tỏ các anh quan tâm việc nhà, là quan tâm đến vợ.
Đừng nghĩ nhiệm vụ của chồng là làm ra tiền, thì việc nhà phải là của vợ. (Ảnh minh họa). |
Đừng nghĩ nhiệm vụ của chồng là làm ra tiền, thì việc nhà phải là của vợ. Làm phụ nữ nội trợ đã là một thiệt thòi. Phụ nữ cũng mong muốn đi làm kiếm tiền lắm chứ, có khi còn giỏi kiếm tiền hơn không ít đàn ông. Phụ nữ lại giỏi hơn đàn ông sự “hy sinh”. Chọn nội trợ là chọn sự êm ấm, bình yên, thì cũng mong các anh hãy chia sẻ việc nhà cùng vợ mỗi khi có thể.