Mô hình này không chỉ tạo sự thích thú cho học sinh mà còn khiến giáo viên hứng khởi trong quá trình truyền thụ kiến thức.
Chọn môn học yêu thích
2024 - 2025 là năm học đầu tiên Trường THPT Bà Điểm (huyện Hóc Môn) tổ chức cho học sinh khối 12 học “chạy”, thực hiện ở buổi 2 với 2 môn tự chọn trong số các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ.
Theo thầy Võ Thành Danh - Hiệu trưởng nhà trường, tổ chức mô hình lớp học “chạy” khá thuận lợi, bởi từ học kỳ II lớp 11, nhà trường đã tư vấn và khảo sát để nắm nguyện vọng của học sinh về mô hình này. Nhờ đó mà bước vào năm học mới, ngoài Toán và Ngữ văn, học sinh đã xác định chọn 2 môn tương ứng với khối, ngành nghề tương lai.
Tương tự, năm học này, Trường THPT Võ Trường Toản (Quận 12) bắt đầu cho học sinh khối 12 học “chạy” 2 môn tự chọn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cô Phó Hiệu trưởng Đỗ Thị Việt Phương cho hay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, học sinh phải thi 4 môn, gồm Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn. Ngoài giờ học chính khóa, những môn này được tăng cường thêm 2 tiết/môn ở buổi 2.
Nhưng vì học sinh chọn môn khác nhau nên trường phải bố trí học “chạy” để đáp ứng yêu cầu. “Để dạy tốt những lớp học này, giáo viên phải chuẩn bị bài giảng thật kỹ bởi học sinh thuộc nhiều lớp và học nhiều thầy cô khác. Các em thích môn học thì mới chọn nên giờ học rất sôi động, chăm chỉ đóng góp bài vở”, cô Phương cho hay.
Từ khi triển khai Chương trình GDPT 2018, ngoài các môn học bắt buộc, học sinh trúng tuyển vào lớp 10 buộc phải chọn tổ hợp môn tự chọn do nhà trường sắp xếp. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều học sinh dù không thích học một số môn nhưng không còn lựa chọn nào khác. Hiệu quả đào tạo vì thế không đạt như mong đợi bởi học sinh không có đam mê học tập.
Do đó, năm học 2024 - 2025, nhiều trường THPT đã triển khai lớp “học chạy” theo hình thức ngoài các môn bắt buộc, học sinh được “chạy” đến các lớp dạy những môn tự chọn mà các em thích học. Lớp học này không chỉ dành riêng khối 12 mà ngay từ lớp 10.
Chia sẻ về lớp “học chạy”, Lê Đức Huy - lớp 12C14, Trường THPT Võ Trường Toản lựa chọn 2 môn Hóa học và Sinh học cho biết: “Em rất thích khi mỗi giờ ra chơi lại được linh động đến lớp học khác, thay vì ngồi chờ giáo viên đến lớp mình. Em cảm giác như được học ở môi trường đại học. Đây là trải nghiệm thú vị cho tương lai sau này”.
Còn Lê Trung Nghĩa - lớp 12A2, Trường THPT Củ Chi (huyện Củ Chi) phấn khởi nói: “Em dự định xét tuyển đại học tổ hợp C00 nên đã lựa chọn 2 môn Lịch sử và Địa lý. Được học môn yêu thích khiến em cảm thấy thú vị và tự tin. Tham gia lớp học “chạy”, em còn được làm quen nhiều bạn mới, có cùng sở thích, định hướng môn học nên rất vui và học hỏi được nhiều điều”.
Từng bước gỡ khó
Ngoài các trường THPT Bà Điểm, THPT Võ Trường Toản, nhiều trường THPT tại TPHCM cũng tổ chức mô hình lớp học này như: Nguyễn Hữu Cầu, Hồ Thị Bi (huyện Hóc Môn), Trường Chinh (Quận 12)…. Trong đó, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Quận 5) là trường đầu tiên tại TPHCM triển khai mô hình lớp học “chạy”, bắt đầu từ năm học 2022 - 2023.
Cụ thể, ngoài 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được chọn lựa 4 môn học và 3 chuyên đề. Từ sự chọn lựa môn học của học sinh, trường sắp xếp thời khóa biểu theo hướng tất cả buổi sáng học sinh học môn bắt buộc và môn chuyên theo lớp của mình. Buổi chiều, học sinh chuyển sang học cùng với các bạn khác theo môn học tự chọn, chuyên đề đã đăng ký. Từ hiệu quả của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Sở GD&ĐT TPHCM khuyến khích các trường THPT trên địa bàn nhân rộng mô hình này.
Sau 2 tuần cho học sinh “học chạy”, thầy Võ Thành Danh - Hiệu trưởng Trường THPT Bà Điểm cho rằng, mô hình rất cần thiết, dù ban đầu gặp phải một vài khó khăn. Đơn cử, việc xếp lớp sau khi nắm nguyện vọng đăng ký từ học sinh mất nhiều thời gian hơn. Bởi thực tế, đông học sinh chọn 2 môn Tiếng Anh, Vật lý hay Tiếng Anh, Hóa học nhưng ít em chọn môn Tin học.
“Môn Tin học chỉ có 2 em chọn. Do không đủ điều kiện để thành lập lớp nên nhà trường khuyến khích các em qua Câu lạc bộ Tin học của trường để học tập nâng cao trình độ. Cùng đó, nhà trường cũng gặp gỡ các em và phụ huynh để tư vấn lựa chọn môn học khác. Chúng tôi cũng thông tin đến gia đình nếu học kỳ II các em vẫn có nguyện vọng học môn Tin học, nhà trường tiếp tục bồi dưỡng thông qua hình thức các câu lạc bộ”, thầy Danh nói.
Chia sẻ khó khăn khi tổ chức lớp học “chạy”, cô Đỗ Thị Việt Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản nhìn nhận, nhiều học sinh tiết chính khóa học giáo viên A. nhưng tiết học “chạy” lại học giáo viên B. Như vậy, giáo viên B. có thể không bám sát các em bằng giáo viên A. tại trường. Ngoài ra, một số lớp có sĩ số lên đến 53 - 54 em/lớp nên nhà trường phải tìm phòng rộng hơn để học sinh thoải mái. Sổ đầu bài cũng phải làm thành 2 quyển: Chính khóa và lớp học “chạy” để quản lý, điểm danh.
“Học “chạy” buổi 2 kéo theo một vài môn học chính khóa phải ‘chạy”’ cùng, như Tin học và Thể dục. Ở 2 môn này, ghi nhận điểm số sẽ vất vả hơn vì lớp “chạy” có học sinh của nhiều lớp khác nhau. Trường phải mất thêm nhân lực và thời gian để xếp học bạ của học sinh để giáo viên dạy “chạy” vào điểm trước. Sau đó tách học bạ, trả về đúng theo lớp chính khóa để giáo viên khác vào điểm. Chúng tôi mong ngành GD-ĐT TPHCM sớm có phương án chuyển đổi số, học bạ số để việc vào điểm cho các em dễ dàng và chính xác hơn”, cô Phương nói.
“Không chỉ học sinh, giáo viên của trường cũng hết sức hứng khởi. Bởi, được chọn môn yêu thích và cũng là thế mạnh để thi tốt nghiệp THPT sau này, các em học tập rất nghiêm túc. Nhờ đó, giáo viên dạy cũng cảm thấy thoải mái. Dạy môn Hóa học ở lớp học “chạy”, cảm nhận của tôi là các em học chăm chỉ và tập trung”, cô Đỗ Thị Việt Phương chia sẻ.