Điều này thể hiện vai trò quan trọng của đội ngũ cốt cán trong thực hiện đổi mới giáo dục với rất nhiều yêu cầu, đòi hỏi cao từ thực tiễn.
Cốt cán - bạn là ai?
Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín về công tác lãnh đạo, quản trị nhà trường; hiểu biết về tình hình giáo dục trong bối cảnh mới; có năng lực tư vấn, hỗ trợ đồng nghiệp trong công việc và trong hoạt động bồi dưỡng phát triển năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường.
Để trở thành cốt cán, Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT quy định, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, cần ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; được người có thẩm quyền đánh giá đạt mức khá trở lên theo chuẩn hiệu trưởng; được cơ quan quản lý cấp trên lựa chọn phù hợp với yêu cầu hỗ trợ, tư vấn về tổ chức và thực hiện các hoạt động bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương và có nguyện vọng trở thành cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.
Tiêu chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán cũng được nêu rõ trong Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT, đó là: Có 5 năm kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp ở cùng cấp học; xếp loại đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên đạt khá trở lên (trong đó các tiêu chí trong tiêu chuẩn về phát triển chuyên môn, nghiệp vụ phải đạt mức tốt); có khả năng thiết kế, triển khai các giờ dạy mẫu, tổ chức các tọa đàm, hội thảo, bồi dưỡng về phương pháp, kỹ thuật dạy học, giáo dục, nội dung đổi mới liên quan đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và bồi dưỡng cho đồng nghiệp trong trường hoặc các trường trên địa bàn tham khảo, học tập; có khả năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục, xây dựng và phát triển học liệu số, bồi dưỡng giáo viên; có nguyện vọng trở thành giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.
Với quan điểm đội ngũ GV cốt cán chính là “đòn bẩy” chất lượng giáo dục, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: Giáo viên cốt cán phải là chuyên gia môn học có kiến thức rộng, nền tảng để có thể thường xuyên thích ứng, cập nhật tri thức khoa học công nghệ hiện đại và chia sẻ những tri thức này cho đồng nghiệp.
Khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ cốt cán, TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh - Phó trưởng khoa Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) - cho rằng: Để có thể chuyển tinh thần đổi mới, phương pháp dạy học mới theo kịp với tiến độ, nhất thiết phải dựa vào lực lượng cốt cán để đảm bảo quá trình tập huấn, bồi dưỡng lan tỏa nhanh, rộng nhất. Lực lượng cốt cán nằm tại chính nhà trường, địa phương sẽ đồng hành cùng giáo viên trong suốt quá trình nhà trường thực hiện đổi mới, kịp thời hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý ở cơ sở khi có khó khăn, vướng mắc.
Ảnh minh họa |
Với vai trò quan trọng ấy, một số tiêu chí với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được đòi hỏi cao hơn, như việc họ phải khẳng định được thành tích của mình trong công tác; phải có uy tín, sức ảnh hưởng; có năng lực truyền đạt; sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với đồng nghiệp.
Tương tự, giáo viên cốt cán cũng phải đạt đầy đủ tiêu chuẩn theo chuẩn giáo viên phổ thông mới được ban hành ở mức cao; đồng thời phải có tố chất là tinh thần sẵn sàng hợp tác, chia sẻ, có khả năng thuyết phục, phương pháp tuyên truyền. "Có giáo viên rất giỏi, nhưng nếu không mở lòng, không sẵn sàng hợp tác chia sẻ thì cũng không phát huy được vai trò nòng cốt" - TS.Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho hay.
Bồi dưỡng cốt cán: quan trọng là hiệu quả, thiết thực
Bồi dưỡng cốt cán: không cần nhiều, quan trọng là hiệu quả, thiết thực TS Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) cho biết: Chương trình ETEP đang phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục phát triển Chương trình bồi dưỡng thường xuyên GV&CBQLPT các cấp học phổ thông theo hướng tiếp cận với chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên vừa ban hành. Trên cơ sở các quy định tại Thông tư 14 và Thông tư 20, sẽ lựa chọn và bồi dưỡng cho 28.000 giáo viên và 4.000 cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán.
8 trường ĐHSP/học viện tham gia ETEP này (Trường ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Hà Nội 2, ĐHSP -ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐHSP-ĐH Huế, ĐHSP-ĐH Đà Nẵng, ĐHSP Tp Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý Giáo dục) chịu trách nhiệm trong việc bồi dưỡng đội ngũ cốt cán theo sự phân công và kế hoạch được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Đội ngũ cốt cán là một “mắt xích” quan trọng trong mạng lưới hỗ trợ hoạt động bồi dưỡng tại cơ sở, chia sẻ kiến thức với đồng nghiệp thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ, trong suốt đời làm nghề …Hoạt động của họ được sự hỗ trợ bởi một “mắt xích” quan trọng khác của mạng lưới học tập do ETEP thiết lập, đó là đội ngũ chuyên gia của 8 trường ĐHSP/học viện tham gia ETEP, để có thể giúp đồng nghiệp của mình một cách tốt nhất.
Năm 2016, Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025" được ban hành. Các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang cụ thể hóa các kết quả bồi dưỡng trong việc thực hiện chương trình phổ thông hiện hành, cũng như chủ động đổi mới các hoạt động dạy học, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu mới.
Khẳng định công tác bồi dưỡng thường xuyên vô cùng quan trọng, TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho rằng, quá trình bồi dưỡng phải phải làm liên tục, không phải một lần mà nhiều lần; đặc biệt bản thân giáo viên, cán bộ quản lý cần phải chủ động học hỏi để cập nhật để đáp ứng yêu cầu mới.