Dưa lưới made in Việt Nam
Dưa lưới là loại trái cây được trồng nhiều bởi giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng cùng thời gian trồng ngắn. Tại Việt Nam, các giống dưa lưới đang trồng chủ yếu được nhập từ Úc, Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan. Từ thực tế đó, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP Hồ Chí Minh (thuộc Sở NN&PN-NT TP Hồ Chí Minh) nhận thấy cần chủ động thực hiện những nghiên cứu để chọn tạo ra các giống lai mới có chất lượng tốt để phục vụ cho sản xuất.
Đề tài “Lai tạo và khảo nghiệm một số tổ hợp lai dưa lưới thích hợp canh tác trong nhà màng vùng Nam Bộ” vừa được nghiệm thu xuất sắc.
ThS Đoàn Hữu Cường, chủ nhiệm đề tài cho biết, sau hai năm nghiên cứu triển khai các hoạt động lai tạo, trồng khảo nghiệm cơ bản tại TPHCM và An Giang, nhóm đã chọn ra được hai tổ hợp lai (THL) dưa lưới tốt nhất với mã số THL 01 và THL 08 để tổ chức khảo nghiệm sản xuất, cũng như sản xuất hạt lai F1, khảo nghiệm với các giống đối chứng (vụ Đông Xuân và vụ Xuân Hè năm 2021) và đăng ký bảo hộ giống cho hai THL nói trên.
Môi trường thực hiện trồng khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất được triển khai ngay tại một số đơn vị chuyên trồng dưa lưới có trang bị nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt. Dưa lưới khảo nghiệm được trồng trên giá thể (mụn xơ dừa), bón phân kết hợp qua đường nước tưới.
ThS Đoàn Hữu Cường cho biết, qua hàng loạt quy trình đánh giá và giám định, hai giống dưa lưới F1 là sản phẩm của đề tài được xác định có chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn đúng giống, sạch bệnh, hạt giống không bị dị dạng, tỷ lệ nảy mầm ≥ 95%, độ sạch ≥ 98%, ẩm độ ≤ 10%. Về chất lượng, so với giống đối chứng Chánh Phong - TL3 (là giống dưa lưới được bán nhiều nhất hiện nay), hai giống dưa lưới F1 được chọn là hai tổ hợp lai cho năng suất ổn định, lần lượt ở mức 35 - 40 và 30 - 33 tấn/ha, so với 30,31 - 33,94 tấn/ha của giống TL3.
Ngoài ra, kết quả thống kê được nhóm nghiên cứu ghi nhận từ thực tế trồng khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất cũng đã cho thấy hai giống dưa này ít bệnh sương mai, phấn trắng và virus.
Sản phẩm thu hoạch có dạng quả oval, trọng lượng quả lớn, vỏ quả xám, lưới nhiều, thịt quả màu cam hay trắng xanh. Thịt quả rất giòn, ngọt, bảo quản lâu, thích hợp cho vận chuyển xa, độ đồng đều cao. Hai giống dưa lưới được chọn cũng có số ngày thu hoạch dao động trong khoảng 73 - 75 ngày, tương đồng với mức 74 - 75 ngày ở giống đối chứng. Về tiêu chí độ brix (độ ngọt), giống dưa lưới này đều đạt mức trên 12,5% và 15%, vượt yêu cầu đề ra.
ThS Đoàn Hữu Cường cho rằng, kết quả của nhiệm vụ cũng đáp ứng yêu cầu canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phục vụ chương trình giống cây, giống con chất lượng cao mà TPHCM đặt ra, từ đó góp phần đa dạng sản phẩm dưa lưới trên thị trường nội địa, đề tài còn bổ sung giống mới vào sản xuất, đa dạng nguồn nguyên liệu dưa lưới trong nước, cung cấp nguồn vật liệu cho công tác sản xuất thương mại và tạo giống ưu thế lai.
Giá rẻ cho người Việt
ThS Cường cho biết, trước đó nhóm nghiên cứu đã tiến hành chọn tạo 8 dòng thuần dưa lưới ưu tú theo phương pháp phả hệ từ 8 giống dưa lưới F1 là Taka, Khang Nguyên, Caribbean Gold RZ, Stripe, AMS, DL34-428, Bảo Khuê, Sunsweet.
Để chọn được các dòng thuần, nhóm nghiên cứu đã kế thừa nghiên cứu ở cấp cơ sở của chính tác giả Đoàn Hữu Cường và nhóm cộng sự tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM là Nghiên cứu chọn tạo dòng thuần và phát triển giống dưa lưới F1, phục vụ chương trình giống mới của TP Hồ Chí Minh.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ xây dựng được hệ thống hạt giống dưa đặc sản của Việt Nam, mang nhiều ưu điểm để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để đưa hai loại giống dưa này thành hạt giống F1 trồng đại trà, nhóm nghiên cứu đã tổ chức trồng khảo nghiệm DUS vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2021. DUS (Distinctness, Uniformity and Stability) là khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của giống cây trồng.
Kết quả, Th.S Cường cho biết, có tổng cộng 68 chỉ tiêu tính trạng được đánh giá theo Quy chuẩn quốc gia về khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định, trong đó một số tính trạng chính được đề cập trong Quy chuẩn khảo nghiệm của Liên minh quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới về dưa lưới công bố năm 2014.
Các kết quả cho thấy, các tính trạng của hai giống dưa này khác biệt so với các giống đối chứng, không thay đổi qua mùa vụ nên hoàn toàn đạt tiêu chuẩn để được chọn làm giống cây trồng mới, sẵn sàng đưa vào sản xuất trên quy mô lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hạt giống dưa lưới lai F1 của đề tài với giá sản xuất từ 500 - 700 đồng/hạt, thấp hơn rất nhiều so với hạt giống nhập khẩu (khoảng trên 3000 đồng/hạt). Hạt giống do các nhà khoa học tự nghiên cứu phù hợp với người nông dân trồng trọt ở quy mô lớn, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Việt Nam.
“Với toàn bộ quy trình và bộ tài liệu là sản phẩm của đề tài, Trung tâm Công nghệ Sinh học cũng như đơn vị được nhận chuyển giao hoàn toàn có thể chủ động thực hiện việc lai tạo hai giống dưa lưới nói trên từ 8 giống dưa lưới thông dụng hiện nay phục vụ cho thị trường. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, nguyên vật liệu từ các đơn vị liên quan để trong thời gian tới có thể triển khai ý tưởng nghiên cứu chọn tạo giống dưa lưới F1 có dạng quả tròn, ruột cam, thịt quả giòn và ngọt đang được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, chọn mua”, ThS Cường chia sẻ.