Hào hứng với tiết học kết nối

GD&TĐ - Vượt qua khoảng cách về địa lý, văn hóa, với sự hỗ trợ đắc lực của kết nối Internet, học sinh Trường THCS Đức Trí (quận 1, TPHCM) đã có những tiết học kết nối vô cùng thú vị với học sinh của các trường học trên thế giới như: Ấn Độ, Mỹ, Srilanka, Thái Lan, Hàn Quốc... 

Hào hứng với tiết học kết nối

Tại đây, các em có cơ hội học hỏi giao lưu với các bạn cùng trang lứa trên thế giới, trau dồi kỹ năng nghe, nói tiếng Anh, có thêm nhiều hiểu biết về nền văn hóa, giáo dục của nước bạn cũng như rèn luyện sự tự tin giao tiếp, bộc lộ sở trường, sự sáng tạo… nhằm tích lũy hành trang trở thành những công dân toàn cầu.

Háo hức đến giờ G

Đó là chia sẻ của các HS Trường THCS Đức Trí khi được hỏi trước khi bắt đầu giờ học kết nối với các bạn HS đến từ một trường trung học ở Hàn Quốc vào chiều thứ Tư vừa qua.

Em Nguyễn Công Khanh Hiền (lớp 6A3) chia sẻ: Một ngày trước giờ học kết nối, các em được cô giáo nói về chủ đề giao lưu và thời gian, sau đó các bạn cùng nhau chuẩn bị.

“Chúng em rất háo hức, chờ đợi đến giờ để giao lưu với các bạn. Dù không được thông báo trước sẽ giao lưu với học sinh ở nước nào, nhưng chuẩn bị kĩ lưỡng nên chúng em rất tự tin để trò chuyện với các bạn”.

Tiết học kết nối mở đầu thật sự ấn tượng khi HS Hàn Quốc lần lượt giới thiệu tên, tuổi và sở thích của mình, các em còn biểu diễn một khúc nhạc như lời chào với HS Trường Đức Trí.

Còn về phía HS của nhà trường cũng đáp lại bằng tiết mục đờn ca tài tử, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Cuộc trò chuyện của các em đều sử dụng ngôn ngữ chung: Tiếng Anh.

Kế tiếp đó là những câu hỏi mà các bạn Hàn Quốc dành cho các em của Trường Đức Trí như: Bạn biết ca sĩ nào nổi tiếng của K-POP, thành phố nào nổi tiếng của Hàn Quốc, vị vua nào? Phong tục trong năm mới, giới thiệu về chữ viết….

Sau khi lắng nghe câu hỏi, HS Trường Đức Trí đã lần lượt cùng nhau trả lời những câu hỏi mà phía trường bạn đưa ra. Các em tự tin đứng trước camera, trổ tài bằng việc sử dụng tiếng Anh rất lưu loát để trò chuyện với các bạn.

Nhờ sự hỗ trợ của kết nối Internet, thông qua công cụ Skype, bằng việc đầu tư đường truyền tốc độ cao, camera chất lượng, tiết học đã có sự ổn định về âm thanh, chất lượng hình ảnh khi kết nối trực tiếp.

Về phía Việt Nam, sau khi trả lời các câu hỏi của nước bạn, HS Trường Đức Trí cũng giới thiệu cho các bạn Hàn Quốc rất nhiều về các danh lam, thắng cảnh, các di tích lịch sử của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Những nét đặc trưng của văn hóa Việt như tà áo dài, món bánh chưng, ngày Tết với hoa đào, hoa mai…

Vượt qua khoảng cách xa xôi, những cô cậu học trò đầy nhiệt huyết khám phá những điều mới lạ bỗng trở lên gần gũi, thân thiện, trò chuyện nói cười rất hồn nhiên.

Cô và trò vô cùng hài lòng

Bắt đầu thí điểm tiết học kết nối từ tháng 12/2015, đến nay, học sinh Trường THCS Đức Trí đã có 10 buổi giao lưu trực tuyến với các trường đến từ Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ, Srilanka, Philippines, Hàn Quốc, Indonesia…

Qua các tiết học, các em đều vô cùng thích thú và học hỏi được rất nhiều điều. Diễm Anh - HS lớp 9A1 của trường - cho hay, em đã tham gia nhiều buổi học kết nối và rất thích giao lưu với các bạn để trau dồi kỹ năng nghe nói tiếng Anh của mình cũng như tìm hiểu nhiều về đất nước bạn.

Việc kết nối trực tiếp bằng hình ảnh cho em thấy được về phòng ốc học tập, điều kiện về cơ sở vật chất của các nước bạn khá hiện đại, các bạn rất tự tin và vui vẻ.

Đồng quan điểm, em Thảo Nhân cho rằng: “Dù gói gọn trong phòng học của mình, tụi em có thể trò chuyện trực tiếp, tìm hiểu được đất nước Hàn Quốc quả là rất bổ ích.

Khi được nghe các bạn hát, trò chuyện, kể về việc học tập, về đất nước, con người của các bạn… tụi em có thêm sự hiểu biết. Mỗi buổi học đều mang đến cho chúng em những bài học riêng và em cảm thấy rất hài lòng.

Trải qua nhiều tiết học, chúng em có thêm rất nhiều bạn bè trên thế giới. Không chỉ dừng lại ở tiết học này, mà tương lai chúng em sẽ còn có cơ hội trao đổi nhiều hơn với các bạn”.

Thấy học trò tiến bộ qua từng ngày, tích lũy được nhiều điều mới, giáo viên, đặc biệt là cô Nguyễn Thị Liễu - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn - rất hài lòng và tiếp tục liên hệ với nhiều trường học khác để các tiết học kết nối cứ được nhân lên theo thời gian.

Cô Nguyễn Thị Liễu tâm sự: Để có tiết học kết nối, giao viên sẽ phải liên hệ và kết nối với các giáo viên của các trường bạn. Vì khoảng cách về địa lý, múi giờ cũng có sự khác biệt nên rất khó trong việc sắp xếp.

Thêm vào đó, sự ổn định trong đường truyền Internet là yếu tố quyết định chất lượng của tiết học. Có lần kết nối, do phía bạn dùng wifi nên âm thanh truyền đến rất khó nghe.

Khi đó, cô và trò cùng đoán… cũng như sau đó sẽ trao đổi với nhau qua Facebook, qua email những gì mình còn thắc mắc, băn khoăn, còn chưa nghe rõ do đường truyền hơi yếu. Đó cũng là cách để các em rèn luyện thêm cho mình sau giờ học.

Không chỉ dừng lại ở tiết học kết nối với các trường trên thế giới, với việc ứng dụng có hiệu quả CNTT vào trường học, Ban Giám hiệu của trường đã giúp các em học sinh được kết nối trực tiếp, trò chuyện với nhiều cựu HS của trường đang du học từ nhiều nước trên thế giới để lắng nghe về kinh nghiệm du học, về xu hướng chọn ngành nghề trong tương lai của các em. Hay gần đây nhất là kết nối với một giáo viên ở Mỹ để nghe thầy chia sẻ về ngày Halloween.

Bên cạnh đó trường cũng đã thí điểm dạy tích hợp theo chủ đề của một số môn học bằng ứng dụng CNTT thông qua việc trò chuyện trực tuyến.

Sắp tới, trường mở rộng thêm sân chơi trải nghiệm cho học sinh đó chính là kết nối để các em giao lưu, học tập với khách mời là nhân vật nổi tiếng trên thế giới ở các lĩnh vực và khám phá lĩnh vực du lịch.

Chia sẻ về tiết học này, cô Nguyễn Thị Liễu: Đây là một phần trong chương trình học trực tuyến kết nối toàn cầu do Microsoft khởi xướng, với sự tham gia của hàng trăm trường học trên thế giới.                                                                                                               Ngoại trừ giáo viên hướng dẫn biết rõ sẽ kết nối với nước nào, các em phải đoán mình đang giao lưu với ai thông qua sự giới thiệu về xứ sở, vùng đất, về màu da, trang phục… với những câu hỏi: Yes/No.                                                                                                                                                                                                             Khi trả lời những câu hỏi của nhau, HS sẽ đoán ra được, “à chúng ta đang giao lưu với các bạn Hàn Quốc, vì các bạn có hỏi về trang phục truyền thống Hanbok, về món ăn Kimchi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.