Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, với tổng vốn khoảng 181.887 tỷ đồng và hơn 1.103 triệu USD, toàn tỉnh hiện có 344 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, số dự án chậm tiến độ lên tới 61 dự án, tương đương 8.604 tỷ đồng và hơn 654 triệu USD.
Riêng các dự án được UBND tỉnh chấp thuận cho nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu lập đề xuất, trên địa bàn tỉnh hiện có 18 dự án. Trong số 18 dự án này, có đến 3 dự án chậm tiến độ.
Trước thực trạng trên, tại cuộc họp báo cáo tiến độ thực hiện các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và tình hình xử lý các dự án chậm tiến độ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá khả năng thực hiện các dự án.
Đáng chú ý, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh xem xét thu hồi đối với những dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng không triển khai; mời gọi nhà đầu tư khác đối với những dự án được UBND tỉnh chấp thuận cho tiếp cận nghiên cứu, nhưng đã hết thời gian cho phép mà đơn vị không triển khai.
Số dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang lên tới 61 dự án, tương đương 8.604 tỷ đồng và hơn 654 triệu USD. (Ảnh minh họa) |
Theo các chuyên gia, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều nội dung cần góp ý để hoàn thiện. Trong đó, vấn đề xử lý các dự án chậm triển khai, dự án treo đang được dư luận rất quan tâm.
Bởi các dự án treo và quy hoạch treo đã gây ra lãng phí rất lớn nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của nhân dân. Thậm chí, có trường hợp dự án tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân như diện tích đất trong các dự án treo chưa khai thác, hoặc chậm được khai thác sử dụng, không thể xây dựng, chuyển nhượng gây ra lãng phí rất lớn và tác động trực tiếp đến đời sống của người dân trong khu vực.
Thêm vào đó, nhiều dự án treo còn cho thấy sự bất cập ngay từ ban đầu, đất được giao cho các nhà đầu tư không đủ năng lực để triển khai thực hiện.
Liên quan đến các dự án chậm triển khai, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quyết liệt nhằm khắc phục tình trạng này.
Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Đồng thời, rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo".
Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng sửa đổi, trong đó có mục tiêu phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.