Hạt sen mát bổ nhưng đặc biệt lưu ý điều kiêng kỵ này khi ăn

GD&TĐ - Hạt sen - loại thực phẩm giàu dinh dưỡng là món ăn quen thuộc trong mỗi gia đình, nhưng không phải là món ăn phù hợp với nhiều người.

Hạt sen mát bổ nhưng đặc biệt lưu ý điều kiêng kỵ này khi ăn

Hạt sen rất giàu dinh dưỡng, thành phần chính là tinh bột, protein 14,8% (gồm các acid amin, threonin 2,42%; methionin 0,82%; leucin 3,23%; isoleucin 1,11%; phenylalanin 12,64%), dầu béo 2,11% (gồm các loại acid béo, cùng một số khoáng chất cần thiết như phốt pho, canxi, natri và kali)

Lưu ý khi ăn hạt sen

Không bỏ tâm sen khi muốn sử dụng hạt sen chữa bệnh mất ngủ

Theo lương y Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), công dụng điều trị mất ngủ, thức giấc ban đêm phần lớn nhờ vào các hoạt chất có trong tâm sen. Do vậy, nên kết hợp dùng cả hạt và tâm sen hoặc tốt nhất là sử dụng riêng phần tâm sen

Tâm sen trong hạt sen sử dụng trong thời gian dài không tốt cho người bị hư nhiệt

Mặc dù tâm sen rất tốt nhưng những người bị hư nhiệt không nên dùng nhiều. Về lâu dài, bạn có thể bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường.

Đặc biệt sử dụng tâm sen về lâu dài có thể ảnh hưởng chức năng sinh lý, cụ thể nhất chính là suy giảm ham muốn tình dục.

Khử độc tâm sen

Tuy tâm sen là bộ phận chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe nhưng cũng có độc tố alkaloid. Vì thế trước khi dùng tâm sen để sắc nước uống hay hãm trà, bạn nên rửa sạch với nước muối loãng, khử độc bằng cách sao vàng hoặc phơi khô.

Hạt sen không nên ăn với gì?

Mặc dù hạt sen tốt cho sức khỏe nhưng không phải thực phẩm nào cũng có thể kết hợp được. Các thực phẩm như cua, thịt rùa không được ăn cùng với hạt sen vì sẽ gây ngộ độc.

Những người được khuyến cáo không nên ăn hạt sen

Người mắc bệnh tim mạch

Theo Sức khỏe đời sống, hạt sen không dùng cho những người bị bệnh tim mạch bởi trong tâm sen có chứa độc tính alkaloid. Nếu muốn sử dụng hạt sen làm thuốc trước tiên phải khử độc rồi mới dùng. Có thể khử độc bằng cách sao tâm sen ngả màu vàng nhưng không cháy để độc tố thoát hết ra ngoài.

Cần chú ý liều dùng và không nên dùng lâu dài. Vì vậy những người mắc bệnh tim khi dùng hạt sen nhất thiết phải bỏ tâm hoặc dùng tâm sen với lượng vừa phải.

Người bị rối loạn tiêu hóa

Trong Đông y, hạt sen có tính bình, không độc nên nếu dùng hạt sen đúng cách hoặc với lượng vừa phải sẽ có tác dụng kiện tỳ - kích thích tiêu hóa hay chữa các bệnh đường tiêu hóa. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách hoặc quá liều, hạt sen có thể gây đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Bởi vì trong hạt sen có chứa nhiều vitamin và các khoáng chất, khi đang bị rối loạn tiêu hóa sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng hấp thu khó khăn hơn.

Suy giảm trí nhớ

Chúng ta biết rằng giấc ngủ góp phần không nhỏ trong việc duy trì hoạt động của não bộ cũng như ngăn chặn hiện tượng suy giảm trí nhớ, chứng hay quên.

Dù vậy nếu hấp thu quá nhiều và không khoa học lượng chất an thần từ thuốc hay các thực phẩm như hạt sen lại tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn giấc ngủ. Lúc này bạn sẽ luôn ở trong trạng thái buồn ngủ, giấc ngủ kéo dài triền miên, để lại ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng ghi nhớ và thậm chí là giảm tuổi thọ của bạn.

Trẻ em

Nhiều người thường nghĩ, hạt sen có chứa nhiều chất dinh dưỡng nên rất bổ. Người ta thường xay nhỏ hạt sen rồi nấu cháo cho trẻ ăn. Tuy nhiên đây lại là điều vô cùng có hại.

Do hạt sen giàu dinh dưỡng nên có thể làm cho trẻ khó tiêu hóa. Hệ thống tiêu hóa của trẻ rất nhạy cảm do còn non yếu. Bởi vậy không thể hấp thụ được các chất trong hạt sen. Ngược lại, trẻ em ăn hạt sen còn có thể gây ra dị ứng và mẩn đỏ. Do đó, không nên trộn các loại hạt sen để nấu cháo cho bé vì sẽ gây nên chứng đầy bụng, khó tiêu và biếng ăn ở trẻ nhỏ.

Hạt sen là loại thực phẩm cung cấp cho cơ thể rất nhiều dinh dưỡng cần thiết. Tuy vậy cần có những lưu ý khi ăn hạt sen, để có chế độ thu nạp hạt sen hiệu quả và an toàn cho sức khỏe nhất.

Ăn hạt sen có chừng mực, không ăn quá nhiều, kết hợp trong các món ăn để tăng hương vị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ