Hấp dẫn dạy Công nghệ bằng... ca dao

Công nghệ là bộ môn khoa học gắn liền với cuộc sống. Khi tìm hiểu và nghiên cứu về bộ môn này, học sinh sẽ càng thấy yêu thiên nhiên, đất nước và con người hơn.

Hấp dẫn dạy Công nghệ bằng... ca dao

Chương trình Sinh học THPT gồm nhiều phần kiến thức khác nhau, với mỗi phần kiến thức đó đều có thể diễn ra nhiều ví dụ, hình ảnh sinh động từ thực tế.

Để tổ chức một tiết học tạo được hứng thú cho học sinh là sự phối hợp nhiều phương pháp khác nhau và để tạo hứng thú cho nhiều tiết học là vấn đề không hề đơn giản từ việc nghiên cứu, điều tra về lý luận và thực tiễn đến chuẩn bị, soạn giảng, cách tổ chức tiết dạy.

Qua thực nghiệm chúng tôi thấy việc vận dụng ca dao, tục ngữ phù hợp với kiến thức sẽ giúp học sinh có hứng thú học tập đối với môn công nghệ 10, tạo tiền đề cho việc đạt kết quả học tập tốt.

Khi chúng ta nói đến ngoại hình giống vật nuôi, giáo viên có thể ví câu ca dao:

"Đầu thanh, mặt nhẹ, chân khô/ Vai cao, mình thẳng, mặt gân, sườn tròn/ Dạ bình vôi, tai lá mít, đít lồng bàn/ Đố ai biết được trâu còn điểm chi?/ Bốn chân, một vó ai bì/ Móng tròn, bát úp khi đi vững vàng/ Sừng mau, sừng ná hiên ngang/ Yêu trâu thêm tính khỏe làm siêng ăn"

Qua đó nhấn mạnh, dựa vào ngoại hình bên ngoài chúng ta có thể lựa chọn vật nuôi chính xác.

Hay khi nói về một trong những chỉ tiêu kỹ thuật để xây dựng hướng chuồng: “Xây chuồng hướng Đông cái lông chẳng còn”.

Nói về kỹ thuật nuôi cá: “Thưa ao, tốt cá”. Chọn thời gian để xuất bán: “Bán gà kiêng ngày gió, bán chó kiêng ngày mưa”.

Muốn gieo trồng, cày bừa không phải cứ tùy tiện trồng lúc nào là trồng mà phải dựa vào nguyên tắc các điều kiện thuận lợi của tự nhiên:

“Mồng chín, tháng chín có mưa/ Thì con sắm sữa cày bừa làm ăn/ Mồng chín, tháng chín không mưa/ Thì con bán cả cày bừa đi buôn”

Không thiếu những hình ảnh sinh động khác mà người giáo viên có thể dựa vào đó để bài học thêm phong phú sinh động hơn và cũng làm cho các em hiểu hơn.

Khi dạy phần trồng trọt, lâm nghiệp đại cương: có thể vận dụng các câu thành ngữ.

Ví dụ khi xác định tầm quan trọng của các yếu tố biện pháp kỹ thuật liên hoàn người nông dân đã nói rằng “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” khi phân tích nhận định này, giáo viên cần cho học sinh thấy được chỗ đúng, chỗ phù hợp của nó.

Cách nhận định này là đúng, là phù hợp với hoàn cảnh thực tế trước đây. Ngày nay do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người đã có khả năng tác động và khống chế được một số yếu tố tự nhiên, yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển của cây trồng.

Vì vậy giáo viên trong quá trình vận dụng cần qua phân tích để giúp học sinh hiểu hơn.

Hiện nay với tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, thì ta có thể hiểu rằng Giống là yếu tố hàng đầu là tiền đề, phân bón và nước là cơ sở.

Do đó người nông dân thấm thía và hiểu rõ rằng “Có công không bằng giống tốt”, “Nhất thì, nhì thục”.

Khi dạy phần kỹ thuật làm đất có thể ví câu “Nhai kỹ no lâu, cày sâu lúa tốt”. Đối với nghề nông, việc cày bừa kỹ là một biện pháp quan trọng có ảnh hưởng đến năng suất.

Khi dạy bài phân bón có thể ví câu “người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” hay “không nước, không phân, chuyên cần vô ích”.

Hình ảnh người công nhân làm nông nghiệp trên những cánh đồng lúa, rẫy cà phê, cao su…trong những trang trại chăn nuôi: Trâu, bò, lợn…ngoài những vuông tôm, bãi hàu…đã thay thế dần những người nông dân “chân lấm, tay bùn” xưa.

Những giá trị thực tế về kinh nghiệm “Trông trời, trông đất, trông mây...”, những quy luật thiên nhiên với sản xuất, các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên sẽ là cơ sở để học sinh tiếp nhận những kiến thức khoa học mới.

Công nghệ là một bộ môn có rất nhiều điểm hấp dẫn, lí thú. Vậy tại sao chúng ta không thể truyền cho học sinh cảm hứng học tập để các em dành cho bộ môn sự quan tâm đúng như những gì cần phải có?

Giúp học sinh trả lời câu hỏi đó cũng chính là quá trình mà chúng ta - những giáo viên đang giảng dạy bộ môn Công nghệ tìm ra con đường mang tình yêu học tập, sự tích cực, chủ động và tự tin đến với học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ