Tuy nhiên, sau lễ giỗ Tổ, nhiều người băn khoăn đặt ra câu hỏi về ông Tổ sân khấu. Cũng vì quá nhiều đáp án nên những tranh cãi vẫn không có hồi kết.
Giai thoại về 5 vị hoàng tử
Một trong những giai thoại được nhiều người nhắc đến để trả lời câu hỏi về thân phận ông Tổ sân khấu liên quan đến vị vua hiếm muộn luôn cầu Trời khấn Phật xin một mụn con. Mỗi lần làm lễ cúng tế, vị vua này lại cho người đóng vai thần tiên với những trang phục đẹp mắt, lộng lẫy để múa hát.
Cuối cùng, hoàng hậu hạ sinh hai hoàng tử. Lớn lên, hai hoàng tử đều ham mê ca hát. Một lần, cả hai chui vào bộng cây vông để trốn theo gánh hát nhưng không may chết bên trong cây vông vì vụ hỏa hoạn. Đó là ngày 12/8 âm lịch.
Theo NSND Đinh Bằng Phi, tuy không còn trên trần thế nhưng hai hoàng tử vẫn hay hiện về để xem đào kép ca diễn. Vì vậy, giới nghệ sĩ lập bàn thờ phụng kính là Tổ nghiệp và lấy gỗ vông khắc thành tượng nhỏ như búp bê để làm tượng Tổ.
Một giai thoại khác lại kể rằng, có ba vị hoàng tử gồm Càn, Chơn và Chất. Vì mê xem hát, cả ba dùng quả thị làm ám hiệu để trốn vua cha. Một ngày, chỉ có Chơn và Chất đi xem hát. Trên đường về, cả hai gặp một cơn mưa lớn và chết vì quá lạnh.
Hoàng tử Càn lên ngôi nhưng vì thương nhớ hai em và mê hát nên đã bỏ cung đình và tìm người lập gánh hát. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão chẳng ai thuê nên gánh hát tan rã. Hoàng tử Càn gom tài sản vào hai chiếc thúng gánh đi nhưng đất trời khắc nghiệt, ông kiệt sức rồi chết. Trước khi qua đời, hoàng tử Càn đã gọi tên hai người em của mình.
Ở nơi hoàng tử Càn mất, nhiều người nói họ nhìn thấy bóng hình của ba anh em ôm nhau trong hương thơm ngào ngạt của quả thị. Lúc sống mê hát, lúc chết cả ba vẫn nguyên như thế. Họ đã tìm đến những gánh hát để tá túc và giúp đỡ con hát. Sau này, người ta lấy ngày hoàng tử Càn mất để làm ngày tưởng nhớ ba anh em và xem họ là Tổ nghề.
Chưa hết, giai thoại khác lại quả quyết Tổ nghề sân khấu là 12 vị được gọi là “Thập nhị công nghệ”. 12 vị Tổ nghề đều là bậc thầy ở những nghề nghiệp phổ biến trong xã hội như bốc thuốc, mộc, thợ rèn, đi buôn… Họ truyền bá kĩ năng nghề nghiệp cho nghệ sĩ, để rồi nghệ sĩ nhập vai thành những thành phần xã hội khác nhau trên sân khấu.
Tổ nghề làm nghề ăn xin?
Với các truyền thuyết được lưu truyền phía Bắc, ngày giỗ Tổ sân khấu là ngày giỗ bà Phạm Thị Trân sống ở thế kỷ thứ X. Bà là người đã đặt những nền móng cơ bản cho hát chèo, nghệ thuật sân khấu ra đời sớm nhất trên cả nước. Có nơi lại quả quyết, bà Đào Nương (Đào Thị Huệ) – Tổ ca trù, người có công giết giặc Minh mới là Tổ sân khấu.
Tại miền Trung hiện nay có nhiều làng quê vẫn duy trì tục thờ ông Tổ sân khấu. Như ở làng Xướng An, xã Điện Minh (Điện Bàn - Quảng Nam) là một điển hình. Các cao niên làng Xướng An cho rằng, tên làng có nghĩa “nơi yên bình của những người xướng ca vô loài”.
Chuyện kể rằng dân làng Xướng An vào Nam cùng thời với Đào Duy Từ (1572 - 1634), người đã “vượt biên” vào Đàng trong năm Ất Dậu (1627), là một ông tổ của sân khấu. Hàng năm, vào dịp cúng thành hoàng, dân làng Xướng An đi qua các làng kế cận để xin đồ ăn về làm lễ vật. Đây là cách nhắc nhớ truyền thống ca kĩ, ăn xin dù làng đã khá giả.
Nghệ sĩ Bạch Long dựa vào Thiên Hồi Ký về Tổ sân khấu do người cha là cố NSND Thành Tôn để lại, nói rằng nhiều giai thoại cho Tổ nghề sân khấu là một người ăn xin nhưng thật ra là sai. Ngày xưa có một đội du ca, không chỉ là Việt Nam mà nước nào cũng có một đàn hát như thế. Họ đi hát rất nhiều nơi, ở nước ta dân gian quen gọi là gánh hát, bởi vì gánh từng gánh đi hát và khán giả không cần mua vé mà cho bánh tét hay cái này cái kia.
Theo nghệ sĩ Bạch Long, tam vị thánh tổ gồm có: Tiên Sư, Tổ Sư, Thánh Sư. Trong đó, Tiên Sư là ông sáng tạo ra nghề hát, Tổ Sư là ông tiếp nối truyền bá nghề hát, ông Thánh Sư là thánh về văn chương. Ngày xưa, ông Thổ tràng là một vị hoàng tử trong cung, rất mê nghệ thuật và mê hát nên bỏ ngai vàng đi theo.
Thổ tràng không biết hát nhưng có tài viết tuồng, ông viết tuồng cho đoàn hát diễn, khi ông mất, đoàn hát thờ ông cho đến ngày nay. Còn vị tổ sau kinh doanh cũng là hoàng tử trong triều đình, ông này chuyên môn kinh doanh nhưng rất thương nghệ sĩ, ông hay bỏ tiền ra cho gánh hát nên gánh hát tôn thờ ông.
Còn ông thứ 3 rất lạ lùng, ông là hoàng tử nhưng không thích làm vua lại thích ra làm ăn cướp. Làm cướp nhưng ông rất bênh vực nghệ sĩ, miễn ai đụng đến đoàn hát coi như đụng đến ông.
“Nhiều người nói không cho cúng trái thị vì ông Tổ sẽ đi theo, nhưng theo cuốn Thiên Hồi Ký thật ra vì trái thị thơm và ăn không ngon nên không cúng. Chúng ta tin vào tâm linh, nhưng cái nào không khoa học chúng ta nên bớt đi”, nghệ sĩ Bạch Long bày tỏ.
Như vậy, giai thoại về ông Tổ sân khấu còn rất nhiều điểm chưa được chứng thực. Nhưng dù thế nào, đó cũng là lời nhắc nhớ về nguồn gốc đối với những người làm nghệ thuật. Mọi tranh cãi, khi không có đáp án cụ thể rõ ràng thì đều vô bổ.